Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Sóc Trăng, một số loại lúa giá có sự tăng nhẹ trở lại như: ST 24 có giá 8.500 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; Đài Thơm 8 là 6.900 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; OM 5451 là 6.800 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.
Tại Hậu Giang, giá lúa cũng có sự tăng ở một số loại như: IR 50404 là 6.600 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; OM 18 là 7.100 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg; riêng RVT giữ ổn định 8.200 đồng/kg.
Tuy nhiên, tại Bến Tre, nhiều loại lúa có sự giảm giá như: IR 50404 còn 5.600 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; OM4218 là 5.700 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; OM 6976 là 5.700 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg và OM 5451 cũng có mức giảm tương tự còn 5.600 đồng/kg.
Giá lúa tại Cần Thơ vẫn có sự ổn định, như: lúa Jasmine ở mức 7.100 đồng/kg, OM 4218 là 6.700 đồng/kg, IR 50404 là 6.400 đồng/kg.
Giá một số loại lúa tại Đồng Tháp ghi nhận sự ổn định như: IR 50404 là 6.500 đồng/kg, OM 6976 là 6.500 đồng/kg.
Theo Báo Tin tức, mới đây, Công ty Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời (Tập đoàn Lộc Trời) đã có văn bản đề nghị UBND huyện Phú Tân (An Giang) hỗ trợ trong việc xây dựng vùng nguyên liệu nếp chất lượng cao tại huyện Phú Tân.
Cụ thể, hỗ trợ trong việc chọn địa điểm có thổ nhưỡng phù hợp để trồng nếp với tổng diện tích dự kiến 10.000 ha, canh tác theo tiêu chuẩn chất lượng cao đi châu Âu (EU).
Công ty sẽ cung ứng nguồn nhân lực để triển khai mô hình sản xuất phù hợp với định hướng và mục tiêu; cung ứng toàn bộ vật tư nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp phục vụ cho hoạt động liên kết sản xuất xây dựng vùng nguyên liệu; hỗ trợ, hướng dẫn quy trình sản xuất, quy trình kỹ thuật canh tác nếp theo tiêu chuẩn chất lượng cao đi châu Âu cho nông dân, hợp tác xã.
Công ty cũng đầu tư 250 tỷ đồng vốn xoay vòng cho vùng nguyên liệu tại huyện Phú Tân năm 2022 nhằm đảm bảo mức lợi nhuận tối thiểu 10 triệu đồng/ha/vụ cho từng nông dân tham gia các mô hình sản xuất.
Trong tuần qua, mưa lớn kèm theo giông lốc trên diện rộng đã ảnh hưởng nặng nề tới sản xuất nông nghiệp, nhất là lúa hè thu đang thời điểm thu hoạch ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Điển hình tại tỉnh Kiên Giang, diện tích lúa hè thu 2022 toàn tỉnh gieo sạ được 279.562 ha, đến nay đã thu hoạch được 73.354 ha, diện tích còn lại phần lớn đang trong giai đoạn đòng - trổ và trổ - chín. Ngoài ra, diện tích lúa thu đông 2022 đã xuống giống được gần 50.000 ha. Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang đã chủ động, tăng cường mở các cống trên địa bàn tỉnh để tiêu thoát nước, chống ngập úng tại những khu vực trũng thấp.
Về xuất khẩu, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức từ 415 - 420 USD/tấn, không thay đổi so với tuần trước.
Cùng với đó, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ không biến động trong tuần này, do lo ngại về sản lượng trong nước, giữa bối cảnh lượng mưa thấp đã ngăn cản các nhà xuất khẩu giảm giá chào mua ngũ cốc, bất chấp đồng rupee lao dốc.
Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ, nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, bán ra ở mức từ 361 - 366 USD/tấn, không thay đổi so với tuần trước đó.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Ấn Độ, nông dân Ấn Độ đã trồng 7,2 triệu ha lúa trong mùa vụ này, giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái do lượng mưa thấp ở các khu vực trồng trọt chính.
Trong khi đó, giá gạo nội địa ở nước láng giềng Bangladesh vẫn tăng cao bất chấp một loạt biện pháp từ chính phủ, bao gồm cắt giảm thuế nhập khẩu. Gần đây, Bangladesh, vốn là nhà sản xuất gạo lớn thứ ba trên thế giới, lại thường nhập khẩu gạo để ứng phó với tình trạng thiếu hụt do thiên tai gây ra.
Còn giá gạo xuất khẩu của Thái Lan ổn định, với loại 5% tấm được bán ở mức khoảng 420 USD/tấn.
Về thị trường nông sản Mỹ, phiên giao dịch cuối tuần ngày 15/7, thị trường nông sản Mỹ biến động trái chiều. Trong khi giá ngô và đậu tương đi lên thì giá lúa mỳ lại giảm.
Kết thúc phiên này, tại sàn giao dịch hàng hóa Chicago (Mỹ), giá ngô giao tháng 12/2022 tăng 2,75 xu Mỹ (0,46%), lên 6,0375 USD/bushel. Giá đậu tương giao tháng 11/2022 cũng tăng 1,25 xu Mỹ (0,09%), lên 13,4225 USD/bushel. Còn giá lúa mỳ giao tháng 9/2022 lại giảm 18,25 xu Mỹ (2,3%), xuống 7,7675 USD/bushel (1 bushel lúa mì/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Giá lúa mì đi xuống do Nga sẵn sàng ký kết hiệp ước hành lang xuất khẩu. Khối lượng giao dịch khiêm tốn khi các nhà giao dịch thận trọng trước những biến động thất thường của thị trường.
Dự báo thời tiết sẽ có nắng nóng khắc nghiệt bao trùm vùng Đồng bằng và Đông Trung Tây nước Mỹ vào cuối tháng Bảy này. Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago cho rằng, nắng nóng hạn hán sẽ ảnh hưởng đến sản lượng ngô và đậu tương.
Bộ Nông nghiệp Mỹ xác nhận rằng Trung Quốc đã đặt 2 lô hàng ngô của Mỹ, cụ thể là 133.000 tấn, cho năm tài khóa 2022-2023. Trong khi đó, Brazil không có ngô để nhập khẩu cho đến năm 2023 kể từ lần gieo hạt tiếp theo. Do vậy, Mỹ sẽ “bao thầu” được hầu hết nhu cầu ngô.
Hiệp hội các nhà chế biến hạt có dầu quốc gia Mỹ (NOPA) báo cáo, lượng đậu tương nghiền của nước này trong tháng 6/2022 ở mức 164,8 triệu bushel, giảm 6,3 triệu bushel so với tháng 5/2022, nhưng tăng 12,3 triệu bushel so với cùng kỳ năm ngoái. Dự trữ dầu đậu tương của Mỹ giảm xuống còn 1,767 tỷ pound (1 pound/lb = 0,4535 kg), mức ít nhất kể từ tháng 9/2022. Nhu cầu nhiên liệu sinh học từ dầu đậu tương của Mỹ vẫn cao đẩy lợi nhuận từ mặt hàng này tăng cao.
Việc mở cửa một phần các cảng ở Biển Đen sẽ cho phép xuất khẩu lúa mì của Ukraine tăng từ 10 triệu tấn lên 12,5 triệu tấn và xuất khẩu ngô tăng từ 9 triệu tấn lên 13,5 - 14,0 triệu tấn.
Về thị trường cà phê thế giới, trên thị trường thế giới, giá cà phê biến động trái chiều. Theo đó, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 9/2022 được ghi nhận tại mức 1.923 USD/tấn sau khi giảm 0,36% (tương đương 7 USD). Còn giá cà phê Arabica giao tháng 9/2022 tại New York đạt mức 199,8 xu/lb, tăng 2,3% (tương đương 4,5 xu Mỹ).
Đồng USD sụt giảm đã hỗ trợ hầu hết các hàng hóa lấy lại phần nào thua lỗ của phiên trước đó sau khi quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trấn an các nhà đầu tư đã suy đoán quá mức mà chưa nghĩ đến tính chất “hai mặt” của việc nâng lãi suất cơ bản và thắt chặt kinh tế trở lại của hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới hiện nay.
Trong khi báo cáo tồn kho Arabica trên sàn ICE - New York giảm xuống mức thấp 23 năm và Cecafé - Brazil báo cáo xuất khẩu tháng 6/2022 chỉ tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ năm trước đã hỗ trợ giá cà phê Arabica đảo chiều hồi phục. Trái lại, giá cà phê xuất khẩu từ các nhà sản xuất Robusta chính vẫn duy trì ổn định với mức chênh lệch trừ đáng kể trong khoảng 100 - 120 USD/tấn so với giá giao kỳ hạn tại London do những vấn đề về logistics vẫn chưa được thông suốt.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 6/2022, Việt Nam xuất khẩu cà phê đạt 137.400 tấn, trị giá 315,34 triệu USD, giảm 3,5% về lượng và giảm 2,8% về trị giá so với tháng 5/2022, so với tháng 6/2021 tăng 7,3% về lượng và tăng 26,9% về trị giá. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt xấp xỉ 1,02 triệu tấn, trị giá 2,3 tỷ USD, tăng 20,7% về lượng và tăng 48,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Còn nhiều dư địa gạo Việt tại nước Anh
Theo Thương vụ Việt Nam tại Anh, trong năm 2020, khối lượng gạo nhập khẩu vào Anh đã tăng thêm 13,5% từ 671.601 tấn (năm 2019) lên 762.526 tấn. Trong đó, gạo nhập từ Việt Nam tăng từ 1.296 tấn (trị giá 1.295.000 USD) lên 3.396 tấn (trị giá 2.670.000 USD) trong cùng thời gian. Như vậy, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Anh năm 2020 đã tăng ngoạn mục 116% về lượng và 106% về trị giá so với năm 2019.
Tuy nhiên, khối lượng gạo nhập khẩu vào Anh trong năm 2021 đột nhiên giảm 15% từ 762.526 tấn (2020) xuống còn 651.803 tấn. Trị giá tương ứng giảm 8% từ khoảng 520,6 triệu USD xuống 574,7 triệu USD (ICT Statistic).
Không chỉ với Việt Nam mà nguồn cung từ Đông Nam Á có hiện tượng giảm rất mạnh. Trong đó, gạo từ Thái Lan giảm 43%, Myanmar giảm 63%, Campuchia giảm 51%. Số lượng gạo nhập từ Việt Nam giảm 20% từ 3.396 tấn xuống còn 2.731 tấn.
Số lượng nhập khẩu gạo giảm, song giá trị xuất khẩu gạo lại tăng. Giá trị nhập khẩu gạo của Anh năm 2021 đạt 2.764.000 USD, tăng 4% so năm 2020 nhờ đơn giá tăng. Trong số các nước Đông Nam Á xuất khẩu gạo sang Anh, Việt Nam có đơn giá bình quân cao nhất (1.012 USD/tấn), trong khi đơn giá bình quân gạo Thái Lan, Campuchia và Myanmar lần lượt là 999, 991 và 502 USD/tấn.
Theo Công thương, đối với tiêu chuẩn gạo ngon tại Anh, mặc dù không có khái niệm nhất quán về gạo ngon vì mỗi loại gạo đều gắn với thị hiếu tiêu dùng của từng cộng đồng sắc tộc. Nhưng thị trường Anh có một số tiêu chuẩn chung cho gạo ngon như hạt gạo có chiều dài từ 7mm trở lên; hạt gạo có hàm lượng đạm khoảng 10-11%; hạt gạo khi nấu thành cơm phải dẻo, mềm, không dính và thơm. Ngoài ra, gạo phải sạch và không có tồn dư hóa chất hay chất bảo quản.
Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại thị trường Anh, gạo Việt Nam ở Anh chủ yếu được bán cho cộng đồng người Việt Nam và một phần cộng đồng người Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Philippines.
Các thương hiệu gạo Việt Nam phổ biến tại Anh là Golden Lotus Premium Jasmine Rice, Longdan Rice và Buffalo Saigon Fragrant Rice (bán tại Longdan supermarket); Buffalo Brand Northern Vietnam Glutinous Rice (bán tại Tradewind).
Thương vụ Việt Nam tại thị trường Anh khuyến nghị, Việt Nam hiện đứng thứ 15 trong các nước xuất khẩu gạo sang Anh với thị phần chỉ có 0,42%. Dư địa cho gạo Việt Nam tại Anh còn có thể mở rộng nhờ cộng đồng gốc Việt Nam 100.000 người và nhờ Quy chế hạn ngạch thuế quan trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Anh (UKVFTA). Tuy nhiên, để biến tiềm năng này thành hiện thực thì người trồng lúa và doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần áp dụng triệt để trên diện rộng Global G.A.P đồng thời đẩy mạnh sản xuất gạo thơm chất lượng cao. Cục trồng trọt, Cục bảo vệ thực vật và Chính quyền các địa phương có diện tích đất trồng lúa lớn cần triển khai các Chương trình hỗ trợ nông dân về giống lúa, vật tư nông nghiệp an toàn, xay xát và bảo quản lúa gạo trước khi xuất khẩu.
Hương Anh (tổng hợp)