Đề thi minh họa môn Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019:
Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Ngữ văn hướng dẫn chi tiết cách làm đề thi minh họa môn Ngữ văn như sau:
1.ĐỌC HIỂU
Câu 1. Tác hại của việc không dám từ bỏ lối sống quen thuộc được nêu trong đoạn trích là: Cuộc sống không bao giờ phát triển; đó không phải là cuộc sống, cuộc sống không thể tốt đẹp lên được; mất niềm tin vào những giá trị tốt đẹp vào cuộc sống; mối quan hệ của chúng ta với cuộc sống không còn ý nghĩa.
Câu 2. “Điều ngược lại” được nói đến trong đoạn trích là: thụ động; không dám bộc lộ thái độ; không dám thể hiện chính kiến của mình.
Câu 3. Việc tác giả trích dẫn ý kiến của Gail Sheehy có tác dụng:
- Ý kiến của Gail Sheehy được đưa ra để cụ thể hóa, để minh bạch hóa, để triển khai ý tưởng, chủ đề của đoạn văn cần thay đổi để thành công.
- Lời của nhà văn mà tác giả trích dẫn chính là kiểm chứng, sự minh chứng một cách chắc chắn hơn, một sự khẳng định rõ ràng hơn.
Câu 4. Việc từ bỏ lối sống an toàn, quen thuộc để phát triển có thể gặp mạo hiểm, đó là hệ quả của những con người có bản lĩnh, trí tuệ, dám dấn thân. Tuy nhiên, chúng ta không bao giờ được liều lĩnh, vì liều lĩnh là biết trước nguy hiểm, biết trước thất bại mà vẫn làm, bất chấp tất cả. Và, liều lĩnh chỉ đơn thuần là liều mạng, là rất ít có bóng dáng của trí tuệ và không thể hiện được bản lĩnh của con người.
2. LÀM VĂN
Câu 1. Điều bản thân cần thay đổi để có thể thành công trong cuộc sống.
- Mở đoạn: Có rất nhiều cách để đưa đến thành công của mỗi con người, và riêng tôi, tôi đã suy nghĩ về những điều thay đổi để thành công, và theo tôi, đó không chỉ là giải pháp, đó là tâm điểm, đó là quan niệm, đó là lập trường sống của tôi.
- Thân đoạn:
+ Thứ nhất là nhận thức, thứ hai là hiện thực hóa được nhận thức ấy bằng những hành động, bằng sự thay đổi thực sự.
+ Ta phải thấy được cuộc sống hiện tại của chúng ta chưa ổn: công việc, học tập, mối quan hệ xã hội, cách sống, vui chơi giải trí, …
+ Ta tự xem lại mình về sở trường, năng lực, tồn tại, khiếm khuyết để thay đổi cho phù hợp. Có những cái bất biến trong ta không bao giờ thay đổi, đó là lòng tự trọng, danh dự, phẩm giá, sự tử tế của con người. Tuy nhiên, để cho những điều ấy tốt hơn thì cần thay đổi cái gì?
+ Chúng ta phải thay đổi như thế nào? Đừng hứa hẹn hão huyền mà hãy hành động ngay lập tức. Có thể thay đổi về cách sống, cách giao tiếp, nếp sinh hoạt hàng ngày, công việc, môi trường làm việc và mối quan hệ của chúng ta trong cuộc sống.
+ Ví dụ cần hạn chế những trò chơi điện tử, Facebook và hành động ngay tức khắc. Tuy nhiên, chúng ta phải lường đoán được về những khả năng thành công hay thất bại. Chúng ta cũng đừng bao giờ sợ thất bại. Cho nên, phải ý thức được rằng, nếu thất bại thì ta sẽ rút kinh nghiệm như thế nào. Và nếu thành công, ta cũng rút kinh nghiệm từ thành công ấy để tiếp tục phát triển và thành công hơn nữa.
- Kết đoạn: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Và mỗi chúng ta đều như thế, chúng ta hãy thay đổi vì cuộc sống vì chính chúng ta.
Câu 2. Phân tích hình ảnh người vợ nhặt trong hai lần miêu tả về cách ăn uống, từ đó làm nổi bật sự thay đổi của nhân vật này.
* Mở bài:
- Kim Lân là nhà văn xuất sắc của nền văn học Việt Nam với hai giai đoạn trước và sau 1945. Ông là nhà văn của người nông dân ở vùng đồng bằng Bắc bộ, cho nên thế giới nghệ thuật trong văn ông phần lớn là những người nông dân chân thật, chất phác, nghèo khổ, nghĩa tình.
+ “Vợ nhặt” là một trong những tác phẩm điển hình trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn Kim Lân và là kiệt tác của nền văn học Việt Nam hiện đại. Tác phẩm mang âm hưởng lạc quan của thời đại mới sau 1945.
+ Thị là một trong ba nhân vật của câu chuyện được nhà văn miêu tả với những thay đổi và hàm chứa giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc. Sự thay đổi ấy được nhà văn miêu tả chi tiết qua hai lần thay đổi cung cách ăn uống của thị (trích dẫn 2 chi tiết).
* Thân bài:
- Bối cảnh xuất hiện của nhân vật: Thị xuất hiện trong hoàn cảnh thê thảm của nạn đói 1945. Chính trong hoàn cảnh ấy, thông qua hai chi tiết miêu tả cung cách ăn uống của thị, nhà văn đã tái hiện sống động hành trình chuyển biến, sự thay đổi của nhân vật từ hai thời điểm trước và sau khi thị theo Tràng về làm vợ. Thông qua sự thay đổi ấy, nhà văn đã đem đến cho tác phẩm giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc nhất.
- Tình huống nhặt vợ của Tràng:
+ Thị ngồi vêu ở cửa kho thóc xem có ai thuê gì không, có xin ai được miếng gì ăn không, có được công việc gì làm không. Khi thị nghe câu hò đùa của Tràng: “Muốn ăn cơm trắng mấy giò/Ra đây mà đẩy xe bò với anh”. Một câu hò không nhắm đến ai cả, chỉ là Tràng hò cho đỡ mệt trong khi kéo xe nhưng lại chứa đựng một hình ảnh cực kì nhạy cảm với một người đàn bà đang đói khát là cơm trắng và giò. Và thị đã biến một câu hò đùa thành một miếng ăn thật rất thê thảm.
+ Chiều hôm trước, khi thị được Tràng đồng ý đãi bánh đúc ở ngoài chợ: “Thế là thị ngồi sà xuống, ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì.” Không ai có thể tưởng tượng, thị ngồi xuống giữa đường giữa chợ ăn bốn bát bánh đúc với một dáng vẻ háo hức, thèm khát, quyết liệt đến thế. Thị không chuyện trò, không thở, không ngẩng lên, không nhìn ngó ai, chỉ biết mình và bốn bát bánh đúc mà thôi.
-> Hình ảnh này thể hiện tất cả cái thảm hại của con người. Một người đàn bà bị cái đói làm quên đi những phép tác xã giao, sự xấu hổ và hủy hoại nhân cách của con người. Chi tiết này đã tái hiện bức tranh hiện thực thê thảm của nạn đói 1945 thời bấy giờ.
+ Sáng hôm sau, khi nhận bát “chè khoán” từ mẹ chồng: “Người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại. Thị điềm nhiên và vào miệng.” Câu văn được tách thành nhiều vế, đầu tiên thị “đón lấy cái bát” (bao nhiêu sự chờ đợi ở đó), “đưa lên mắt nhìn” (một cái nhìn tò mò, dò xét), “hai con mắt thị tối lại” (thất vọng). “Thị điềm nhiên và vào miệng”.
-> Đây là những câu văn đặc sắc bậc nhất trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân. Chỉ một câu văn miêu tả người con dâu đón lấy bát cháo cám từ tay mẹ chồng nhưng đã cho thấy tất cả diễn biến tâm lí của thị, tấm lòng của thị, nhân cách của thị, sự khốn khổ của thị và cả vẻ đẹp trong tâm hồn của thị. Hai chữ “điềm nhiên” thể hiện cách ứng xử của con người có văn hóa khi bị cái đói đẩy xuống tận cùng của đói khổ, nhục nhã. Chính điều đó đã làm vơi đi rất nhiều cái khổ tâm trong lòng bà mẹ chồng nhân hậu, khi bà đon đả, tươi cười, thân mật, cố trấn an cái bẽ bàng ở người con dâu.
=> So sánh: Miếng ăn thứ nhất gợi ra sự đói khổ của thị khi cái đói hủy hoại lòng tự trọng và cả những phép tắc xã giao tối thiểu. Nhưng miếng ăn thứ hai là văn hóa, tấm lòng và sự tử tế của thị. Với hai miếng ăn ở hai thời điểm ấy, ta thấy thị có một sự thay đổi thật kì diệu. Sự thay đổi bởi thị được sống giữa những con người có tấm lòng nhân hậu và bao dung. Từ một cô gái chao chát, chỏng lỏn không biết xấu hổ, thị đã trở thành người đàn bà nhân hậu, đúng mực.
* Kết luận:
- Từ hai chi tiết ở đề bài, khái quát giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm.
- Từ đó, chúng ta thấy được tài năng của Kim Lân trong việc khắc họa và miêu tả tâm lí của nhân vật thật sắc sảo.
ThS. Phan Thế Hoài (ghi)