Nguy cơ ngộ độc thực phẩm
Theo các chuyên gia y tế, có rất nhiều tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm cho một quy trình từ sản xuất bánh trung thu như: nguyên liệu, chất phụ gia, máy móc, thiết bị, nhà xưởng, môi trường... Nếu chỉ một khâu trong quy trình sản xuất bị "hỏng", thì việc lây nhiễm chéo rất dễ xảy ra.
Các loại độc tố tự nhiên được sản sinh bởi một số loại nấm mốc trong điều kiện ấm và ẩm, gây ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm làm từ ngũ cốc, bột mì, nguyên liệu sử dụng trong bánh trung thu.
Ngoài ra, để kéo dài thời hạn sử dụng, nhiều thợ làm bánh thường sử dụng chất bảo quản hóa học gây hại cho sức khỏe con người.
Bác sĩ CKII Trịnh Xuân Thiều, Giám đốc Trung tâm Y tế Tp.Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) cho biết, bánh trung thu được dùng nhiều loại nguyên liệu, nên tiềm ẩn các mối nguy hiểm như độc tố nấm mốc, chất tạo màu không được phép sử dụng hay chất bảo quản hóa học, nếu quá trình chế biến không đảm bảo.
Mầm bệnh, vi sinh vật có thể xuất hiện nếu bánh không được sản xuất hoặc bảo quản đúng cách, một số nấm mốc tiết độc tố nguy hiểm như: Mycotoxin, Aflatoxin, Trichothecene...
Trong đó, Mycotoxin là chất độc chịu nhiệt có thể ảnh hưởng đến gan, thận hoặc hệ miễn dịch khi sử dụng ở liều lượng cao.
Còn Aflatoxin là một nhóm các độc tố nấm mốc và là một trong những loại mạnh nhất về độc tính cấp tính và có đặc tính gây ung thư.
"Quá trình làm bánh trung thu thường liên quan đến việc xử lý các thành phần bằng tay trần, nếu điều kiện chế biến không đảm bảo, các tác nhân gây bệnh có thể xâm nhập vào quá trình sản xuất khi xảy ra tình trạng nhiễm chéo. Một số chủng gây bệnh của Escherichia Coli còn sản sinh ra độc tố Shiga, gây ra các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm như đau bụng, tiêu chảy hoặc nôn sau khi tiêu thụ thực phẩm.
Ngoài những yếu tố nguy cơ kể trên, còn có thêm các yếu tố nguy cơ khác như quá trình bảo quản từ sau khi xuất xưởng đến tay người tiêu dùng. Nếu không bảo quản tốt thì yếu tố môi trường, nhiệt độ cao do nắng nóng cũng dễ làm các nguyên liệu trong bánh nên men, phân hủy gây ngộ độc thực phẩm cho người ăn phải", bác sĩ CKII Trịnh Xuân Thiều khuyến cáo.
Hiện nay, bên cạnh các cơ sở sản xuất kinh doanh bánh trung thu uy tín thì cũng còn một số tổ chức, cá nhân có hành vi lén lút bán bánh nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng.
Một số cửa hàng, cơ sở sản xuất bánh trung thu nhỏ, lẻ cũng nhập thêm loại bánh trung thu từ nước ngoài về để đa dạng mẫu mã sản phẩm.
Những loại bánh này, thường xuất xứ từ Trung Quốc. Và, không ai có thể đảm bảo chất lượng, cũng như vấn đề an toàn thực phẩm của các loại bành trung thu ngoại nhập này.
Tăng cường kiểm tra, quản lý thị trường
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Châu Thanh Long, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Tây Ninh cho biết, nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) mùa Trung thu năm 2024, đơn vị đã xây dựng và ban hành "Kế hoạch công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo đảm ATTP Tết Trung thu trên địa bàn Tây Ninh năm 2024".
Cục Quản lý thị trường chỉ đạo Các Đội QLTT trực thuộc thực hiện một số nhiệm vụ sau: Tăng cường quản lý theo địa bàn, thu thập thông tin, kiểm tra, kiểm soát thị trường để ngăn chặn, xử lý việc kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền, giả mạo nhãn hiệu, không đảm bảo an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung các sản phẩm được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Trung thu như bánh trung thu, rượu, bia, nước giải khát, đồ chơi trẻ em…
Đối với mặt hàng bánh trung thu, trong giai đoạn trước Tết trung thu, cơ quan sẽ kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh trung thu.
Nội dung kiểm tra tập trung vào nguồn gốc nguyên liệu sản xuất bánh trung thu; việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, kiểm tra chất lượng sản phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm.
Trong dịp Tết Trung thu, cơ quan tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh, các đại lý, cửa hàng trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu. Sau dịp Tết Trung thu, cơ quan tập trung kiểm tra việc thu hồi và xử lý các sản phẩm hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng.
Trong quá trình kiểm tra, chú ý kiểm tra nói chung, lưu ý kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng hàng hóa, công bố tiêu chuẩn chất lượng, công bố phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, về sử dụng dấu hợp chuẩn, hợp quy, mã số, mã vạch; phù hợp của hàng hóa đối với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng; kiểm tra thực tế sự phù hợp của chất lượng hàng hóa với nội dung công bố trên nhãn hàng hóa.
Kết hợp tuyên truyền tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh các quy định của pháp luật về kinh doanh hàng hóa và bảo đảm an toàn thực phẩm, việc chấp hành các quy định về công bố tiêu chuẩn, công bố hợp quy sản phẩm hàng hóa và các quy định về chất lượng hàng hóa.
Đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm và công khai tên các tổ chức, cá nhân vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.
Ông Châu cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn mua bánh ở những cơ sở, cửa hàng uy tín, có thương hiệu, chất lượng bánh trung thu sẽ đảm bảo hơn, vấn đề an toàn thực phẩm cũng được kiểm soát chặt chẽ hơn.
Xử lý vi phạm
Ngày 23/08, Đoàn kiểm tra liên ngành số 3 về an toàn vệ sinh thực phẩm do Sở Công thương tỉnh Tây Ninh chủ trì đã kiểm tra an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2024, trên địa bàn thị xã Hòa Thành.
Đoàn đã đến kiểm tra tại cơ sở sản xuất bánh trung thu Toàn Phát có địa chỉ Khu phố Long Thới, phường Long Thành Trung; Hộ kinh doanh Lương Uyên, địa chỉ 237, Phạm Văn Đồng, thị xã Hòa Thành chuyên kinh doanh thực phẩm, trái cây nhập khẩu.
Qua quá trình kiểm tra, cơ sở sản xuất bánh trung thu Toàn Phát có hồ sơ công bố của 02 sản phẩm Bánh trung thu nhân thập cẩm; bánh trung thu nhân thập cẩm chay. Hộ kinh doanh có thực hiện lưu trữ hồ sơ, thông tin nguồn gốc các nguyên liệu đầu vào tại cơ sở.
Đối với Hộ kinh doanh Lương Uyên, qua kiểm tra sơ bộ đã ghi nhận nhiều sản phẩm không có nhãn mác, nhiều sản phẩm trên bao bì có in tiếng nước ngoài, nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Nhận thấy có dấu hiệu vi phạm, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh đã phản ánh vụ việc cho Đội quản lý thị trường số 3 thuộc Cục QLTT tỉnh, đơn vị có thẩm quyền chuyên môn để kiểm tra và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.