Thiếu dự án
Vừa qua, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) có báo cáo gửi Thủ tướng, bộ Xây dựng, UBND TP.HCM về xu thế sụt giảm của thị trường bất động sản của địa phương.
Theo HoREA, trong hai năm gần đây, thị trường bất động sản TP.HCM bị sụt giảm mạnh nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở.
Cụ thể, trong 3 năm qua, từ 2017 đến tháng 9/2019 cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2019, TP.HCM có 17 dự án hoàn thành, giảm 72% so với cả năm trước.
Số lượng nhà đạt gần 12.500 căn, giảm 64% cả năm trước. 32 dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn, với tổng số gần 20.000 căn hộ, căn nhà.
Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm, TP.HCM chỉ có một dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm 83%, 12 dự án được chấp thuận chủ trương, giảm khoảng 72% so với cùng kỳ năm 2018.
Trước đó, báo cáo thị trường bất động sản quý 3/2019 của các đơn vị như Savills, DKRA Việt Nam, CBRE cho thấy, nguồn cung phân khúc nhà phố, biệt thự tiếp tục khan hiếm trong quý.
Thị trường tiếp nhận 220 sản phẩm nhà phố/biệt thự mới, giảm 65% theo quý và 62% theo năm, mức thấp nhất trong 4 năm gần đây.
Theo DKRA Vietnam, toàn thị trường có 1 dự án đáng chú ý được mở bán, số lượng nguồn cung mới 30 căn, chỉ bằng 8% so với quý 2 và bằng 83% cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 67% nguồn cung mới (khoảng 20 căn), bằng 7% so với quý 2.
Theo tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin, hiện nay trên địa bàn TP.HCM một số chủ đầu tư đang xây dựng dự án ở các phân khúc chung cư nổi bật chỉ có Vincity của tập đoàn Vingroup, The Grand Manhattan Novaland, Q7 Boulevard và Richmond City của Hưng Thịnh Corp…
Các phân khúc nhà phố, biệt thự nghỉ dưỡng tiêu biểu có Khu đô thị Vạn Phúc của Vạn Phúc Group, VinHome, Nova World hay Vũng Tàu Pearl…
Các chuyên gia nghiên cứu thị trường cho rằng, hiện nay thị trường bất động sản trầm lắng là do quỹ đất hạn hẹp và quy trình pháp lý bị thắt chặt khiến nguồn cung mới hạn hẹp.
Chia sẻ với PV tại hội nghị “Tiềm năng và cơ hội đầu tư cổ phiếu bất động sản” ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho hay: “Trong 2 năm gần đây, thị trường bất động sản TP.HCM đã bị sụt giảm mạnh nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là tình trạng quá thiếu nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội”.
Cũng theo ông Châu, trong 4 năm qua, đã có nhiều dự án nhà ở bị đình trệ hoặc treo do không thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng, hoặc bị dừng triển khai.
Tình trạng thiếu sản phẩm nhà ở, dẫn đến giá nhà đất tăng như nhu cầu thực thì quá lớn nhưng nguồn cung ít. Việc trên sẽ đem lại nhiều lợi nhuận cho chủ đầu tư nhưng lại làm cho khách hàng phải mua nhà giá cao hơn.
Bên cạnh đó, phần lớn người tiêu dùng là người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp khó tạo lập nhà ở hơn.
Thị trường vẫn sẽ ổn định
Nói về việc thị trường bất động sản trong thời gian sắp tới, chủ tịch HoREA khẳng định rằng, thị trường bất động sản TP.HCM hiện nay về bản chất không xấu, chưa có nguy cơ bị khủng hoảng, vì vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng (sau giai đoạn bị khủng hoảng đóng băng 2011-2013).
“Thị trường bất động sản thành phố rơi vào tình thế khó khăn hiện nay chỉ có tính nhất thời, đặc thù, bất bình thường, mà nguyên nhân là do vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luật.
Tuy nhiên, do thị trường bất động sản có ‘độ trễ’ nên nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả các vướng mắc và điểm nghẽn hiện nay thì tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, dẫn đến một số doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thể có nguy cơ phá sản”, ông Châu nhận định.
Cũng chia sẻ về việc hiện nay thị trường bất động sản đang trầm lắng, bà Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam nhận định: “Nhu cầu về nhà ở trên thị trường còn rất lớn.
Giá bán vẫn có xu hướng tăng trên thị trường nhà đất. Cụ thể, phân khúc trung cao cấp tăng từ 17-20%/năm. Tính mức tăng trung bình trên toàn thị trường rơi vào khoảng 15%/năm”.
Theo bà Dung, thị trường ở thời điểm này vẫn có những “điểm sáng” đáng chú ý. Chẳng hạn, mối quan tâm của NĐT nước ngoài đối với bất đông sảnViệt Nam chưa hề giảm nhiệt.
Nhu cầu tìm quỹ đất để xây dựng nhà ở từ họ còn rất cao. Bên cạnh đó, số lượng căn hộ tiêu thụ tại 2 TP lớn là Hà Nội và TP.HCM vẫn khá tốt.
Bà Dung cho rằng, xét về góc cạnh sức mua, thì thị trường bất động sản TP.HCM vẫn đang vận hành ổn định và trong tương lai vẫn phát triển.
Trong đó, phân khúc giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu ở thực và một phần đầu tư cho thuê vẫn ngày càng hút được sự quan tâm của người mua.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Khang, Tổng Giám đốc LDG Group chia sẻ rằng: “Trong năm 2019, thị trường có sự trầm lắng nhưng không phải là đi xuống, hiện nay thị trường bất động sản vẫn đang trên đà tăng trưởng, tại các tỉnh thành hàng loạt dự án vẫn được rao bán và hình thành trong tương lai. Nên hiện tại chúng ta "không có nỗi lo".
Ông Khang cũng cho biết “Mặt bằng chung thị trường hiện nay chính là cơ hội để đánh giá nội lực của các doanh nghiệp bất động sản, trong thời gian này mọi thứ sẽ là thử thách và sàng lọc rõ ràng”.
Ông Khang cho rằng, LDG trong thời gian tới để đón đầu thị trường, LDG sẽ đầu tư bất động sản có giá trị tài sản trên 2 tỷ đô để nhằm thay đổi mô hình đầu tư – mô hình kinh doanh đối với các dự án vừa và nhỏ.
Phát triển danh mục dự án đầu tư đảm bảo ổn định cho các năm: dự án ngắn hạn, trung hạn, dài hạn.
Phát triển đô thị TMDV giải trí với quy mô lớn tại các thành phố lớn để tạo ra doanh thu và lợi nhuận đột phá và Tập trung phát triển quỹ đất cho các dự án đô thị tại TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Vũng Tàu, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nội...