Theo báo cáo nhanh, TP.Đà Nẵng có 103 thí sinh đạt điểm 10 ở các môn thi. TP.Hà Nội có hơn 600 điểm 10. Tỉnh Nghệ An đang có 203 bài thi đạt điểm số tối đa. Tại Nam Định, có tới 128 bài đạt điểm 10. Toàn tỉnh Thái Nguyên có 45 thí sinh đạt điểm 10.
Nhiều người đặt câu hỏi, số bài thi, môn thi đạt điểm tuyệt đối nhiều có phải là chỉ báo cho chất lượng giáo dục tăng lên. PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học (bộ GD&ĐT), hiện là Trưởng ban Hỗ trợ Chất lượng Giáo dục Đại học (Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập) để có những đánh giá bước đầu về kết quả này.
TS. Lê Viết Khuyến khẳng định, số lượng điểm 10 nhiều chưa nói lên điều gì về chất lượng.
TS. Khuyến phân tích: “Ở các năm trước, hình thức thi tự luận là chủ yếu nên chấm theo ba-rem điểm tự luận rất khó đạt được 10. Điểm 10 là dành cho bài thi hoàn hảo tuyệt đối. Chính vì thế, thi tự luận số lượng điểm 10 rất ngặt nghèo, rất hiếm.
Năm nay, bước đầu kết quả thống kê cho thấy số lượng điểm 10 ở các môn thi khá nhiều, theo tôi nó bắt nguồn từ việc Bộ thay đổi phương thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm. Hình thức thi trắc nghiệm với ba-rem điểm tưởng như là rất chi li (0,25 điểm cho mỗi câu hỏi) nhưng lại chỉ cần khoanh đúng đáp án mà không yêu cầu về trình bày, câu chữ”.
Liên quan đến ý kiến, số lượng điểm 10 phủ khắp các môn thi có phải là minh chứng cho chất lượng thí sinh tăng lên, TS. Lê Viết Khuyến khẳng định: “Nhiều điểm 10 không thể nói lên chất lượng thí sinh năm nay tốt hơn năm trước. Muốn đánh giá được chất lượng của thí sinh năm nay, chúng ta phải nhìn vào phổ điểm chung và phổ điểm các môn. Trong 1 triệu bài thi mà có vài trăm điểm 10 thì không làm méo mó bức tranh phổ điểm”.
TS. Khuyến nhấn mạnh, mấu chốt ở đây là hình thức thi thay đổi từ tự luận sang trắc nghiệm chứ không phải chất lượng giáo dục đi lên nhanh. Bởi một năm, không thể làm chất lượng giáo dục thay đổi nhanh đến vậy.
Thơm - Lan