Mặt Trời mọc và lặn ở Utqiagvik, Alaska, Mỹ lần cuối cùng trong năm nay vào hôm 18/11 và sẽ không xuất hiện ít nhất trong vòng 60 ngày tới.
Thị trấn nhỏ ở phía bắc của Vòng Bắc Cực đã bước vào giai đoạn được gọi là “đêm vùng cực” xảy ra hàng năm. Đây là thuật ngữ phổ biến ở những nơi không nhìn thấy Mặt Trời trong hơn 24 giờ đồng hồ. "Đêm vùng cực xảy ra vào mỗi mùa đông ở Utqiagvik cũng như một số thị trấn ở bên trong Vòng Bắc Cực", nhà khí tượng Allison Chinchar thông tin.
Do sự nghiêng của trục Trái Đất, vào thời kỳ này, các vùng ở Vòng Bắc Cực có thể dịch chuyển xa khỏi Mặt Trời trong nhiều ngày, nhiều tuần hoặc nhiều tháng liền giữa thu phân và xuân phân. Ngược lại, vào mùa hè, ánh nắng chiếu sáng suốt 24 giờ một ngày.
Ở Bắc bán cầu, ban ngày ngắn hơn ban đêm từ cuối tháng 6. Hiệu ứng này rõ rệt nhất ở phương bắc. Thời gian ban ngày rút ngắn nhanh nhất vào cuối tháng 9 và ngắn hết mức vào tháng 12.
Hôm 18/11, Mặt Trời chỉ xuất hiện trong 34 phút vào giữa trưa. Sắp tới hầu hết khoảng thời gian ban ngày Utqiagvik sẽ trải qua thời kỳ được gọi là “chạng vạng”. Thường đó là khoảng thời gian giữa lúc rạng đông và lúc Mặt Trời mọc hoặc giữa lúc hoàng hôn và lúc Mặt Trời lặn. Người dân ở đây có thể nhìn thấy chút ánh nắng trong vài giờ ngắn ngủi mỗi ngày từ nay đến 23/1/2021, khi Mặt Trời chính thức mọc trở lại. Trong thời gian “đêm vùng cực”, mọi hoạt động như lễ Giáng sinh, lễ tặng quà, mừng năm mới,… vẫn diễn ra như bình thường.
Được biết, 1/3 phía bắc bang Alaska nằm ở Vòng Bắc Cực, nhiệt độ trung bình tháng 12 hầu như không bao giờ vượt quá 0 độ C. Dù Utqiagvik không phải là nơi duy nhất ở Alaska trải qua hiện tượng này nhưng đây là khu vực đầu tiên người dân phải sinh hoạt trong bóng tối ngay cả vào ban ngày.
Minh Hoa (t/h)