Đem cả thế giới tới... Trung Quốc
Thị trấn Thames (Thames Town) nằm ở ngoại ô Thượng Hải bỗng chốc trở nên nổi tiếng khắp Trung Hoa với những khối tượng điêu khắc và các công trình kiến trúc được "copy" lại từ đất nước Anh quốc xa xôi. Đến với thị trấn Thames, mọi chật chội, bon chen và đông đúc như tình trạng đang tồn tại của các đô thị Trung Quốc hiện nay được bay biến đi mất hoàn toàn.
Không gian của thị trấn này hoàn toàn như bản sao thu nhỏ của một ngôi làng ở nước Anh. Trong thị trấn, chẳng có những người bán dạo đi rao bán bánh bao nhân thịt hay những người đàn ông đi thu nhặt những vật liệu xây dựng tái chế, những điều là đặc trưng cơ bản ở mọi đường phố của Trung Quốc. Thay vào đó là những con đường rải sỏi và nhấp nhô phía đằng xa là một tháp đồng hồ làm mọi người tưởng như đó là ngôi làng Cotswold ở Anh vậy. Thị trấn này trước đây là một cánh đồng ruộng với các trang trại nuôi vịt. Nhưng giờ đây, nó dường như đã trở thành một ngôi làng của Anh với những quán rượu đặc trưng, bức tượng tạc cựu Thủ tướng Anh Churchill và những ngôi nhà gỗ Tudor kiểu Anh.
Những ngôi nhà tại thị trấn Thames được mua với số lượng lớn như một thương vụ đầu tư bất động sản của một số cá nhân giàu có, do vậy bên trong thị trấn lúc nào cũng yên tĩnh vì nó là đất của những đại gia giàu có mua nhưng... không ở. Cũng chẳng có mấy ai dám đến sinh sống tại đây, cư dân địa phương cũng mới chỉ đến đây để thư giãn và chụp ảnh. Toàn cảnh thị trấn này giống hệt như một phim trường. Một blogger nổi tiếng đã từng đến đây và đã viết trên blog của mình dòng nhận xét rằng nơi đây làm anh gợi nhớ tới bộ phim nổi tiếng "The Truman show" ("diễn xuất của Truman").
Ngôi làng Hallstatt "giả" ở tỉnh Quảng Đông
Một cư dân địa phương sống gần đó tên là Fan Yu Zhe nói: "Tôi yêu bóng đá châu Âu, do vậy tôi cũng yêu mến bất cứ thứ gì đến từ châu Âu". Fan đến đây để chụp ảnh cưới cùng cô dâu của mình tên là Sun Qi Yao. Họ nhìn sâu vào mắt nhau và chụp những bức ảnh có nền là những ngôi nhà kiểu Âu châu. Nơi này đông chặt những đôi vợ chồng mới cưới đến để ghi lại cho mình những phút giây lãng mạn. Một phụ nữ tên là Zang Li thì đang ngồi chơi bài và ăn thức ăn nhẹ cùng với dì và mẹ của cô trên bãi cỏ. Một trong những nguyên do khiến cô thường xuyên đến đây bởi vì các thành phố nội thành Trung Quốc hiện tại quá đông đúc và ngột ngạt còn ở đây thì lại rất xanh tươi và yên bình.
Thêm nữa, nếu để chiêm ngưỡng những công trình nguyên gốc như thế này tại Anh thì quá tốn kém và đắt đỏ. Một thư kí văn phòng như cô thì không đủ sức chi trả cho mọi phí tổn, do vậy cô chọn cách đến đây để tận hưởng một "bản sao" thay vì những tác phẩm nguyên gốc. Cô chia sẻ: "Thông thường nếu bạn muốn chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc nước ngoài thì bạn phải đến tận nơi, nhưng nếu chúng tôi xây dựng chúng ngay tại Trung Quốc, chúng tôi có thể tiết kiệm tiền mà vẫn được tận hưởng những tuyệt tác đó".
Hiện tại, ở Trung Quốc, có rất nhiều nơi xây dựng những công trình như vậy. Thị trấn Thames chỉ là một trong các thị trấn xây dựng theo kế hoạch quy hoạch đô thị của thành phố Thượng Hải "Một thành phố và chín thị trấn xung quanh". Mỗi thị trấn là một cụm đô thị, được xây dựng theo các phong cách quốc tế khác nhau. Có rất nhiều nơi như vậy tại Trung Quốc. Ở một số nơi khác trên đất nước này, người ta còn xây dựng cả một tháp Eiffel, một cây cầu Tower Bridge và cả một đồi Stonehenge theo phong cách giải trí. Vào năm ngoái ở tỉnh Quảng Đông, người dân ở đây còn xây dựng lại cả ngôi làng Hallstatt của Áo, ngôi làng nước Áo này mà "bản gốc" là một di sản văn hóa của thế giới theo xếp hạng của UNESCO.
"Làm giả" để thể hiện sự... tôn kính
Trung Quốc không phải là nơi duy nhất trên thế giới chuyên đi xây dựng lại những công trình kiến trúc sao chép từ nơi khác. Một thế kỷ rưỡi trước đây, cùng với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế của mình, nước Mỹ cũng là một nơi xây dựng lại rất nhiều các công trình trên thế giới như các gian hàng quốc gia tại Epcot và hàng sa số các ví dụ xây dựng khác ở thành phố Las Vegas. Tuy nhiên, không giống như quan niệm của những người phương Tây, khi sao chép lại một tác phẩm kiến trúc khác, người Trung Quốc cố làm sao để thể hiện sự yêu mến của mình với công trình kiến trúc đó. Tuy vẫn là sao chép, nhưng quan niệm về việc đó của họ và những người dân các nơi khác xuất phát từ những xuất phát điểm khác nhau.
Ở Trung Quốc khi xưa có rất nhiều nghệ nhân tài giỏi, những bậc thầy về tạo tác và kiến trúc, và những nghệ nhân thuộc những thế hệ đi sau đã sao chép lại những tác phẩm của những nghệ nhân đó với độ chính xác càng cao càng tốt. Khi bắt chước lại càng chính xác, họ càng thể hiện được sự tôn kính của họ đối với người đi trước. Vì những tác phẩm của những bậc thầy đó thật sự là những tuyệt tác. Tại ngoại ô của các thành phố lớn của Trung Quốc hiện nay đa phần cư dân ở đó sống trong các biệt thự có kiến trúc được sao chép lại và có tới 2/3 số bất động sản đang được rao bán nơi đây có kiến trúc được nhái lại theo phong cách cổ điển của phương Tây.
Nền văn hóa sao chép lại từ nơi khác có nguồn gốc sâu xa trong lịch sử cổ đại Trung Hoa khi Tần Thủy Hoàng, hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc đi chinh phạt các nước lân bang đã cho xây dựng lại một bản sao của cung điện nước đó tại ngay chính kinh đô của mình. Nhưng không phải mọi người dân Trung Quốc đều tán thành điều này. Một kiến trúc sư người Thượng Hải tên là Tống Minh nói: "Tôi chẳng thích chúng chút nào". Vì thực tế, các di sản kiến trúc riêng của Trung Hoa vô cùng phong phú và độc đáo. Các kiến trúc này có một phong cách rất riêng, tuyệt đẹp và đậm chất Á Đông như các khu vườn Cổ điển ở Tô Châu, Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh và rất nhiều ngôi nhà gỗ truyền thống trải khắp đất nước rộng lớn này. Các khu vườn ở thành phố Tô Châu cũng là một trong những di sản UNESCO của thế giới.
"Người Trung Quốc nên trân trọng các giá trị kiến trúc cổ truyền của mình"- vị kiến trúc sư tài năng, già dặn kinh nghiệm Tống Minh chia sẻ. Còn kiến trúc sư người Anh Tony Mackay thì nhận xét: "Việc xây dựng những thị trấn giả ở Trung Quốc như một cách để kết nối đất nước này với thế giới sau một thời gian dài bị cô lập. Những người trẻ tuổi ở đây họ không muốn cái gì đã cũ, họ muốn được trở nên hiện đại và hội nhập với thế giới. Họ muốn một cuộc sống hiện đại mà trong đó chứa đựng các thiết bị điện tử như điện thoại Iphone hay là Ipad".
Hồng Minh (Theo BBC)