Đua nhau phân phối đồng hồ
Thông tin khá bất ngờ là Thế giới Di động vừa gia nhập cuộc đua phân phối đồng hồ tại Việt Nam. Theo đó, hiện tại Thế giới Di động mới bày bán đồng hồ tại 1 cửa hàng ở số 26 Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Dự kiến trong tháng 3 sẽ có thêm một vài cửa hàng của Thegioididong.com và Dienmayxanh.com cũng sẽ tham gia thử nghiệm.
Trên website chính thức của chuỗi cửa hàng này đưa ra loạt mẫu đồng hồ của các hãng Casio, Sheen, Edifice, Baby-G, hay Fossil... với mức giá dao động trong khoảng dưới 10 triệu đồng.
Trước đó, cả Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) và Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI đều đã để mắt tới thị trường này.
Cụ thể, PNJ đã bán thử nghiệm đồng hồ tại các cửa hàng trang sức của mình từ năm 2012. Và kể từ đầu năm nay, doanh nghiệp này đã chính thức đẩy mạnh mảng kinh doanh đồng hồ với việc thành lập hàng chục cửa hàng PNJ Watch, tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam và Hà Nội.
Trong khi đó, DOJI cũng "chen chân" vào thị trường này từ cuối năm 2018, với việc thử nghiệm bán đồng hồ tại các cửa hàng. Tuy nhiên, số lượng đồng hồ thương hiệu này phân phối tương đối hạn chế so với PNJ và chỉ tập trung tại phân khúc giá rẻ dưới 10 triệu đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Thế giới Di động có thể tận dụng hệ thống cửa hàng trên khắp cả nước của mình để triển khai loại hình kinh doanh shop in shop giống như PNJ và Doji đã triển khai.
Đây cũng chính là lý do ngành hàng này lọt vào "tầm ngắm" của Thế giới Di động. Trả lời báo chí, ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO CTCP Thế Giới Di Động, cho biết hiện nay người mua gặp nhiều khó khăn để tìm được một cửa hàng bán đồng hồ uy tín. Đồng hồ nhái, đồng hồ giả tràn lan khiến người mua không yên tâm, do đó Thế Giới Di Động mở ra ngành hàng mới này nhằm phục vụ nhu cầu khách hàng.
Thị trường lớn nhưng "vô chủ", "bát nháo"
Lý do khiến những nhà bán lẻ lớn tại Việt Nam quan tâm tới thị trường đồng hồ trong nước chính là việc thị trường này chưa có chủ. Thống kê từ các hãng nghiên cứu thị trường cho thấy chưa có nhà phân phối nào chiếm đa số thị phần phân phối đồng hồ tại Việt Nam.
Các chuyên gia của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính thị trường đồng hồ ở Việt Nam có giá trị khoảng 17.000 tỷ đồng, tương đương 748 triệu USD. Tuy nhiên, thị trường hiện tại lại rất phân mảnh và không rõ nguồn gốc sản phẩm.
Nhu cầu lớn với nguồn cung hạn chế dẫn đến các sản phẩm giả xuất hiện tràn lan trên thị trường. Đây chính là cơ hội với những chuỗi cửa hàng đã xây dựng được uy tín trên thị trường bán lẻ nếu "chen chân" đi bán đồng hồ.
Những tay chơi chủ yếu trên thị trường đồng hồ hiện nay là PNJ, Doji và Đăng Quang, nhưng phần lớn thị phần vẫn nằm trong tay các cửa hàng tư nhân nhỏ lẻ và chợ đồng hồ.
PNJ đã thử nghiệm bán đồng hồ từ năm 2012, đến nay chuỗi này cung cấp khá đa dạng các loại đồng hồ: gần 1.000 mẫu từ 9 thương hiệu. Hiện PNJ có 20 cửa hàng PNJ Watch, trong đó có một cửa hàng Flagship mới khai trương tháng 2/2019.
Sau quá trình thử nghiệm bán đồng hồ 7 năm nay, PNJ ghi nhận biên lợi nhuận khá lớn với mảng kinh doanh đồng hồ, phụ kiện.
Riêng năm 2017, doanh thu từ kinh doanh đồng hồ của PNJ đạt gần 24 tỷ đồng, con số kỷ lục từ trước tới nay. Trong quý đầu năm 2018, doanh thu bán phụ kiện, đồng hồ tiếp tục tăng trưởng 10% so với cùng kỳ lên 7,27 tỷ đồng.
Dù doanh hiện chưa lớn, nhưng tỷ suất lợi nhuận gộp của các mảng kinh doanh phụ kiện, đồng hồ của PNJ lại khá cao, thường trong khoảng 60 – 70%, cao hơn đáng kể so với bán trang sức là 30% hay tỷ suất lợi nhuận của PNJ là khoảng 19%.
Năm 2019, PNJ dự kiến chính thức đầu tư mạnh vào phát triển thị trường đồng hồ với
Chiêu thức lựa chọn thị trường
Khảo sát của VDSC cho thấy, hầu hết (bao gồm các cửa hàng tư nhân trong nước và các trang web ở nước ngoài) chủ yếu tập trung vào khách hàng nam, với 60-70% sản phẩm bày bán là đồng hồ nam và khoảng 60% sản phẩm có giá trên 10 triệu đồng (phân khúc giá trung bình và cao)
Ở trong nước, PNJ và Doji tập trung vào khách hàng nữ với 63% (PNJ) và 87% (Doji) mẫu mã là đồng hồ nữ. Điều này là dễ hiểu khi PNJ và Doji là các chuỗi trang sức và hướng tới khách hàng nữ.
Về phân khúc giá, PNJ và DOJI đều nhắm đến phân khúc trung bình thấp với 75% (PNJ), và 100% (Doji) các mẫu có giá dưới 10 triệu đồng. Cơ cấu này là khá hợp lý khi khách hàng nữ có xu hướng xem trọng vẻ bề ngoài đẹp và giá cả hợp lý của các mẫu đồng hồ thời trang hơn là chi tiết bộ máy bên trong (là thành phần tạo nên mức giá rất cao của những mẫu đồng hồ cao cấp).
Với thương hiệu trung tính không nghiêng hẳn về phái nam hay nữ, Thế giới Di động có lợi thế hơn khi bước vào ngành hàng này. Bên cạnh đó, Thế giới Di động nhắm vào các phân khúc có giá trung bình khi cho người mua 2 lựa chọn "lọc" hàng với mặt hàng đồng hồ thời trang, hoặc chọn tầm giá 1 - 6 triệu đồng, hoặc chọn đồng hồ trên 6 triệu đồng.
Trả lời báo chí, ông Hiểu Em cho biết hiện doanh nghiệp này tập trung nhiều hơn vào nhóm đồng hồ giá 2-3 triệu đồng, hợp túi tiền của đa số khách hàng.
Đình Văn (Tổng hợp)