Thị trường hàng hóa sôi động trở lại sau kỳ nghỉ Tết

Thị trường hàng hóa sôi động trở lại sau kỳ nghỉ Tết

Đồng Xuân Thuận

Đồng Xuân Thuận

Thứ 6, 16/02/2024 10:18

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, sau ba ngày liên tiếp rơi điểm, kết thúc ngày giao dịch hôm qua (15/2), chỉ số MXV-Index tăng nhẹ 0,19%.

Sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, dòng tiền đầu tư trong nước gia tăng đáng kể. Trong đó, giá trị giao dịch nhóm kim loại tăng hơn 71%; nhóm nông sản cũng cao hơn 57% so với hôm qua. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt trên 5.200 tỷ đồng. Trên bảng giá hàng hóa nguyên liệu, diễn biến tương đối phân hóa. Hầu hết các mặt hàng nhóm kim loại và năng lượng đều lên giá trái ngược với các nhóm hàng còn lại.

Xu hướng thị trường - Thị trường hàng hóa sôi động trở lại sau kỳ nghỉ Tết

Phe bán chiếm áp đảo trên thị trường ngô

Theo MXV, kết thúc phiên giao dịch hôm qua (15/2), hầu hết các mặt hàng nhóm nông sản đều giảm giá. Trong đó, giá ngô hợp đồng tháng 3 chạm mức thấp nhất kể từ đầu tháng 12/2021 khi nối dài đà suy yếu và giảm 1,53%. Trước những triển vọng ban đầu tương đối khả quan về mùa vụ năm nay ở Mỹ, phe bán chiếm thế áp đảo trong phần lớn phiên giao dịch.

Xu hướng thị trường - Thị trường hàng hóa sôi động trở lại sau kỳ nghỉ Tết (Hình 2).

Hội thảo USDA Ag Outlook Forum 2024 đã diễn ra và các dự đoán đầu tiên về niên vụ 24/25 của Mỹ đã được công bố. Diện tích trồng ngô năm nay dự kiến đạt 91 triệu mẫu, giảm 3,8% so với năm ngoái. Tuy nhiên, năng suất được dự báo sẽ đạt 181 giạ/mẫu, tăng 2,1% so với năm ngoái. Điều này dẫn đến sản lượng ngô năm nay của Mỹ có thể lên tới 15,04 tỷ giạ, tăng gần 10% so với năm 2023, trong khi tồn kho ngô cuối niên vụ 24/25 dự kiến tăng 16,6% so với niên vụ 23/24. Triển vọng về một vụ mùa bội thu trong năm nay tại Mỹ đã gây áp lực lớn lên giá ngô CBOT.

Báo cáo Bán hàng Xuất khẩu (Export Sales) tối qua cho thấy, Mỹ đã bán 1,31 triệu tấn ngô trong tuần 2 - 8/2, tăng 7,2% so với một tuần trước. Dữ liệu bán hàng tích cực đã giúp thu hẹp phần nào đà giảm của giá ngô trong phiên hôm qua.

Lúa mì cũng lao dốc trong phiên giao dịch 15/2, và là mặt hàng giảm mạnh nhất nhóm nông sản khi đóng cửa với mức giảm 3,16%. Tương tự như ngô, triển vọng ban đầu tích cực đối với nguồn cung từ Mỹ trong năm 2024 là yếu tố gây áp lực lớn lên giá lúa mì.

Theo dữ liệu của hội thảo Ag Forum 2024, diện tích trồng lúa mì năm nay của Mỹ dự kiến đạt 47 triệu mẫu, giảm 5,2% so với năm 2023. Tuy nhiên, sản lượng lúa mì dự kiến tăng 4,9% so với năm ngoái và đạt 1,9 tỷ giạ, do năng suất được dự báo sẽ tăng tới 10,7% lên mức 40,4 giạ/mẫu.

Bên cạnh đó, báo cáo Export Sales cho thấy Mỹ bán được 349.286 tấn lúa mì trong tuần 2 - 8/2, giảm 7,7% so với một tuần trước. Điều đó phản ánh nhu cầu quốc tế đối với lúa mì Mỹ tiếp tục suy yếu, và góp phần tác động lên giá trong phiên hôm qua.

Kim loại lấy lại sắc xanh

Khép lại ngày giao dịch hôm qua, sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng giá kim loại. Đối với kim loại quý, đồng USD suy yếu đã hỗ trợ giá bạc và giá bạch kim tăng hai phiên liên tiếp, tuy nhiên giá bạc ghi nhận mức tăng mạnh hơn hẳn so với giá bạch kim cho bạc vốn là mặt hàng nhạy cảm hơn với các yếu tố vĩ mô. Cụ thể, giá bạc chốt phiên tại mức 22,95 USD/ounce sau khi tăng 2,52%, mức tăng mạnh nhất trong vòng hơn một tháng qua. Giá bạch kim cũng tăng 0,88% lên 905,2 USD/ounce.

Xu hướng thị trường - Thị trường hàng hóa sôi động trở lại sau kỳ nghỉ Tết (Hình 3).

Tâm điểm thị trường phiên hôm qua hướng về báo cáo doanh số bán lẻ của Mỹ. Theo Bộ Thương mại Mỹ, sau khi ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong tháng 12/2023, doanh số bán lẻ của Mỹ bất ngờ giảm trong tháng 1/2024, chấm dứt chuỗi tăng kéo dài 9 tháng liên tiếp. Cụ thể, doanh số bán lẻ tháng 1/2024 của Mỹ giảm 0,8% so với tháng trước, giảm mạnh hơn so với dự báo giảm 0,2% của thị trường và là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2023.

Việc doanh số bán lẻ của Mỹ giảm mạnh hơn nhiều so với dự kiến đã kéo đồng USD suy yếu với chỉ số Dollar Index chốt phiên giảm 0,41%, mức giảm mạnh nhất trong vòng hai tuần qua. Kim loại quý vốn được định giá bằng đồng bạc xanh. Do đó, nhờ sự suy yếu của đồng USD, nhóm kim loại quý đã đón nhận lực mua tích cực trong phiên hôm qua.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX phục hồi 1,57% lên 3,75 USD/pound, đứt chuỗi giảm hai phiên liên tiếp. Đây cũng là phiên tăng giá mạnh nhất của giá đồng trong vòng hơn ba tuần. Đồng USD giảm giá là yếu tố chính hỗ trợ cho giá đồng tăng trong phiên hôm qua. Hơn nữa, kỳ vọng tiêu thụ đồng dần phục hồi trong lĩnh vực xây dựng tại Trung Quốc cũng giúp củng cố lực mua đồng. Thông thường, hoạt động xây dựng của Trung Quốc sẽ bước vào giai đoạn cao điểm từ đầu tháng 3.

Trong một diễn biến khác, giá niken LME quay đầu giảm 0,54% về 16.258 USD/tấn, đứt chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp.

Hôm thứ Năm (15/2), công ty khai thác mỏ lớn nhất thế giới BHP Group cho biết đã bị lỗ 2,5 tỷ USD đối với hoạt động kinh doanh niken ở Australia. Điều này đã làm gia tăng tâm lý bi quan trên thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh tiêu thụ niken yếu trong khi nguồn cung dư thừa. Trước đó, các nhà phân tích tại Macquarie cho biết xuất khẩu niken của Indonesia đã tăng 28% lên 1,8 triệu tấn vào năm 2023, chiếm 53% trong tổng sản lượng niken toàn cầu.

T.M

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.