Thi THPT Quốc gia 2018: Hướng dẫn cách phân bố thời gian làm bài môn Hóa

Thi THPT Quốc gia 2018: Hướng dẫn cách phân bố thời gian làm bài môn Hóa

Hà Công Luân

Hà Công Luân

Thứ 2, 04/06/2018 15:03

Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 sắp cận kề, ngoài kiến thức thì các sĩ tử cần có cách phân bố thời gian để làm bài thi hiệu quả nhất. Báo Người Đưa Tin gửi tới độc giả cách ôn thi và làm bài thi môn Hóa do thầy Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ.

Thầy Nguyễn Ngọc Anh là giáo viên có hơn 10 năm kinh nghiệm luyện thi môn Hóa THPT Quốc gia, hiện đang công tác tại Hệ thống giáo dục Học mãi.

Với đề thi minh họa mà bộ GD&ĐT đã công bố cách đây một thời gian, thầy Nguyễn Ngọc Anh cho biết, đề thi môn Hóa năm nay đối với dạng vận dụng cao đều chiếm từ 4 - 6 câu nằm trong đề thi và đây cũng là những câu hỏi hay gài bẫy thí sinh. Vì thế, học sinh cần phải có kỹ năng phân bổ thời gian hợp lý khi luyện ôn và làm bài trong phòng thi để đạt hiệu quả cao nhất.

Thi THPT Quốc gia 2018: Hướng dẫn cách phân bố thời gian làm bài môn Hóa

Thầy Nguyễn Ngọc Anh hướng dẫn cách ôn tập và làm bài môn Hóa hiệu quả trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018. 

“Đối với giai đoạn luyện ôn nước rút, học sinh phải xác định mức điểm mà mình sẽ đạt được là bao nhiêu, nếu mục tiêu của các bạn muốn đạt được là điểm 7, 8 thì hãy tập trung luyện ôn nắm vững kiến thức thuộc về vận dụng và thông hiểu, đặc biệt là phần lý thuyết cơ bản chiếm 6 điểm tương ứng với 60% câu hỏi trong đề thi”, thầy Ngọc Anh chia sẻ.

Trong quá trình làm bài thi, thầy Ngọc Anh cũng khuyên các sĩ tử nên tập trung làm xong các câu hỏi về lý thuyết cơ bản trước, sau đó mới làm các câu hỏi khó hơn. Đối với các bài vận dụng cao thì học sinh nên đánh dấu sao vào đề thi để làm cuối cùng, vì một câu vận dụng cao các bạn cũng làm từ 5 đến 6 phút, tương đương với 1 câu lý thuyết cũng từ 10 đến 15 giây mà cả hai câu hỏi đều 0,25 điểm. Vậy nên, để đạt điểm cao môn Hóa, sĩ tử cần biết cách phân loại câu hỏi và thời gian làm bài một cách khoa học.
Nếu mục tiêu của các bạn đặt ra là đạt từ 9, 10 điểm thì ngay từ bây giờ, các bạn phải hoàn thành xong phần kiến thức trên rồi mới tập trung ôn dạng bài vận dụng cao, sau đó tự phân loại bài toán rồi đưa về cách giải hợp lý nhất.

Ví dụ: Phân loại các dạng bài vận dụng cao, ở dạng bài vô cơ thì đưa về sơ đồ hóa, sử dụng các phương pháp bảo toàn như bảo toàn khối lượng, bảo toàn nguyên tố, bảo toàn số mol electron... Ở dạng bài hữu cơ cần lưu ý phần kiến thức rất hay gặp và vô cùng quan trọng là peptit mà cụ thể là các dạng bài về phản ứng đốt cháy, thủy phân. Ngoài ra, các bạn cũng lưu ý học kỹ phương pháp giải toán đặc biệt rồi đưa về bảo toàn hóa, với các bài toán về este thì nắm rõ các yếu tố biện luận.

Đối với dạng bài tập vận dụng cao, học sinh nên nắm chắc các chuyên đề về Peptit - Este thường kết hợp với phản ứng thủy phân và đốt cháy, các bài tập về hợp chất vô cơ có nhiều quá trình diễn ra thường xử lý bằng sơ đồ hóa. Đặc biệt lưu ý, các dạng câu hỏi này thường hay có nội dung đánh đố và gài bẫy thí sinh.

Ví dụ: Ở những bài tập có sự hiện diện của 3 kim loại Mg, Al, Zn tác dụng với HNO3 hoặc H+ và NO3 – thì do tính khử tương đối mạnh của những kim loại này nên khả năng xuất hiện NH4NO3 là rất cao (99,99% trong các bài tập hiện nay). Trừ khi đề bài cho thêm dữ kiện chất khí nào là sản phẩm khử duy nhất của N+5, nếu không chúng ta phải hết sức cảnh giác có sự xuất hiện của NH4NO3. Đây chính là bẫy của rất nhiều bài toán, nếu bỏ qua vấn đề này sẽ dẫn đến việc áp dụng các định luật bảo toàn đưa kết quả sai như bảo toàn mol electron, bảo toàn điện tích, bảo toàn khối lượng hay bảo toàn nguyên tố. Vì vậy, trong dạng bài này, học sinh nên “đi tắt đón đầu” để biết được rằng sẽ có mặt của NH4NO3.

Thầy Nguyễn Ngọc Anh cũng nhấn mạnh thêm về cách tránh bẫy trong các dạng câu hỏi về vận dụng cao, học sinh nên chuẩn bị kỹ năng suy luận, phán đoán bằng cách luyện tập thường xuyên các dạng bài này để tránh những bẫy thường gặp.

Trong khi luyện tập các dạng bài vận dụng cao, sĩ tử nên chuẩn bị một cuốn sổ riêng để ghi chép các lỗi sai mà mình đã vấp và trước ngày thi các bạn chỉ cần đọc lại để rút kinh nghiệm. “Việc này sẽ giúp các em suy luận và phán đoán được những bẫy nào có trong đề thi để tránh”, thầy Ngọc Anh chia sẻ.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.