Tại hội nghị Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC đối với chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn TP.HCM vào sáng nay (4/4), PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM.
PV: Thưa ông, Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh dư luận đang đặc biệt quan tâm đến công tác PCCC đối với chung cư, nhà cao tầng. Vậy ông có nhận định ra sao từ tác động của vụ cháy chung cư Carina Plaza, cũng như nhiều vụ cháy chung cư khác đối với thị trường kinh doanh căn hộ chung cư?
Ông Lê Hoàng Châu: Thực tế mà nói, vụ cháy đã cảnh tỉnh tất cả chúng ta. Nguyên nhân gây cháy trước hết là ý thức của chúng ta trong việc chấp hành quy định về PCCC. Theo báo cáo từ cơ quan chức năng, vụ cháy chung cư Carina Plaza bắt đầu từ một xe máy trong hầm giữ xe và sau 9 phút thì đám cháy lan nhanh lên khu nhà ở. Nếu công tác trực bảo vệ nghiêm túc và một bình chữa cháy nhỏ cũng có thể xử lý vụ cháy ngay từ ban đầu. Nhưng ngay cả đơn vị vận hành chung cư cũng thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách nhiệm vụ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn chưa coi trọng thành lập đội Dân phòng để tham gia PCCC tại chỗ.
PV: Trong câu chuyện cháy chung cư Carina, có ý kiến cho rằng việc chủ đầu tư chậm trễ bàn giao chi phí bảo trì cho ban Quản trị chung cư là nguyên nhân căn cơ, tiềm ẩn gây nên hậu quả khó lường về sau. Phía Hiệp hội có thể thông tin cụ thể về việc này không, thưa ông?
Ông Lê Hoàng Châu: Luật Nhà ở 2005 đã quy định, người dân khi mua chung cư sẽ góp thêm một khoản tiền, tương đương 2% giá trị hợp đồng vào quỹ bảo trì phần sở hữu chung của chung cư, trong đó có công trình PCCC. Tiếp đó, luật Nhà ở 2014 cũng quản lý vấn đề này bằng nhiều điều khoản chặt chẽ hơn.
Theo đó, chủ đầu tư phải bàn giao tiền quỹ cho ban quản trị chung cư sau khi tổ chức này được thành lập trong vòng 15 ngày. Nếu chủ đầu tư không bàn giao thì UBND cấp tỉnh sẽ thực hiện biện pháp cưỡng chế hành chính để giao số tiền quỹ cho ban Quản trị chung cư.
Tuy nhiên, có một số trường hợp, chủ đầu tư chậm trễ thành lập ban Quản trị chung cư, dẫn đến số tiền quỹ đã không được sử dụng có hiệu quả cho công tác đảm bảo an toàn, PCCC. Cụ thể là chung cư Carina Plaza, sau 6 năm hoạt động với 2 lần họp hội nghị vẫn không thành lập được ban Quản trị chung cư. Theo hồ sơ, quỹ bảo trì của chung cư Carina Plaza có trị giá 23 tỷ đồng.
Do chưa thành lập được ban quản trị nên chủ đầu tư vẫn quản lý số tiền này. Nhưng việc sử dụng số tiền này đang thiếu minh bạch, thiếu giám sát của các cư dân chung cư đã góp phần gây nên thảm kịch vừa qua. Vì thế, quan điểm của Hiệp hội, tiền phí bảo trì cần được sử dụng đúng mục đích để đạt được hiệu quả cao nhất, đảm bảo an toàn cho cư dân chung cư.
PV: Sau khi giải quyết những thủ tục hành chính và tài chính, điều quan trọng nhất cần phải thay đổi là gì, thưa ông?
Ông Lê Hoàng Châu: Quy định pháp luật đã có, vấn đề là tổ chức thực hiện bằng ý thức tự giác của tất cả các bên, từ chủ đầu tư, cư dân, các cơ quan chức năng, chính quyền,… Từ chuyển biến về nhận thức, chúng ta phải chung tay hành động một cách quyết liệt, mạnh mẽ nhất. Trong đó, tôi vẫn cho rằng, hầm giữ xe là nơi có nguy cơ cháy nổ cao nhất nên phải tăng cường giám sát, kiểm tra. Cần phải đảm bảo tiêu chuẩn thông khí, thông gió, yêu cầu quản lý nghiêm ngặt, không được hút thuốc, có người trực 24/24.
PV: Nâng cao tiêu chuẩn và tăng cường giám sát, kiểm tra là điều chắc chắn. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể áp dụng với các chung cư đang được xây dựng. Vậy còn các chung cư cũ và đang thiếu an toàn PCCC thì cần phải xử lý ra sao?
Ông Lê Hoàng Châu: Những chung cư cũ, được xây dựng từ 30 – 40 năm trước đây thì hệ thống PCCC đang là bài toán khó. Hầu hết 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 không có hệ thống PCCC, nhiều căn hộ chung cư bị cơi nới, rào chắn, không có lối thoát hiểm, nguy cơ cháy tiềm ẩn rất đáng quan ngại.
Nhiều chung cư nhà ở cao tầng lại được cấp phép xây dựng trong đường nhỏ hoặc trong hẻm nên tiềm ẩn nguy cơ về an toàn thoát hiểm cho cư dân khi xảy ra cháy. Có trường hợp cơ quan chức năng duyệt quy hoạch tổng mặt bằng chung cư nhưng thiếu đường vào cho xe chữa cháy phòng khi xảy ra sự cố. Có trường hợp chủ đầu tư dự án chừa đường vào cho xe chữa cháy, nhưng tải trọng mặt đường không đáp ứng theo quy định nên xe chữa cháy hạng nặng không thể vào được...
Các cơ quan quản lý của bộ Công an và bộ Xây dựng đang tổng kiểm tra để xử lý với từng trường hợp cụ thể. Một là các chung cư xây dựng trước năm 1975, hai là các chung cư xây dựng trước luật Nhà ở 2005. Và, ba là các chung cư xây dựng sau khi có luật PCCC 2001. Các thời điểm khác nhau nên các chung cư được thiết kế và vận hành khác nhau. Công tác kiểm tra và xử lý vẫn đang được thảo luận với mục đích cao nhất vẫn là đảm bảo an toàn cho cư dân, đảm bảo trật tự xã hội.
PV: Trước nhận định cực đoan cho rằng, sống trong chung cư thiếu an toàn hơn nhà phố, ông đánh giá như thế nào?
Ông Lê Hoàng Châu: Vụ cháy chung cư Carina Plaza đã tác động đến tâm lý và hành vi của người tiêu dùng. Và thực tế là điều này đã tác động trực tiếp đến phân khúc thị trường căn hộ chung cư. Đã có hiện tượng thị trường phần nào bị chững lại trong 10 ngày qua. Tuy nhiên, Hiệp hội nhận định tác động này chỉ có tính ngắn hạn trong vài tháng tới đây.
Bởi lẽ, sống trong chung cư là xu thế của toàn thế giới chứ không riêng tại Việt Nam. Tại Singapore, có đến 85% người dân sống trong chung cư. Và các nước châu Âu, Bắc Mỹ thì tỷ lệ cũng từ 60 – 70%. Như vậy, sống tại chung cư không phải là rủi ro hơn sống nhà phố. Vì trong 1.000 vụ cháy thì tỷ lệ cháy chung cư chỉ chiếm rất nhỏ. Tuy nhiên, khi cháy chung cư có thể gây ra hậu quả rất nghiêm trọng.
Hiệp hội chúng tôi đang đề nghị nghiên cứu và học hỏi tiêu chuẩn thiết kế xây dựng chung cư của Singapore, tách khu giữ xe ra khỏi khu nhà ở. Tuy nhiên, nếu áp dụng, điều này sẽ làm tăng giá thành căn hộ trong kinh doanh nên cần tính toán kỹ để hài hòa lợi ích của chủ đầu tư.
PV: Bản thân các hội viên của Hiệp hội đã có thay đổi và hành động gì để đảm bảo môi trường kinh doanh chung cư, nhà cao tầng?
Ông Lê Hoàng Châu: Trao đổi với tôi, các doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức. Nhiều doanh nghiệp đã trang bị thêm thiết bị PCCC, tặng bình chữa cháy mini cho các hộ gia đình, tổ chức khóa huấn luyện chữa cháy, thoát nạn. Thậm chí, có doanh nghiệp còn đề nghị tặng xe PCCC hiện đại, nhập từ Nhật Bản với giá trị 1 triệu USD cho cơ quan chức năng. Tất cả chuyển động đó thể hiện trách nhiệm của các chủ đầu tư, đơn vị xây dựng.
Hiệp hội cũng nhận thấy, qua vụ cháy, đòi hỏi của người tiêu dùng đã cao hơn, khắt khe hơn. Vì thế, cộng đồng chủ đầu tư cũng đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu của cư dân, khách hàng. Những điều này sẽ cộng hưởng để tạo ra thị trường bất động sản, cụ thể là chung cư, nhà cao tầng tốt đẹp và an toàn hơn trong tương lai.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!