Nhận định trên được đại diện Bộ Công Thương đưa ra tại diễn đàn thương mại Việt Nam - EU “EVFTA - Sức bật cho hợp tác thương mại đầu tư trong bối cảnh bình thường mới” sáng 27/10.
Tại diễn đàn, ông Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công Thương đặc biệt ghi nhận những kết quả tích cực trong trao đổi thương mại, đầu tư giữa Việt Nam - EU năm đầu EVFTA đi vào hiệu lực.
Thứ trưởng nhấn mạnh vai trò của Hiệp định không chỉ là đòn bẩy thúc đẩy thương mại hai chiều, mà còn là lợi thế ưu việt cho cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế, giao thương toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra.
Trước bối cảnh kinh tế phục hồi, cùng sự định hình và phát triển của những xu hướng thương mại, đầu tư mới, Hiệp định EVFTA sẽ tạo điều kiện thuận lợi, khả năng cạnh tranh để Việt Nam tham gia vào quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng với các đối tác EU, mở ra cơ hội về thu hút nguồn vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến, tạo nên sức bật mới, tăng trưởng bền vững khi cộng hưởng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo Thứ trưởng, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt, chủ động thích nghi, đổi mới chính mình để đón đầu những cơ hội mới khi nền kinh tế chuyển trạng thái hậu Covid-19.
Trao đổi quan điểm tại diễn đàn, ông Alain Cany - Chủ tịch EuroCham cho rằng, Việt Nam và EU cần chặt chẽ hơn trong việc giải quyết các vấn đề tồn tại vì lợi ích chung của cộng đồng doanh nghiệp.
Vị Chủ tịch EuroCham cũng nhận định, với việc dịch bệnh được kiểm soát, vắc-xin được phổ cập rộng với người dân, doanh nghiệp, cùng với lợi thế từ EVFTA và tới đây là EVIPA, Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút làn sóng FDI mới từ các nhà đầu tư châu Âu. Khi mà nhóm này đang tìm kiếm một điểm đến ổn định, an toàn, thịnh vượng và cạnh tranh.
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) đánh giá, ngày càng nhiều doanh nghiệp tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định EVFTA qua việc sử dụng chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi. Năng lực cạnh tranh và thị phần của hàng hóa Việt cũng ngày càng được cải thiện rõ rệt tại thị trường EU.
Tuy nhiên, theo ông Khanh, EU cũng đang tiến hành đàm phán thêm với một số nước trong khối ASEAN, điều này sẽ càng tăng thêm sức cạnh tranh đối với Việt Nam.
“Thị trường EU rất lớn, rất tiềm năng và càng trở nên tiềm năng hơn khi chúng ta ký kết Hiệp định EVFTA. Tôi ví von thị trường này giống như một miếng bánh, chúng ta sẽ không ăn được hết nhưng nếu càng đến sớm, tiếp cận sớm thì chúng ta sẽ ăn được càng nhiều. Còn đến chậm, tiếp cận chậm, chúng ta sẽ phải cạnh tranh với người khác”, ông Khanh ví von.
Từ những con số C/O được cấp tăng mạnh trong khoảng thời gian EVFTA đi vào thực thi, ông Khanh nhấn mạnh dư địa tại thị trường châu Âu còn rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, ông bày tỏ việc còn nhiều doanh nghiệp lo ngại, chưa dám bước qua vùng an toàn khi chỉ tập trung vào những thị trường truyền thống như Trung Quốc. Mặc dù tiềm năng rất lớn nhưng thị phần hàng hoá của Việt Nam tại thị trường EU rất khiêm tốn.
“Nhìn vào kim ngạch xuất, nhập khẩu, đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu của các tỉnh thành, thị phần của các thị trường EU còn tương đối khiêm tốn. Tôi nhận thấy doanh nghiệp vẫn còn tập trung quá nhiều vào các thị trường truyền thống, còn tâm lý e ngại chưa muốn thoát ra vùng an toàn”, ông Khanh nhìn nhận.
Nói thêm về nguyên nhân khiến doanh nghiệp còn chần chừ khi vào thị trường EU, ông Khanh cho rằng do EU là thị trường khó tính, quy định chặt chẽ về chất lượng hàng hoá, mà muốn vào lâu dài lại càng khó hơn.
“Doanh nghiệp Việt còn bị hạn chế bởi sức cạnh tranh. Dù có lợi thế từ các FTA khi vào thị trường EU hay các thị trường khác, nhưng do nhiều vấn đề về chi phí vận chuyển, kho bãi khiến cho giá cả của Việt Nam khó có thể cạnh tranh với doanh nghiệp đến từ nước khác”, ông nói.
Đại diện cho Bộ Công Thương, ông Khanh cam kết việc sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, tiếp tục xây dựng các kịch bản phù hợp để thích ứng linh hoạt và hiệu quả trong tình hình mới. Giúp doanh nghiệp tiếp cận nhiều hơn những ưu đãi từ Hiệp định EVFTA trong các năm tiếp theo.
Trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU sau một năm thực thi Hiệp định EVFTA đã đạt 54,87 tỷ USD, tăng 12,1% so với giai đoạn cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu tăng 11,3% và kim ngạch nhập khẩu tăng 14,04%.
Mặc dù Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề do đợt dịch thứ 4 bùng phát tại vùng xuất khẩu trọng điểm phía Nam, tháng 9/2021, thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và EU vẫn ghi nhận sự tăng trưởng khả quan, kể cả so với thời kỳ trước đại dịch, với kim ngạch đạt 41,3 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó xuất khẩu tăng 11,7% và nhập khẩu tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Eurostat, Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại hàng hoá lớn nhất của EU trong khu vực ASEAN, xếp trong top 10 các nước cung ứng hàng hoá lớn nhất vào thị trường EU.
Xem thêm:
[Info] Nhìn lại một năm thu “quả ngọt” từ Hiệp định EVFTA