Doanh nghiệp xi măng gặp khó
Nhận định năm 2024, nhu cầu xi măng trong nước khó tăng trưởng cao, xuất khẩu vẫn tiếp đà giảm (do các thị trường Trung Quốc, Bangladesh giảm nhập khẩu), nên dù không muốn, nhưng phần lớn doanh nghiệp xi măng vẫn phải hạ chỉ tiêu kinh doanh.
Theo báo Đầu tư, Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn lên kế hoạch kinh doanh năm 2024 kém khả quan, với doanh thu gần 2,715 tỷ đồng, tăng 4% so với 2023, nhưng lỗ gần 111 tỷ đồng.
Cần phải nói thêm, năm ngoái, mức tiêu thụ xi măng của Vicem Bút Sơn giảm gần 391.000 tấn, giảm 12% so với năm 2022, khiến doanh thu giảm mạnh và chuyển từ lãi sang lỗ ròng hơn 96 tỷ đồng. Đây cũng là kết quả kinh doanh tệ nhất của Vicem Bút Sơn kể từ năm 2014.
2023 là năm khó khăn chưa từng có với doanh nghiệp ngành xi măng. Một loạt doanh nghiệp đang giao dịch trên thị trường chứng khoán đều bị sụt giảm doanh thu và rất nhiều công ty thua lỗ.
Công ty cổ phần Xi măng La Hiên - VVMI đạt doanh thu 665 tỷ đồng, chỉ bằng 89,26% kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 19%, lợi nhuận sau thuế đạt 47,1 tỷ đồng, giảm gần 16% so với năm 2022.
Thị trường còn khó, nên năm nay, Công ty Xi măng La Hiên đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ đạt 670.000 tấn, doanh thu 680,6 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 40 tỷ đồng. Doanh thu tăng nhẹ, nhưng lợi nhuận giảm mạnh so với năm ngoái.
Công ty Xi măng Nghi Sơn là một trong số ít doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong năm 2024, khi ngắm mốc doanh thu 6.500 tỷ đồng, tăng 13%; lợi nhuận tăng 300 tỷ đồng, đóng góp ngân sách nhà nước 250 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023.
Nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước suy giảm do thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, các công trình dự án chậm triển khai, giải ngân đầu tư công tại nhiều địa phương còn chậm, phân khúc xây dựng dân sinh cũng trầm lắng… là những chỉ dấu không mấy thuận lợi cho doanh nghiệp xi măng. Trong khi đó, nguồn cung xi măng tiếp tục tăng so với nhu cầu, một số dây chuyền sản xuất xi măng mới dự kiến đưa vào hoạt động như Xi măng Xuân Sơn, Xuân Thành 3…
Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho hay: “Sản lượng xi măng trong nước liên tục tăng từ năm 2010 đến năm 2021. Đỉnh điểm, năm 2021, tổng lượng xi măng, clinker tiêu thụ được trên 108 triệu tấn. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, tiêu thụ đã giảm mạnh”.
Cả năm 2023, tiêu thụ xi măng chỉ đạt khoảng 87,8 triệu tấn, trong đó, xuất khẩu 31,2 triệu tấn; tiêu thụ nội địa đạt 56,6 triệu tấn, bằng 84% năm 2022.
“Tốc độ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội còn chậm, nên sức hấp thụ vật liệu xây dựng nội địa, trong đó có xi măng, còn thấp. Hơn 10 năm qua, lượng tiêu thụ xi măng nội địa tăng rất chậm, tăng trưởng tiêu thụ xi măng trong nước 12 năm qua chỉ đạt 2,3%/năm. Đặc biệt, năm 2022 và 2023, mức tiêu thụ tăng trưởng âm”, VNCA phân tích.
Giải pháp nào “gỡ khó” cho doanh nghiệp?
Trước thực trạng nhiều nhà máy xi măng lớn đang làm ăn thua lỗ, mới đây Hiệp hội Xi măng Việt Nam đã kiến nghị Thủ tướng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành này.
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, ngành sản xuất xi măng Việt Nam đang gặp một số khó khăn rất lớn trong sản xuất và tiêu thụ, có nguy cơ đưa nhiều doanh nghiệp đến mức phá sản hoặc phải bán một phần cho nước ngoài.
Thứ nhất, thị trường tiêu thụ nội địa rất yếu. Nhu cầu nội địa thấp vì các dự án đầu tư công triển khai còn chậm; các dự án xây dựng đường giao thông, trong đó có đường cao tốc vẫn sử dụng công nghệ truyền thống, chủ yếu là nền đường đắp và mặt đường bê tông atsphan, giải pháp xây dựng đường dạng cầu cạn bằng bê tông cốt thép còn rất hạn chế; công nghệ sử dụng xi măng để gia cố, ổn định nền đất còn chưa được sử dụng; thị trường nhà ở, bất động sản dường như đóng băng; tỉ lệ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội triển khai thực tế rất thấp.
Thứ hai, giá nhiên liệu, năng lượng tăng cao, đặc biệt giá than. Sự tăng giá năng lượng kéo theo tăng giá vận tải, trong khi chi phí vận tải của ngành xi măng ảnh hưởng lớn đến giá thành và giá bán sản phẩm.
Thứ ba, thuế xuất khẩu clinker tăng. Đây là khó khăn lớn cho việc bình ổn sản xuất bằng giải pháp xuất khẩu khi tiêu thụ nội địa giảm. Thuế xuất khẩu tăng, cộng thêm việc xuất khẩu clinker không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng nên các doanh nghiệp xi măng không xuất khẩu được hàng, phải dừng sản xuất. Năm 2023, nhiều nhà máy phải dừng sản xuất nửa năm, có nhà máy dừng 12 tháng.
Thứ tư, sức ép môi trường đối với các nhà sản xuất xi măng ngày càng lớn, buộc các nhà máy phải đầu tư các hạng mục liên quan đến môi trường trong khi sản xuất, tiêu thụ rất khó khăn.
Theo Tuổi Trẻ, để gỡ khó cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng, Hiệp hội Xi măng Việt Nam kiến nghị Thủ tướng và các bộ, ngành có giải pháp tăng tiêu thụ nội địa xi măng thông qua sử dụng giải pháp cầu cạn trong đầu tư cao tốc, đặc biệt ở những vùng đất yếu, vùng cần thoát lũ như miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long.
Gia cố nền đường bằng xi măng - đất để thay thế cho giải pháp truyền thống đắp nền đường bằng cát san lấp.
Hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua việc bỏ thuế xuất khẩu đối với clinker, trước mắt nếu chưa bãi bỏ thì giữ nguyên thuế xuất khẩu với clinker 2 năm tới là 5% (như mức thuế trước năm 2023).
Chỉ đạo các ngân hàng giãn nợ, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp xi măng, đồng thời không khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư dự án xi măng tại Việt Nam.
Minh Hoa (t/h)