Giá lúa ổn định so với tuần trước
Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Sóc Trăng, giá lúa vẫn giữ nguyên, cụ thể: ST 24 có giá là 8.500 đồng/kg, Đài thơm 8 là 6.900 đồng/kg; OM 5451 là 6.800 đồng/kg.
Tại Bến Tre, giá lúa lại không có sự thay đổi, như: IR 50404 là5.800 đồng/kg; OM4218 là 5.900 đồng/kg; OM 6976 là 5.900 đồng/kg.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương vẫn có giá lúa ở mức ổn định so với tuần trước. Như tại Cần Thơ, lúa Jasmine ở mức 7.100 đồng/kg, IR 50404 là 6.400 đồng/kg, riêng OM 4218 là 6.700 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, hầu hết các loại lúa trên địa bàn tỉnh có sự ổn định so với tuần trước như: IR 50404 ở mức từ 5.400-5.500 đồng/kg, lúa Nhật từ 8.000-8.500 đồng/kg, Nàng Hoa 9 từ 5.800-6.000 đồng/kg, riêng OM 5451 từ 5.600-5.700 đồng/kg; Đài thơm tám từ 5.700-5.800 đồng/kg; riêng OM 18 từ 5.700-5.800 đồng/kg; tăng 100 đồng/kg.
Về giá các loại gạo ở An Giang cũng không có sự biến động: Hương lài 19.000 đồng/kg, Sóc Thái 18.000 đồng/kg, gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg, Nàng Hoa 17.500 đồng/kg, gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài 18.000-19.000 đồng/kg; Jasmine từ 15.000-16.000 đồng/kg; gạo thường 11.500-12.500 đồng/kg.
Tuy nhiên, riêng tại Hậu Giang nhiều loại lúa lại có giảm giá. Điển hình như: giá lúa IR 50404 là 6.400 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; OM 18 là 7.000 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; RVT là 8.700 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg so với tuần trước.
Hướng đến sản xuất lúa gạo bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, các mô hình sản xuất lúa hữu cơ, hay lúa-tôm đang được nhiều địa phương nhân rộng. Theo thống kê của các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đa số giống lúa được sử dụng sản xuất trên cánh đồng lúa-tôm đều là giống lúa chất lượng cao; trong đó, giống lúa ST24, ST25 chiếm tỷ lệ cao.
Hay tại Quảng Trị, Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị, Trung tâm Khuyến nông và UBND huyện Hải Lăng phối hợp với Hợp tác xã Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng triển khai hiệu quả mô hình lúa hữu cơ và đã mở ra một hướng đi mới bền vững đối với người dân nơi đây.
Như vụ Đông Xuân 2021-2022, mô hình lúa hữu cơ gặp nhiều bất lợi bởi thời tiết khi gặp phải đợt mưa lũ bất thường đầu vào tháng 4 vừa qua đã khiến năng suất lúa chịu nhiều thiệt hại. Tuy nhiên, sản lượng lúa vẫn đạt 65-70 tạ lúa/ha, giá lúa tươi thu mua tại ruộng đạt 11.000 đồng/kg, trong khi đó lúa sản xuất thông thường chỉ đạt từ 6.000-6.200 đồng/kg, sau khi trừ chi phí người dân thu lãi trên 30 triệu đồng/ha.
Về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm của Việt Nam không đổi, được chào bán ở mức từ 415-420 USD/tấn. Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nguồn cung trong nước vẫn thấp, trong khi hoạt động giao dịch trầm lắng.
Số liệu sơ bộ cho thấy có 306.870 tấn gạo được tập kết tại cảng Sài Gòn từ ngày 1/5 đến ngày 24/5, với phần lớn được chuyển tới Philippines, châu Phi và Cuba.
Giá tiêu tuần này giảm 500 - 1.000 đồng/kg
Giá tiêu hôm nay 22/5 tại thị trường trong nước duy trì ổn định so với hôm qua.
Hiện, giá hồ tiêu hôm nay tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông đang thu mua ở mức 73.500 đ/kg; đi ngang so với hôm qua.
Giá tiêu Gia Lai hôm nay 22/5 không đổi; giao dịch ở mức 72.000 đ/kg;
Giá tiêu tại Đồng Nai hôm nay ở mức 72.500 đ/kg; duy trì mức giao dịch hôm qua;
Giá tiêu hôm nay tại Bà Rịa - Vũng Tàu duy trì ổn định ở mức 75.500 đ/kg - mức thu mua hồ tiêu cao nhất cả nước hôm nay.
Còn tại Bình Phước, giá tiêu hôm nay 22/5 giao dịch ở ngưỡng 74.000 đ/kg, không đổi so với hôm qua.
Tổng kết tuần này, giá hồ tiêu mất 500 - 1.000 đồng tùy từng địa phương.
Thị trường hồ tiêu đang chứng kiến cung nhiều hơn cầu. Các thương lái trả giá thấp hơn giá tham khảo trên mạng nhằm kéo thị trường đi xuống. Trong khi nông dân vẫn tâm lý găm hàng, còn các nhà xuất khẩu đã đủ hàng cho tháng sau.
Tuần trước, giá tiêu mất 3.500 đồng/kg tại các tỉnh Tây Nguyên, giảm 3.000 đồng/kg ở vùng Đông Nam Bộ. Trong tuần này Cộng đồng Hồ tiêu thế giới đã niêm yết giá tiêu đen và tiêu trắng xuất khẩu của Việt Nam giảm đồng loạt 50 USD/tấn, tương ứng với 4.100 USD/tấn tiêu đen loại 550g/l và 5.900 USD/tấn với tiêu trắng.
Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế nhận định, thị trường tiếp tục diễn biến khá tiêu cực, không có nơi nào được báo cáo tăng. Giá tiêu Ấn Độ vẫn âm kể từ tuần trước. Ở Đông Nam Á, do đồng Rupiah của Indonesia suy yếu so với Đô la Mỹ, ghi nhận mức giảm giá 1%, nên giá tiêu của Indonesia đã phản ứng tiêu cực trong tuần này.
Xuất khẩu hồ tiêu những tháng vừa qua có phần sụt giảm do lạm phát toàn cầu gia tăng vượt mức, trong bối cảnh Trung Quốc thắt chặt các cửa khẩu biên giới ở phía Bắc vì dịch bệnh Covid-19 lây lan.
Điều này khiến xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường tiêu thụ lớn này cũng bị đình trệ. Kỳ vọng các hoạt động xuất nhập khẩu sẽ sớm bình thường trở lại để Việt Nam tiếp tục giữ được vị thế của nhà sản xuất và xuất khẩu hạt tiêu hàng đầu thế giới.
Giá cà phê trong nước đồng loạt tăng 400 đồng/kg
Giá cà phê hôm nay 22/5 tại thị trường trong nước đi ngang so với hôm qua.'
Cụ thể, tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 40.600 đồng/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Lâm Hà (Lâm Đồng) giá cà phê ở mức 40.500 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay ở mức 41.200 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (ĐắkLắk), Buôn Hồ (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 41.100 đồng/kg.
Tại Pleiku (Gia Lai), La Grai (Gia Lai), giá cà phê hôm nay đang ở mức 41.100 đồng/kg. Còn tại huyện Chư Prông (Gia Lai) được thu mua với mức thấp hơn 41.000 đồng/kg.
Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp (Đắk Nông), giá cà phê được thu mua với mức tương ứng 41.100 đồng/kg, 41.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Kon Tum giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 41.100 đồng/kg.
Như vậy, giá cà phê hôm nay đang dao động trong khoảng từ 40.500 - 41.200 đồng/kg. Tổng kết tuần qua, giá cà phê trong nước đồng loạt tăng 400 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 7/2022 được ghi nhận tại mức 2.056 USD/tấn. Giá cà phê arabica giao tháng 7/2022 tại New York đạt mức 215,85 US cent/pound.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence, thị trường cà phê Trung Quốc được dự báo tăng trưởng trung bình 10,42%/năm trong giai đoạn 2022 - 2027.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Cà phê Trung Quốc (CCAB), tiêu thụ cà phê tại nước này đang tăng với tốc độ trung bình hàng năm là 15%. Mặc dù Trung Quốc là nước gánh chịu hậu quả đáng kể từ đại dịch Covid-19 nhưng điều này không làm giảm nhu cầu tiêu thụ cà phê của người tiêu dùng.
Tuệ Minh (tổng hợp)