Di sản để lại từ thời trung cổ
Thông thường, khi thăm Ấn Độ du khách thường bỏ qua thị trấn Orchha để đến thẳng địa điểm thăm quan gần đó tên là Khajuraho, nơi này nổi tiếng về những bức tượng điêu khắc cổ nhưng lại mang phong cách gợi tình. Và, chỉ có những hướng dẫn viên du lịch thạo nghề mới biết thị trấn trung cổ này có tình trạng cơ sở vật chất được bảo tồn tốt nhất Ấn Độ. Vùng đất này như vẫn còn đang bị mắc kẹt trong không khí của triều đại Bundelkhandi, một triều đại thời trung cổ ở Ấn Độ.
Nếu đi theo hướng Tây từ Khaijuraho và vượt qua con sông Betwa thì du khách sẽ gặp ngay các bức tường cao, dựng xung quanh thị trấn Orchha cổ kính. Con đường chính dẫn vào thị trấn đông đúc với những cửa hàng tổng hợp bán khăn choàng sari dệt bằng sợi tổng hợp, các quầy bán điện thoại di động và thẻ sim, các biển quảng cáo mì ăn liền, siro ho và kem làm trắng da.
Âm thanh của những tiếng xe máy, xe kéo, ô tô và xe Jeep chạy liên hồi chắc sẽ làm bạn khó tưởng tượng được đang bước vào lãnh địa nào của di sản văn hóa. Nó là một thị trấn được giữ y nguyên từ thế kỷ XVI. Tiếng còi xe ô tô thì hòa lẫn với tiếng chuông cổ kính của các điện thờ còn dân làng thì mặc quần áo ngày lễ để dâng hoa lên điện thờ thần Ram Raja, dường như cuộc sống cổ kính và hiện đại nơi đây như đang bị trộn lẫn vào nhau thành một thể thống nhất.
Cuộc sống nhộn nhịp của thị trấn Orchha có từ đời vua Rudrapratap Sigh khi ông thành lập thị trấn này vào năm 1501. Đây là một nơi lý tưởng để xây dựng thủ đô với địa thế được che chở và dễ dàng ẩn náu sau một cánh rừng lớn. Đó cũng là lý do tại sao mà các đền đài, cung điện và di tích lịch sử nơi đây vẫn tồn tại được và ở trong trạng thái bảo vệ tuyệt hảo tuy rằng chính quyền địa phương cũng không tốn quá nhiều công sức bảo vệ và trùng tu di tích.
Toàn cảnh thị trấn trung cổ Orchha
Trải qua suốt hàng trăm năm lịch sử, nhiều đời vua và hoàng hậu của triều đình đã từng sống tại nơi đây với một đoàn tùy tùng lớn gồm quan lại và người hầu kèm hàng sa số những voi và ngựa. Bước qua cánh cổng để vào cung điện nguy nga từ quá khứ để lại, bạn sẽ phải đi qua một khoảng sân rộng để vào Raja Mahal. Bên trong những căn buồng hoàng gia này, bạn có thể nhìn thấy những bức bích họa cầu kỳ được vẽ trên tường mô tả các vị thần, những sinh vật thần thoại, người và động vật, các chủ đề tôn giáo và xã hội.
Ở những tầng trên, vẫn còn dấu tích của các tấm gương treo trên tường và khi tưởng tượng ra khi những vũ nữ nhảy múa xung quanh thì đó sẽ là một cảnh tượng thật lộng lẫy, giống như vừa bước vào một thế giới cổ tích nhiều màu sắc. Nhiều du khách châu Âu cho biết, họ muốn đến đây để thăm quan và khám phá những nét cổ kính, trầm mặc của thị trấn trung cổ này.
Cung điện nguy nga được dựng lên cho một đêm
Cách Raja Mahal một quãng ngắn là cung điện Jehangir Mahal, mà bạn sẽ khá bất ngờ khi biết rằng, nó được xây dựng để duy nhất cho... một đêm nghỉ lại của hoàng đế Mughal là Jehangir ở thế kỷ XVII khi ngài đến thăm Orchha. Tòa lâu đài này được xây dựng nhằm bày tỏ sự tôn kính và cũng thể hiện sự khúm núm của các nhà lãnh đạo địa phương thời đó đối với vị hoàng đế của mình. Cung điện này là một kiệt tác kiến trúc 4 tầng được pha trộn giữa kiến trúc Hồi giáo và kiến trúc Rajput với hằng hà sa số các phòng có lối dẫn vào hình cửa tò vò, ban công và cửa sổ lưới mắt cáo có treo các bức tiểu họa nhìn ra khung cảnh lộng lẫy bên ngoài bờ sông của con sông trong vùng.
Cảnh sắc của vùng được quan sát một cách toàn thể tại sân thượng của cung điện. Kiến trúc còn lại của cung điện là xuyên qua những phòng tắm sang trọng trong khu nhà để đến với một nơi là nơi sinh sống và cư trú của một cô gái điếm hạng sang kiêm tình nhân của nhà vua tên là Rai Parveen. Nơi ở của cô trong một khu vườn, được trang trí theo phong cách nghệ thuật cổ điển của đất nước Mughal cổ xưa.
Hiện tại thì bạn vẫn có thể chiêm ngưỡng dung nhan của cô qua một bức chân dung có kích cỡ bằng người thật. Vẻ đẹp mặn mà của nàng được bộc lộ rõ nét qua mặt nhìn nghiêng, tà áo dài nàng mặc trong suốt để lộ những đường cong tuyệt mĩ của cơ thể. Sắc đẹp của nàng nổi tiếng đến nỗi cha của đức vua Jehangir là quốc vương Akbar (1556-1605) đã bắt nàng phải đến cung điện của ông ta để ở.
Nhưng nàng Parveen khi đó thì cũng rất thông minh, nàng đã soạn một đôi câu thơ trình lên quốc vương Akbar với đại ý là cớ sao ông lại muốn thưởng thức một món ăn mà người khác đã nếm thử trước rồi. Nhờ trí thông minh đó mà nàng đã xin được chiếu chỉ để có thể an toàn trở về nhà.
Đi bộ ra ngoài, bạn sẽ thấy thấp thoáng ngay bên lối vào là một ngôi đền xây bằng đá cao. Đó là ngôi đền Chaturbhuj với kiến trúc bên ngoài ấn tượng nhưng nội thất thì lại buồn thảm như chưa từng có vị thần nào được thờ cúng bên trong đó vậy. Ngược dòng lịch sử, bạn có thể tìm hiểu được rằng, ngôi đền này được xây dựng để thờ thần Rama.
Nhưng vị thần này đã báo mộng cho hoàng hậu là ông từ chối chuyển đến nơi điện thờ mới của mình. Vì thế, một phần cung điện của hoàng gia đã được chuyển thành điện thờ Ram Raja, một địa điểm mà vẫn còn sống động và tấp nập người dân đến dâng hương, tế lễ, thờ phụng.
Để đến với ngôi đền Laxmi Narayan có kiến trúc được pha trộn giữa dáng dấp của pháo đài kiên cố xen lẫn với đền thờ, bạn sẽ mất 10 phút đi xe nếu đi từ Chaturbhuj. Tuy rằng các bức tượng thờ thần ở đền này đã bị đánh cắp từ cách đây vài thập kỷ và hiện nay, nơi đây thì không còn dấu vết của thần linh, nhưng bạn vẫn có thể nhìn thấy ở nơi đây những con chim lợn bay xung quanh, tương truyền là điềm báo của thần Laxmi, nữ thần của sự giàu có.
Đi ra khỏi không khí cổ kính của những đền thờ được xây dựng từ thời trung cổ, đi xuôi trên bờ đê của con sông trong vùng này, bạn sẽ bắt nhịp được cuộc sống của người dân địa phương nơi đây với màu sắc rất chân thực và sống động. Vào những ngày lễ, dân làng tập trung ở các đền thờ để cầu nguyện. Còn những người bán hàng rong thì bán đủ các loại bột son, kẹo, vòng đeo tay... Những người hát rong thì cất lên những bài hát du mục mà họ đã hát từ ngàn đời.
Hồng Minh (Theo BBC)