Định hướng nghề nghiệp ngay từ khi lên cấp 3
Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 đang tới gần. Theo lịch thi THPT Quốc gia 2018 mà bộ GD&ĐT đã công bố, hôm nay (20/4) sẽ là hạn cuối để bộ GD&ĐT tiếp nhận dữ liệu đăng ký xét tuyển đại học lần 1 của thí sinh. Theo ghi nhận của PV, trước thềm kỳ thi THPT Quốc gia 2018, nhiều học sinh đang có xu hướng lựa chọn học nghề thay vì xét tuyển đại học. Lý do được các em đưa ra là băn khoăn về khả năng có việc sau khi tốt nghiệp đại học.
Có lẽ điều này cũng đúng với mục tiêu mà ngành GD&ĐT đề ra là, đến năm 2020 có 30% học sinh (HS) tốt nghiệp THCS vào trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) và học nghề. Tại nhiều địa phương, công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh được tiến hành ngay từ khi các em bước vào cấp 3.
Theo bộ GD&ĐT, qua khảo sát, đánh giá thực trạng giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS phổ thông tại 10 tỉnh, thành, kết quả cho thấy có một số địa phương đã chủ động, sáng tạo. Chẳng hạn, một số trường trung học tại Bắc Ninh và Hưng Yên liên kết với các khu công nghiệp trên địa bàn để HS đến tham quan, học tập và trải nghiệm.
Rõ ràng, việc phân luồng học sinh là quy luật tất yếu và bắt buộc phải làm nếu chúng ta không muốn tiếp tục lún sâu vào các câu chuyện “thừa thầy thiếu thợ”, hay sinh viên đại học phải bỏ học đi làm công nhân.
Bà Phan Thị Kim Chi – Giám đốc sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: “Tại địa phương, ngay khi các em bước vào cấp 3, chúng tôi đã làm công tác định hướng. Em nào có lực học tốt thì dành thời gian học để thi đại học. Em nào có đam mê, muốn học nghề thì chúng tôi cũng có định hướng ngay từ sớm”.
Là một trường có chất lượng đầu vào chưa được cao, ông Hoàng Văn Binh – Hiệu trưởng trường THPT Chương Mỹ B (Hà Nội) cho biết, nhà trường đã có công tác định hướng nghề nghiệp cho các em ngay từ khi vào lớp 10. Ông nói: “Do đặc thù của trường và địa phương, dựa vào lực học của học sinh nên chúng tôi đã có công tác định hướng, tuyên truyền cho các em lựa chọn học nghề nếu lực học của mình không đủ để học đại học. Được định hướng sớm nên sự lựa chọn của các em là rất rõ ràng, trường tôi chỉ có rất ít học sinh đăng ký xét tuyển đại học trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018”.
Ông Đặng Đình Kỳ, Hiệu trưởng trường THPT Nghi Lộc 5 (Nghệ An) cho biết: "Khi học sinh vào lớp 10, chúng tôi sẽ đánh giá năng lực. Những em nào có lực học chưa tốt, hoặc có sở thích học nghề thì nhà trường sẽ mời phụ huynh lên để trao đổi về phương án định hướng học nghề cho em đó, chứ không chờ đến gần kỳ thi THPT Quốc gia mới tư vấn. Việc định hướng làm càng sớm thì hiệu quả càng cao, các em sẽ có sự chủ động trong học tập".
Xu hướng nghề nghiệp dịch chuyển
Ông Nguyễn Xuân Sang – Phó Hiệu trưởng trường cao đẳng Công nghệ & Thương mại Hà Nội cho rằng: “Xu hướng trong những năm gần đây là học lấy nghề thay vì học lấy bằng. Thực tế cho thấy, nhân sự phục vụ trực tiếp sản xuất, kinh doanh dịch vụ thiếu cả về chất và lượng. Số hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng nhân sự của các cơ quan, doanh nghiệp tổ chức”.
Lý giải về nguyên nhân của sự dịch chuyển trong khối này, ông Sang phân tích: “Trước tình trạng có quá nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học không xin được việc nên cách suy nghĩ của học sinh và phụ huynh cũng đã thay đổi, họ suy nghĩ thực tế hơn. Hơn nữa, việc cổ phần hóa, mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp tạo động lực sử dụng nhân sự có năng lực chứ không phải quan hệ. Ngoài ra đây cũng là xu thế tất yếu của quá trình phát triển, sự cân bằng giữa thầy và thợ khiến xu hướng đi học nghề nhiều hơn”.
“Vài năm trở lại đây, khối đào tạo nghề nghiệp không phải quá lo lắng và đã có hướng đi nhất định. Bằng việc đổi mới chương trình, thay đổi phương thức đào tạo, đây là sự tháo gỡ của các cơ quan quản lý Nhà nước khi có những giải pháp gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp tốt hơn, khuyến khích các trường tham gia mở doanh nghiệp, giao cho các trường tự chủ xây dựng chương trình. Nhà nước chỉ làm nhiệm vụ quản lý chứ không can thiệp sâu vào công tác chuyên môn”, ông Sang nói về sự chuyển mình trong cách đào tạo khối nghề nghiệp những năm qua.
Cuối cùng, ông Sang khẳng định thu nhập của sinh viên học nghề không phải thấp, thậm chí là cao: “Khi ra trường, các em hoàn toàn có thể có thu nhập từ 7 đến 15 triệu đồng”.