Thị trường gạo toàn cầu “nóng” bởi thông tin cấm xuất khẩu gạo của nhiều nước

Thị trường gạo toàn cầu “nóng” bởi thông tin cấm xuất khẩu gạo của nhiều nước

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Thứ 4, 02/08/2023 07:00

Cơ hội xuất khẩu gạo của Việt Nam rộng mở trong bối cảnh một số quốc gia như Nga, UAE, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo.

Đảm bảo được vấn đề an ninh lương thực

Theo báo Công Thương, tháng 7 này, thị trường gạo toàn cầu “nóng” bởi thông tin cấm xuất khẩu gạo của nhiều nước.

Thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 7/2023 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 1/8, tại Hà Nội, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chia sẻ, nguồn cung gạo của Việt Nam sẽ không chịu tác động, tuy nhiên, sẽ có vấn đề về tâm lý và giá cả sẽ có sự gia tăng nhất định.

“3 tháng chúng ta có một vụ mùa lúa gạo, tháng 1/2024 chúng ta sẽ có khoảng 1,2 triệu tấn thóc của vụ Đông Xuân. Do đó, chúng ta hoàn toàn yên tâm về vấn đề an ninh lương thực, cũng như tận dụng thời cơ tốt nhất cho xuất khẩu”, ông Nguyễn Như Cường cho biết thêm.

Về vấn đề trước thời cơ thị trường như hiện nay, Việt Nam có mở rộng diện tích trồng lúa không? Ông Nguyễn Như Cường cho hay, theo chủ trương diện tích trồng lúa chỉ có giảm, không tăng. Tuy nhiên, để nắm bắt thời cơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bố trí nâng diện tích trồng lúa tại đồng bằng sông Cửu Long từ đầu năm 2023 là 650.000 ha lên con số 700.000 ha.

“Đây là thời cơ cho chúng ta, nếu không chớp thời cơ, chúng ta sẽ bị lỡ. Ngày hôm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị tăng cường xuất khẩu gạo nhằm tranh thủ cơ hội trong bối cảnh hiện nay của sản xuất lúa gạo thế giới”, ông Nguyễn Như Cường thông tin.

Năm ngoái, sản lượng lúa gạo của Việt Nam là 42,7 triệu tấn lúa và xuất khẩu được 7,1 triệu tấn gạo. Năm nay, với sản lượng lúa gạo dự kiến đạt trên 43 triệu tấn lúa, thì dự báo xuất khẩu gạo sẽ vượt kỷ lục năm ngoái.

Ngành gạo Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn, tuy nhiên dù cơ hội có tốt đến đâu, mục tiêu quan trọng nhất của chúng ta vẫn là đảm bảo an ninh lương thực. Do vậy, tùy theo tình hình thị trường, thời điểm, Chính phủ và các Bộ ngành sẽ có sự điều tiết linh hoạt giữa tiêu thụ trong nước – dự trữ - xuất khẩu. “Chúng ta có thể xuất khẩu nhiều hơn năm ngoái, còn mức tăng bao nhiêu còn phụ thuộc vào tình hình cụ thể”, ông Nguyễn Như Cường nói.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, với vụ lúa gạo năm nay tương đối thuận lợi, dự kiến, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay dự kiến sẽ đạt trên 7,1 triệu tấn và đảm bảo được vấn đề an ninh lương thực.

Kinh tế vĩ mô - Thị trường gạo toàn cầu “nóng” bởi thông tin cấm xuất khẩu gạo của nhiều nước

Giá lúa gạo tăng mạnh trong tình hình mới. Ảnh minh họa.

Giá gạo toàn cầu “nhảy múa”

Vừa qua, Ấn Độ - quốc gia chiếm tới 2/5 thị phần gạo toàn cầu, quyết định cấm xuất khẩu các loại gạo trắng nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước. Nga, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng có động thái tương tự. Lệnh cấm này được dự báo sẽ đẩy giá gạo toàn cầu vốn đang ở mức cao tiếp tục tăng thêm.

Nhìn chung tuần qua cả thế giới chung một mối lo đó là đảm bảo an ninh lương thực do sự xoay chuyển khó đoán từ xuất khẩu sang tích trữ của một số cường quốc xuất khẩu nông sản, những tác động Elnino đến sản lượng lương thực.

Theo dự báo của các tổ chức nông nghiệp, năm 2023 sản lượng gạo toàn cầu sẽ thiếu hụt nghiêm trọng. Cụ thể, trong một dự báo mới đây được đưa ra bởi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cơ quan này đã điều chỉnh sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2022/2023 từ mức 512 triệu tấn xuống còn 508 triệu tấn do điều kiện thời tiết khắc nghiệt đe dọa năng suất cây trồng ở các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan.

Theo Công Thương, cốt phiên giao dịch ngày 31/7, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang được chào bán 568 USD/ tấn và là mức cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây. Trong khi đó, gạo cùng loại của Thái Lan đang được chào bán ở mức 603 USD/tấn và gạo của Pakistan cũng ở mức 533 USD/ tấn (tăng gần 100 USD/tấn so với thời điểm tháng 6/2023).

“Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới khi chiếm tới 40% nên bất kỳ động thái nào từ quốc gia này chắc chắn ảnh hưởng lớn đến toàn cầu, đặc biệt là với những nước sử dụng nhiều gạo làm lương thực tiêu dùng. Chính vì vậy khi quốc gia này cấm xuất khẩu đã gây tác động lớn lên thị trường lương thực toàn cầu, dẫn đến việc giá cả biến động mạnh”, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đánh giá.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam còn nhấn mạnh, động thái cấm xuất khẩu của các quốc gia trên thế giới đang có tác động lớn tới giá gạo Việt Nam. Cụ thể là các nước nhập khẩu khi nghe thông tin Ấn Độ cấm xuất khẩu đã trực tiếp liên hệ với doanh nghiệp Việt Nam và đưa ra giá cao hơn để mua. Từ đó tác động đến thị trường gạo trong nước và đẩy giá lúa, giá gạo ở nội địa lên cao trong những ngày qua.

Giải pháp đảm bảo an ninh lương thực quốc gia

Theo số liệu VTV, 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 5 triệu tấn gạo, đạt giá trị kim ngạch gần 2,6 tỷ USD, tăng gần 30% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Có thể thấy ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước cả cơ hội và thách thức trong bối cảnh biến động.

Xuất khẩu được lợi về giá và thị trường nhưng Việt Nam không thể quên chú trọng vấn đề đảm bảo an ninh lương thực trong nước cũng như chuẩn bị nguồn hàng gối đầu để gia tăng kim ngạch khi được lợi về giá. Lúc này, nhiều giải pháp đã được đưa ra để cân đối việc dự trữ và xuất khẩu.

Gần đây nhất vụ hè thu sẽ chịu những tác động ngày càng rõ rệt của Elnino. Do vậy khung lịch thời vụ đã được đẩy sớm hơn, tập trung vào cơ cấu giống lúa trung, ngắn ngày để né được hạn mặn, nhất là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Sản lượng vẫn có thể đảm bảo hơn 10 triệu tấn thóc. Tính chung sản lượng cả nước trong năm nay là 43 triệu tấn thóc đủ đảm bảo an ninh lương thực trong nhiều kịch bản.

Trước xu thế tích trữ lương thực trên thế giới, Việt Nam cũng đã chủ động với công tác này. Tổng cục Dự trữ nhà nước đã lên phương án mức dự trữ tồn kho lớn nhất từ trước đến nay là 250.000 tấn gạo có thể đáp ứng các nhu cầu đột biến trong nhiều trường hợp thiên tai, dịch bệnh.

Việt Nam không chỉ cung ứng gạo cho 100 triệu dân, mà còn là nguồn cung lương thực cho nhiều quốc gia khác. Khi Việt Nam chủ động lên các kịch bản an ninh lương thực quốc gia đồng nghĩa chúng ta không chỉ đang bảo vệ mình, mà còn đang nỗ lực gìn giữ chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu.

Trước lệch cấm xuất khẩu gạo của nhiều nước, nhiều chuyên gia cho rằng đây là cơ hội cho những người trồng lúa, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long. Nhận định về tình hình xuất khẩu gạo năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng với những yếu tố thuận lợi về thị trường, dự kiến, xuất khẩu gạo năm 2023 sẽ đạt khoảng 7 – 7,5 triệu tấn.

Theo Nghị định 107 của Chính phủ về xuất khẩu gạo, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo cần phối hợp tổ chức thu mua và tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa bảo đảm lợi ích cho người trồng lúa, đồng thời nghiêm túc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu.

Trong trường hợp giá thóc, gạo hàng hóa trong nước tăng quá cao, bất hợp lý, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo có trách nhiệm tổ chức hệ thống phân phối gạo, cung ứng ngay lượng gạo tồn kho và lượng gạo dự trữ lưu thông để bình ổn thị trường.

Yêu cầu doanh nghiệp báo cáo gấp số gạo tồn kho, hợp đồng xuất khẩu

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân vừa có văn bản gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và các thương nhân xuất khẩu gạo, đề nghị báo cáo tình hình lượng lúa, gạo tồn kho; tình hình ký hợp đồng và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định 107/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Đặc biệt, các thương nhân được yêu cầu chủ động theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo toàn cầu và trao đổi với VFA, nhằm kịp thời báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn liên quan hoạt động xuất khẩu gạo, đồng thời đề xuất giải pháp phù hợp.

Văn bản cũng nhắc lại yêu cầu trước đó đối với các thương nhân xuất khẩu gạo là thực hiện nghiêm túc nội dung duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định tại Nghị định 107/2018.

Bộ Công Thương yêu cầu VFA và các thương nhân báo cáo 3 nội dung trên về Cục Xuất Nhập khẩu trước ngày 3/8.

Đây và văn bản chỉ đạo mới của Bộ Công Thương trước bối cảnh thương mại gạo toàn cầu có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, như: Ấn Độ, UEA, Nga cấm xuất khẩu gạo; hiện tượng Elnino ảnh hưởng sản lượng lương thực nhiều nước…

Trúc Chi (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.