Theo ghi nhận của báo Công an Nhân dân, tại các chợ truyền thống và cửa hàng tạp hoá tại khu vực Hà Đông, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm,... cho thấy sức mua bắt đầu tăng, người dân đã bắt đầu đi mua sắm Tết.
Tại thời điểm ngày 31/1 (tức 21 tháng Chạp), rau xanh tại các chợ truyền thống có mặt hàng tăng, có mặt hàng giảm hơn so với thời điểm tuần trước. Rau củ quả tăng giá do cận Tết và ảnh hưởng của thời tiết, rét đậm và sương muối nên rau hỏng khá nhiều, giá đến người tiêu dùng tăng hơn. "Giá rau xanh giảm hơn đợt lạnh của tuần trước, nhưng vẫn ở mức cao và một số loại tăng giá do nguồn cung ít hơn. Tuy nhiên, sức mua vẫn chậm hơn các năm trước, do người dân thắt chặt chi tiêu", chị Nguyễn Thị Trinh, tiểu thương ở Hà Đông chia sẻ.
Tiểu thương Nguyễn Thị Hoà An bán hàng tạp hoá tại chợ Gia Lâm (quận Long Biên) thì cho biết, thời gian này khách hàng đã bắt đầu mua măng, miến,... dự trữ ngày Tết. Mấy hôm nay khách mua dồn dập, một số khách hàng hỏi mua bánh đa nem còn hết hàng. “Năm nay, giá bán vẫn giữ ổn định. Lượng hàng bán ra bắt đầu tăng rất mạnh trong 3 ngày trở lại đây. Bản thân tôi hơn một tuần nay bán hàng không nghỉ trưa để phục vụ người mua”, chị An nói.
Cũng tại chợ Gia Lâm, tiểu thương Nguyễn Thu Thuỷ bán đồ khô cho biết, hàng nông sản phục vụ Tết giờ khá phong phú. Những mặt hàng truyền thống nhà nào cũng cần trong dịp Tết như măng, mộc nhĩ, nấm hương tới nay người tiêu dùng mua nhiều. Hy vọng qua ông Công, ông Táo (qua ngày 23 tháng Chạp), sức mua sẽ tiếp tục tăng lên.
Nhìn nhận về sức mua hàng Tết năm 2024, nhiều tiểu thương cho biết, phải chờ thêm vài ngày nữa mới có cảnh chen nhau mua hàng. Thời điểm này nhiều khách hàng chỉ mới hỏi trước giá thịt bò, thịt lợn và hẹn cuối tuần ra lấy hàng. Một số khách hàng ngày thường chỉ mua 3 - 4 lạng thịt lợn thì nay đều tăng số lượng lên cả kilogam.
Ghi nhận giá một số mặt hàng cho thấy: măng khô có giá từ 280.000 - 350.000 đồng/kg tùy loại; miến từ 70.000 - 150.000 đồng/kg; bóng bì 40.000 đồng/lạng; bánh đa nem truyền thống 7.000 đồng/thếp…, thịt lợn mông sấn 110.000 đồng/kg, thịt bò thăn, bắp bò dao động từ 250 .000 – 320.000 đồng/kg.
Vào dịp này, các mặt hàng bánh, kẹo Tết người dân cũng đã bắt đầu đi mua sắm. Chị Nguyễn Hoa (Long Biên) cho biết, bánh kẹo giờ không mua nhiều như trước nhưng cũng cần đầy đủ. Hiện tại các cửa hàng tạp hoá, bánh kẹo, giỏ quà Tết rất phong phú, mẫu mã đẹp, nhất là bánh kẹo Việt được lựa chọn nhiều. "Năm nay, tôi chọn những sản phẩm bánh kẹo Việt và những loại hạt như hạt sen, óc chó, hạnh nhân, hạt bí và một số loại ô mai. Mẫu mã đẹp và đa dạng nên người tiêu dùng dễ lựa chọn đồ hơn", chị Hoa cho hay.
Trên thực tế, hàng Việt năm nay được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, nhất là vào Tết thì bánh kẹo Việt hút khách. Tại các siêu thị và cửa hàng tạp hoá, độ phủ sóng của các loại bánh kẹo của thương hiệu trong nước như: Bibica, Kinh Đô, Hữu Nghị, Hà Nội… đều được bày bán bắt mắt. Các thương hiệu lớn này cũng tung ra nhiều sản phẩm mới như kẹo mềm ngũ quả, phúc lộc thọ, phát tài, phát lộc với ý nghĩa mang đậm chất truyền thống, có ý nghĩa sum họp gia đình dịp Tết. Bên cạnh đó, nhiều mẫu đặc biệt mang ý nghĩa may mắn như hộp kẹo hình thỏi vàng, hoa mai, đồng tiền may mắn… cũng được ra mắt trong dịp này. Riêng các loại bánh cao cấp hộp thiếc có bao bì khá sắc sảo, không thua kém hàng ngoại nhập, giá cả cũng phải chăng.
Chị Phan Thị Hoa, chủ một cửa hàng bánh kẹo ở Hà Đông cho biết, trong tuần cận Tết, số người tới mua hàng bắt đầu tăng lên, trong đó, bánh kẹo nội bán chạy nhất. Về giá cả, năm nay các loại bánh kẹo hầu như không tăng so với năm trước. Một số sản phẩm cao cấp hơn giá tăng khoảng 5-10%. Giá các loại bánh kẹo thường dao động từ vài chục cho tới vài trăm nghìn đồng/hộp tùy loại.
Theo Đại Đoàn Kết, không chỉ các chợ truyền thống, các hệ thống siêu thị cũng tập trung đẩy mạnh nhiều gian hàng Tết, từ chất lượng đến mẫu mã cùng với nhiều chương trình giảm giá sâu để kích cầu tiêu dùng.
Chị Phan Hoài Giang (quận Hà Đông) cho biết, buổi tối chị tranh thủ đưa con đi siêu thị Aeon Mall Hà Đông mua sắm Tết. Hàng hóa năm nay dồi dào, đến thời điểm hiện tại chưa phải xếp hàng chờ thanh toán lâu. “Năm nay khó khăn nên tôi mua đồ cũng hạn chế hơn trước. Nói chung chỉ cần mua đủ dùng và thêm giỏ quà biếu 2 bên nội ngoại”, chị Giang cho hay.
Còn chị Phạm Thuỳ Dương (quận Hai Bà Trưng) cho biết, chị xuống siêu thị gần nhà thì thấy bánh kẹo khuyến mãi khá nhiều. Chị chọn giải pháp mua gom hàng với bạn bè để được giá rẻ, mà không bị thừa.
Theo ghi nhận tại một số hệ thống siêu thị như: BRG Mart; Hapromart; Haprofood; Go!BigC; Co.opmart/Co.opXtra; WinMart và cửa hàng WinMart+/WIN đang áp dụng khuyến mãi hấp dẫn tới trên 50% với hàng trăm sản phẩm. Nhiều mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, thịt cá, hàng thực phẩm như bánh kẹo, đồ uống và quà tặng dịp Tết được giảm giá ưu đãi lên đến 30%. Tại các siêu thị đều bố trí khu vực trưng bày giỏ quà Tết bắt mắt với nhiều mức giá khác nhau. Về cơ cấu sản phẩm, số lượng hàng Việt Nam trên quầy kệ chiếm 90%, trong đó hàng nông sản chiếm hơn 95%. Theo đó, nhiều mẫu giỏ quà Tết từ cao cấp đến bình dân với mức giá dao động từ 300.000 đồng đến 2 triệu đồng/giỏ.
Về sức mua những ngày cận Tết, Phó Tổng Giám đốc Hệ thống siêu thị BRGMart Nguyễn Thị Hiền cho biết, sức mua tại hệ thống siêu thị bắt đầu tăng, đây là tín hiệu tích cực, đúng với dự báo của siêu thị về thị trường. Ngay từ đầu tuần, người dân đã bắt đầu đi sắm Tết, giá cả ổn định, nhiều mặt hàng thiết yếu khuyến mại giảm sâu được người dân lựa chọn.
Để đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm của người dân, siêu thị BRGMart đã phối hợp với các nhà cung cấp, dự trữ hàng hóa Tết, sản lượng hàng hoá tăng gấp 3 lần các tháng trong năm. Hiện, lượng hàng hóa Tết tại hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp đã về đầy kho, nhất là các sản phẩm nông sản chất lượng cao, đặc sản vùng miền. Toàn bộ hệ thống đang tất bật đi các điểm tập trung bán hàng.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội cho biết, để phục vụ Tết, siêu thị đã thực hiện dự trữ nguồn hàng hoá thiết yếu ngay từ giữa năm 2023. Trong đó, 9 nhóm hàng hoá lương thực, thực phẩm thuộc chương trình bình ổn thị trường được dự trữ tăng từ 20-50% tùy theo nhóm hàng hoá so với tháng kinh doanh bình thường với tổng giá trị lên đến 10.000 tỷ đồng.
Đại diện hệ thống siêu thị WinMart, bà Nguyễn Minh Anh cũng chia sẻ, hiện nguồn cung lương thực, thực phẩm luôn dồi dào, giá cả không biến động lớn. Đơn vị sẽ theo dõi diễn biến thị trường để bảo đảm nguồn thực phẩm cũng như bình ổn giá cho người dân dịp Tết.
Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, hàng hóa dịp Tết năm nay tại các chợ đầu mối hay các siêu thị lớn khá phong phú, giá cả bình ổn. Để tăng sức mua của người dân, các bộ, ngành, địa phương cũng đang tích cực triển khai hoạt động kết nối cung cầu xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng trong dịp Tết cũng như thực hiện đồng bộ và hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
PGS.TS Nguyễn Bá Minh - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho biết, theo truyền thống, không chỉ riêng năm nay mà Tết năm nào giá cả cũng tăng. Nhưng mức độ tăng năm nay sẽ không lớn vì cung hàng hóa rất nhiều, giá cả một số mặt hàng thiết yếu cho tiêu dùng hiện khá ổn định. Vì thế, áp lực về giá cả một số mặt hàng từ nay đến Tết Nguyên đán tăng nhưng không nhiều, người dân có thể yên tâm, phấn khởi.
Minh Hoa (t/h)