“Thị trường hàng không ở Việt Nam vẫn còn cơ hội cho các hãng mới"

“Thị trường hàng không ở Việt Nam vẫn còn cơ hội cho các hãng mới"

Nguyễn Thị Hương Lam

Nguyễn Thị Hương Lam

Chủ nhật, 27/10/2019 06:46

Tập đoàn Boeing vừa có báo cáo thường niên nhằm định hình chiến lược của hãng, đồng thời giúp khách hàng nắm được xu hướng của ngành hàng không thế giới và Việt Nam. Nhân dịp này, ông Darren Hulst, Phó Chủ tịch phụ trách Marketing Thương mại tập đoàn Boeing đã có một số chia sẻ với báo chí về thị trường hàng không tại Việt Nam.

5 năm tới, đội máy bay tại Việt Nam tăng gấp 4 lần

PV: Thưa ông, tình hình mua máy bay Boeing của các hãng hàng không mới thành lập tại Việt Nam như Vinpearl Air, Bamboo… hiện đang ở giai đoạn nào?

Ông Darren Hulst: Đầu tiên, nói về tốc độ tăng trưởng ở Việt Nam, Boeing dự báo trong 5 năm tới, thị trường sẽ tăng gấp đôi và Boeing đang làm việc chặt chẽ với các hãng hàng không hiện tại, các hãng mới và các hãng tiềm năng.

Tuy nhiên, Boeing không thể tiết lộ chi tiết thông tin cụ thể về việc đàm phán với các hãng.

Đầu tư - “Thị trường hàng không ở Việt Nam vẫn còn cơ hội cho các hãng mới'

Ông Darren Hulst, Phó Chủ tịch phụ trách Marketing Thương mại tập đoàn Boeing.

PV: Boeing đánh giá thế nào về cơ hội bán máy bay cho các hãng hàng không mới tại Việt Nam?

Ông Darren Hulst: Về khía cạnh tiềm năng của thị trường, mặt nổi bật nhất có lẽ là các đường bay trong nước và các đường bay trong khu vực, đó là thị trường có tốc độ tăng trưởng cao nhất cũng như mật độ phủ của đường bay cao nhất.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều cơ hội tiềm năng cho các đường bay tầm trung và tầm xa nối Việt Nam và các nước trên thế giới.

Hiện nay, Boeing đang làm việc với các hãng hàng không tại Việt Nam để thảo luận về các khả năng để khai thác các đường bay tại khu vực quanh Việt Nam, đồng thời mở rộng mạng lưới bay tầm trung và tầm xa.

PV: Hiện nay, việc mở rộng mạng lưới bay của các hãng hàng không gặp nhiều khó khăn vì cơ sở hạ tầng hàng không đang gặp vấn đề quá tải. Ngoài cơ hội, Boeing đang gặp những khó khăn nào trong việc mở rộng thị trường tại Việt Nam?

Ông Darren Hulst: Đối với Việt Nam, Boeing có số liệu về cả khu vực và Việt Nam.

Các số liệu đó được sử dụng vào việc lên kế hoạch sản xuất, và cũng được chia sẻ với các đối tác bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chính phủ cũng như các đối tác thương mại, các hãng hàng không và các công ty trong ngành hàng không.

Qua đó, tất cả các bên hiểu được nhu cầu về ngành hàng không và sự tăng trưởng của thị trường.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa các nhu cầu này, thì không chỉ có máy bay và sản xuất, mà còn là vấn đề về hạ tầng hàng không.

Một trong những công việc cụ thể Boeing thực hiện, là hợp tác với các cơ quan quản lý trong ngành hàng không để tìm giải pháp tối ưu hóa hoạt động khai thác cơ sở hạ tầng hàng không hiện hữu, ví dụ việc tối ưu hóa khai thác sân đỗ, đường băng, nhà ga… song song với việc đầu tư mới.

Dự báo được đưa ra để giúp các nhà quản lý vạch ra kế hoạch đầu tư mới hợp lý và đồng thời tìm ra giải pháp tối ưu hóa khai thác cơ sở hạ tầng hiện có.

Boeing mong muốn được hợp tác, làm việc với tất cả các bên, bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước lẫn đối tác thương mại để tìm ra giải pháp cho các vấn đề này.

PV: Boeing dự báo trong 20 năm tới, khu vực Đông Nam Á sẽ cần 4.500 máy bay mới. Boeing có thể cung cấp con số dự kiến cho thị trường Việt Nam trong 20 năm tới?

Ông Darren Hulst: Thông thường Boeing không chia nhỏ con số dữ liệu về số máy bay dự kiến đến từng quốc gia.

Tuy nhiên, tại Đông Nam Á, Việt Nam là thị trường lớn và tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực, do đó thị phần tại Việt Nam sẽ rất đáng kể.

Tuy nhiên, có thể ước tính tương đối: hiện nay có khoảng 200 máy bay đang được khai thác tại Việt Nam, trong 5 năm tới, đội máy bay của Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi, như vậy trong 20 tới, ước tính đội máy bay của Việt Nam sẽ tăng 4 lần, tương đương với khoảng 1.000 chiếc.

Đầu tư - “Thị trường hàng không ở Việt Nam vẫn còn cơ hội cho các hãng mới' (Hình 2).

Ông Darren Hulst: “Việt Nam là thị trường lớn và tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực”.

Chưa rõ thời gian máy bay 737 MAX hoạt động trở lại

PV: Boeing có thể cung cấp thêm thông tin về việc nỗ lực đưa dòng máy bay 737 MAX (dòng máy bay gặp các sự cố nghiêm trọng thời gian qua-PV) vào khai thác trở lại?

Ông Darren Hulst: Trong vòng 4-5 tháng qua, Boeing đã thực hiện hơn 800 chuyến bay kiểm thử với các phần mềm mới, quy trình và thủ tục mới đối với máy bay 737 MAX.

Boeing cũng làm việc chặt chẽ với các cơ quan quản lý tại Mỹ cũng như trên toàn thế giới để cải thiện phần mềm điều khiển máy bay 737 cũng như thực hiện nhiều điều chỉnh để tăng cường độ an toàn cho dòng máy bay này, trong đó có một số điều chỉnh về MCAS và nhiều điều chỉnh khác.

Mới đây, Boeing cũng đã cho bay thử để chuẩn bị cho chuyến bay cấp lại chứng chỉ với FAA. Tuy nhiên, thời gian cụ thể để 737 MAX trở lại phụ thuộc vào FAA và các cơ quan quản lý khác trên thế giới.

PV: Hiện nay, cơ sở hạ tầng hàng không tại Việt Nam đang quá tải. Đây là vấn đề đặc thù của Việt Nam hay vấn đề chung của các nước trên thế giới? Sắp tới có thêm 4-5 hãng hàng không Việt Nam sẽ đi vào hoạt động, như vậy có khiến thị trường trở nên chật chội không? Có còn cơ hội cho các hãng mới không khi quá nhiều hãng cùng tham gia thị trường như vậy?

Ông Darren Hulst: Vấn đề cơ sở hạ tầng không đáp ứng kịp sự phát triển nhanh của ngành hàng không là vấn đề tất cả các nước, bao gồm đã phát triển và đang phát triển, đều gặp phải.

Boeing có thể hỗ trợ các nước và Việt Nam trên ba khía cạnh: từ các báo cáo và dự báo, Boeing có thể đưa ra các khuyến nghị về mặt đầu tư để tháo gỡ các khó khăn, trở ngại về hạ tầng; chia sẻ thông tin và kinh nghiệm để giúp tối ưu hóa khai thác hạ tầng hiện có.

Vận động chính sách theo hướng đưa ra số liệu chứng minh giá trị và khả năng đóng góp cho nền kinh tế khi đầu tư vào hạ tầng hàng không và ngành hàng không.

Vì đầu tư vào hàng không sẽ tạo ra tác động theo cấp số nhân cho nền kinh tế với nhiều việc làm mới, hỗ trợ cho ngành du lịch một cách trực tiếp và gián tiếp và tạo ra động lực chung để phát triển kinh tế.

Vào đầu những năm 1990, tại Mỹ, một số người tin rằng Mỹ hầu như không còn tiềm năng tăng trưởng với hạ tầng vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, trong 30 năm qua, Mỹ vẫn tiếp tục phát triển với việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng hàng không mới và duy trì tốc độ tăng trưởng. Điều đó có nghĩa là cơ hội luôn luôn có, đối với cả thị trường đang phát triển và phát triển.

Thị trường Châu Âu có khoảng 150 hãng hàng không hoạt động, nếu chia ra tương đối và so sánh, có thể thấy Việt Nam, là thị trường đang tăng trưởng rất nhanh với tốc độ khoảng gấp đôi tốc độ trung bình của thế giới, vẫn sẽ có nhiều đất cho thị trường tăng trưởng cũng như có cơ hội cho các hãng hàng không mới.

Con số cụ thể sẽ phải do thị trường trả lời, tuy nhiên, nếu ngành hàng không ngày càng trở nên hiệu quả, việc có thêm các hãng hàng không mới đi cùng với hoạt động cạnh tranh lành mạnh là điều tích cực cho thị trường và giúp bản thân ngành hàng không độ bền vững và phục hồi tốt hơn. Thị trường hàng không ở Việt Nam vẫn còn cơ hội cho các hãng mới.

CMO là báo cáo thường niên do Boeing thực hiện để định hình chiến lược của hãng, đồng thời giúp khách hàng của hãng nắm được những xu hướng của ngành hàng không. Trong bản dự báo năm nay, Boeing ước tính trong vòng 20 năm tới, số lượng máy bay mới được cung cấp trên toàn cầu sẽ lên đến khoảng 40.000 chiếc, tương đương với khoảng 2.200 chiếc mỗi năm.

Riêng tại Đông Nam Á, đây là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Châu Á. Tại khu vực này, Boeing ước tính nhu cầu về máy bay sẽ đạt 4.500 chiếc. Chiếm phần lớn trong số máy bay này sẽ là loại máy bay một lối đi. Song song với nhu cầu lớn về số lượng máy bay, nhu cầu về các dịch vụ liên quan để hỗ trợ sự tăng trưởng của các đội máy bay cũng sẽ rất lớn.

Tại thị trường Việt Nam, báo cáo thường niên của Boeing  cũng cho thấy, trong 5 năm qua, số lượng hành khách tăng gấp 3 lần, số lượng hàng hóa tăng gấp 2 lần, và đội máy bay được khai thác tăng gấp 2 lần. Đáng chú ý, 10 năm trước, Việt Nam có 31 đường bay thẳng nội địa và hiện nay con số này đã tăng gần gấp 2 lần. Số lượng các chuyến bay thẳng giữa các thành phố đã tăng 3,5 lần trong vòng 10 năm qua. Tại 3-4 thị trường lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, có khoảng 30 chuyến bay khứ hồi mỗi ngày. Sự tăng trưởng của thị trường hàng không nội địa của Việt Nam được đánh giá là cực kỳ ấn tượng.

NHÓM PV

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.