Ngày 6/3, báo TTXVN/Vietnam+ đưa tin, số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy trong tuần qua, giá lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có xu hướng chững lại, không còn sự tăng giá tốt như tuần trước đó.
Cụ thể, lúa thường tại ruộng cao nhất là 5.600 đồng/kg, giá bình quân là 5.429 đồng/kg, tăng 18 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cao nhất 6.950 đồng/kg, trung bình là 6.420 đồng/kg, tăng 20 đồng/kg.
Giá các mặt hàng gạo cũng không có biến động mạnh. Giá gạo 5% tấm có giá cao nhất 9.450 đồng/kg, giá bình quân 9.177 đồng/kg, giảm 7 đồng/kg. Gạo 15% tấm vẫn ổn định với giá cao nhất 9.250 đồng/kg, giá bình quân 8.933 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 9.050 đồng/kg, giá bình quân 8.642 đồng/kg, tăng 8 đồng/kg. Riêng gạo xát trắng loại 1 có giá trung bình là 9.133 đồng/kg, giảm 50 đồng/kg.
Tại An Giang, nhiều loại lúa vẫn giữ ổn định so với tuần trước. Cụ thể: OM 18 là 5.800-5.850 đồng/kg; OM 5451 từ 5.500-5.700 đồng/kg; riêng IR 50404 ở mức từ 5.200-5.300 đồng/kg và Đài thơm tám từ 5.600-5.800 đồng/kg là giảm 100 đồng/kg.
Về giá các loại gạo ở An Giang cũng không có sự biến động: Hương lài 19.000 đồng/kg, sóc Thái 18.000 đồng/kg, gạo nàng nhen 20.000 đồng/kg, nàng hoa 17.500 đồng/kg, gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài 18.000-19.000 đồng/kg; riêng gạo Jasmine từ 15.000-16.000 đồng/kg; gạo thường từ 11.000-12.000 đồng/kg.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện ở Nam bB, lúa Đông Xuân 2021-2022 đã thu hoạch 378.239 ha,chiếm 31,51% diện tích gieo cấy. Một số địa phương đã gieo cấy lúa vụ Hè Thu với diện tích đã xuống giống 60.281ha, phổ biến ở giai đoạn mạ.
Với những khu vực có nguy cơ hạn mặn, tỉnh Tiền Giang đang chỉ đạo các địa phương khẩn trương thu hoạch dứt điểm toàn bộ diện tích lúa Đông Xuân còn lại đảm bảo ăn chắc, không để thiên tai hạn-mặn gây hại.
Hiện nay, bà con đã thu hoạch đầu vụ được gần 20.000ha, năng suất bình quân 71 tạ/ha, cao hơn kế hoạch 0,2 tạ/ha. Ước tính, với năng suất này, vụ Đông Xuân 2021-2022, Tiền Giang đạt sản lượng gần 350.000 tấn lúa hàng hóa.
Tại Kiên Giang, nông dân đang bước vào thu hoạch chính vụ. Hiện tại, giá lúa giảm thấp so với vụ Mùa năm trước khiến cho nông dân kém vui vì lợi nhuận thấp sau khi trừ đi các khoản chi phí sản xuất.
Trong khi đó, trong tuần qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng nhờ các tuyến giao thương với Trung Quốc mở lại, cùng với một số thương nhân cho rằng nhiều người có nhu cầu tìm kiếm nguồn hàng thay thế do cuộc khủng hoảng Ukraine.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam được giao dịch ở mức 400 USD/tấn trong phiên 3/3, so với mức từ 395-400 USD/tấn trong tuần trước đó.
Bên cạnh đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng nhẹ lên từ 400-403 USD/tấn so với mức 400 USD/tấn trong tuần trước, cũng một phần do sự biến động trên thị trường tiền tệ khi đồng baht được giao dịch ở mức 32,60 baht/USD phiên 3/3.
Nhu cầu gạo từ nước xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ đã cải thiện, song giá gạo đồ 5% tấm của nước này không đổi ở mức từ 370-376 USD/tấn do đồng rupee suy yếu.
Trong khi đó, giá gạo trong nước của Bangladesh vẫn ở mức cao, dù cho lượng dự trữ tốt.
Chi phí vận chuyển đã tăng nhẹ do cuộc khủng hoảng Ukraine, khiến chi phí nhập khẩu ngũ cốc lớn hơn.
Về thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản tại sàn giao dịch Chicago (Mỹ) tăng giảm trái chiều trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 4/3; trong đó giá ngô và lúa mì tăng, còn giá đậu tương giảm.
Cụ thể, chốt phiên này, giá ngô giao tháng 5/2022 tăng 6,5 xu Mỹ (0,87%) lên 7,5425 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 7/2022 tăng 59 xu Mỹ (5,29%) lên 11,7525 USD/bushel. Trong khi đó, giá đậu tương giao tháng 5/2022 mất 7,25 xu Mỹ (0,43%) xuống 16,605 USD/bushel. (1 bushel lúa mì/đậu tương = 27,2kg; 1 bushel ngô = 25,4kg).
Công ty nghiên cứu hàng hóa AgResource tại Chicago nhận thấy xu hướng tăng giá sẽ còn kéo dài trong dài hạn, song vẫn cần thận trọng do thị trường biến động mạnh, mức độ biến động quyền chọn cao và yêu cầu ký quỹ ngày càng tăng.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông báo khoảng 106.000 tấn đậu tương đã được bán sang Trung Quốc, 108.860 tấn bán sang Mexico và 125.000 tấn đến một điểm đến không xác định. Toàn số số lượng hàng bán ra đều từ niên vụ 2021-2022.
Về thị trường cà phê thế giới, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe-London đảo chiều hồi phục. Giá cà phê Robusta giao ngay tháng 5/2022 tăng 25 USD, lên 2.038 USD/tấn, còn giao tháng 7/2022 tăng 22 USD, lên 2.013 USD/tấn. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Giá cà phê Arabica trên sàn ICE US-New York cùng xu hướng hồi phục. Giá cà phê Arabica giao ngay tháng 5/2022 tăng 1,35 xu Mỹ, lên 224,25 xu Mỹ/lb, còn giao tháng 7/2022 tăng 1,35 xu Mỹ, lên 223 xu Mỹ/lb (1 lb = 0,4535 kg). Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 400-500 đồng, lên dao động trong khung 38.400-39.000 đồng/kg.
Giá cà phê trên cả hai sàn kỳ hạn thế giới vừa có phiên hồi phục cuối tuần như đã dự đoán cùng với các sàn hàng hóa nông sản nói chung. Trong khi giá vàng, giá dầu thô tiếp nối đà tăng nóng và chứng khoán Mỹ tiếp tục sụt giảm do lo ngại về cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine chưa hề dịu bớt, cho dù đã có những vòng đàm phán đã diễn ra.
Chính phủ Brazil đã báo cáo xuất khẩu cà phê nhân trong tháng 2/2022 tăng 290.200 bao, tăng 9,11% so với cùng kỳ năm 2021, lên đạt 3.475.183 bao.
Theo giới quan sát, số lượng cà phê nhân xuất khẩu trong tháng 2/2022 là kết quả của vụ mùa năm 2021 cho sản lượng thấp theo chu kỳ "hai năm một" của Brazil và xuất khẩu tăng là do giá cả tại thị trường nội địa được cải thiện rất đáng kể.
Trong khi đó, Liên đoàn Cà Phê Quốc gia (FNC) ở Colombia báo cáo xuất khẩu cà phê trong tháng 2/2022 đã giảm 295.000 bao, tức giảm 23,14% so với cùng kỳ năm trước, xuống chỉ đạt 928.000 bao, đưa tổng khối lượng xuất khẩu lũy kế trong 5 tháng đầu niên vụ cà phê hiện tại 2021/2022 đạt tổng cộng 5.341.000 bao, giảm 627.000 bao, giảm 10,51% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với nhiều thách thức
Theo thông tin từ báo Nông Nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nông nghiệp Việt Nam, trong đó có ĐBSCL đang đối mặt những thách thức lớn như: biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng trên thế giới.
“Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong dịch bệnh Covid-19 và những sự kiện thời sự gần đây là minh chứng rõ nét về một thế giới đầy rẫy “biến động, bất định, phức tạp và có phần mơ hồ”, ông Hoan nhấn mạnh và cho rằng, có một thách thức còn lớn hơn, đó là một nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, thiếu tính liên kết vùng.
Thách thức nêu trên, theo ông Hoan, như một lời nguyền, nếu không vượt qua được, thì sẽ khó tạo ra sự phát triển nhanh về chất, và nông sản phải luôn đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, với sự thay đổi nhanh chóng, khó lường của xu thế toàn cầu, vừa mở ra nhiều cơ hội nhờ các hiệp định thương mại vừa có xu thế bảo hộ mậu dịch và chiến lược tự chủ lương thực của nhiều quốc gia.
ĐBSCL đang đứng trước lựa chọn chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học bị suy thoái sau thời gian dài lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đặt ra thách thức lớn với định hướng tiến đến một nền nông nghiệp xanh. Tư duy theo mùa vụ của người nông dân, tầm nhìn theo thương vụ của doanh nghiệp vô tình gây trở ngại cho mục tiêu liên kết bền vững giữa sản xuất và tiêu thụ. Vùng nguyên liệu cây ăn trái, thủy sản, lúa gạo tương đồng, phân tán khiến công tác quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại nông sản gặp nhiều khó khăn.
“Những vấn đề nội tại cho thấy, dù hạ tầng được đầu tư như thế nào, nhưng nếu không giải quyết thỏa đáng những nút thắt vừa nêu, thì cũng khó và chậm cải thiện được tình hình mất cân đối cung cầu”, ông Hoan nhấn mạnh và cho rằng, chặng đường hướng tới thị trường chất lượng cao, tạo ra giá trị gia tăng cao và tăng thêm thu nhập cho người nông dân càng thêm xa.
Hương Anh (tổng hợp)