Điệp khúc… giảm giá
Giảm giá có lẽ là từ khóa “hot” nhất hiện nay của thị trường ô tô Việt Nam. Gần như tất cả các hãng xe đều buộc phải tung chiêu giảm giá để kích cầu người tiêu dùng, bởi càng về cuối năm, thị trường càng ảm đạm do người tiêu dùng đang mong chờ cái gọi là “xe giá rẻ” vào năm 2018. Khi đó, mức thuế nhập khẩu ưu đãi 0% cho những xe có tỉ lệ linh kiện các nước ASEAN từ 40% có hiệu lực, sẽ tác động đến giá xe nhập khẩu từ khu vực này.
Dù cái gọi là xe giá rẻ rất mông lung, nhưng giấc mơ sở hữu một chiếc ô tô của người Việt phù hợp với thu nhập vẫn luôn được nung nấu. Niềm tin vào xe giá rẻ càng được củng cố bởi chính những đợt giảm giá gây sốc trong thời gian qua trên thị trường.
Cuộc đua giảm giá được châm ngòi bởi Trường Hải với “con át chủ bài” Mazda CX-5. Mẫu xe này được xem là “vua giảm giá” bởi kể từ khi ra mắt đến nay, mẫu xe này đã giảm khoảng 200 triệu đồng, từ mức trên 1,1 tỷ đồng cho bản tiêu chuẩn xuống chỉ còn dưới 800 triệu đồng cho bản thấp nhất và 900 triệu đồng bản cao nhất, đó là chưa kể “vô thiên lủng” các quà tặng đi kèm. Đây là mức giá thấp nhất của CX-5 trong lịch sử.
Tuy nhiên, danh hiệu “vua giảm giá” của CX-5 đã nhanh chóng bị lật đổ một cách ngoạn mục bởi chính đối thủ CR-V đến từ hãng xe Nhật Bản Honda. Trước đây, Honda CR-V có 3 phiên bản 2.0 AT, 2.4 AT và 2.4 AT TG với giá đề xuất từ 1,008-1,178 tỷ đồng. Ngày 8/8/2017, Honda đã ra một cú sốc lớn cho thị trường xe Việt khi công bố giá mới cho CR-V chỉ còn từ 898-1.028 triệu đồng, tức là mức giá giảm lên tới từ 110-150 triệu đồng chỉ trong thời gian ngắn. Tương tự như vậy, Honda cũng giảm giá mạnh cho mẫu xe Accord với mức giảm lên đến 192 triệu đồng, từ 1,390 tỷ đồng xuống 1,198 tỷ đồng. Giá bán thực tế của các mẫu xe này còn giảm nhiều hơn nữa tại các đại lý của Honda.
Ngay cả Toyota, hãng xe chiếm phần lớn thị phần xe hơi tại Việt Nam cũng phải giảm giá một số mẫu xe để cạnh tranh doanh số. Khách hàng mua xe Innova hoặc Vios hiện sẽ được nhận gói hỗ trợ chi phí thuế trước bạ 15 và 30 triệu đồng. Ngoài ra, giá bán tối thiểu của hai mẫu xe này cũng được hạ thấp hơn trước để có thể nâng cao doanh số.
Các hãng xe còn lại như Ford, Nissan, Chevrolet, KIA, Hyundai đều có chương trình khuyến mãi của riêng mình, không nhiều vài trăm triệu đồng thì cũng vài chục triệu đồng hoặc đi kèm các quà tặng “khủng”.
Đơn cử như mức giá giảm của các mẫu xe Ford ghi nhận tại đại lý kể từ đầu tháng 9/2017 đã giảm khoảng 20 - 75 triệu đồng so với trước. Giá bán thực tế của hầu hết sản phẩm ô tô Ford ở một số đại lý hiện nay đều được điều chỉnh lại thấp hơn trước. Chỉ có duy nhất mẫu crossover SUV cỡ lớn Explorer là vẫn giữ nguyên giá 2,18 tỷ đồng.
Khi giảm giá trở thành chiêu thức cuối cùng
Có rất nhiều lý do của việc các hãng xe đua nhau giảm giá. Như trường hợp của Mazda CX-5, Trường Hải buộc phải giảm giá để đẩy mạnh doanh số nội địa ở ngưỡng 1.000 xe mỗi tháng nhằm đáp ứng kế hoạch xuất khẩu ngược ra các nước trong khu vực vào 2018.
Với CR-V và Accord của Honda, hai mẫu xe này đang ở cuối dòng đời và sắp ra mắt thế hệ mới. Vì vậy, hãng phải đẩy bớt số xe tồn đọng trong thế cờ càng sớm càng tốt.
Các hãng xe khác như Ford, Nissan, Chevrolet, KIA, Hyundai cũng chỉ còn cửa duy nhất đều buộc phải giảm giá để kích cầu người tiêu dùng, một phần trước sức ép giảm giá của đối thủ, một phần từ chính thị trường đang có chiều hướng đi xuống bởi đa số người tiêu dùng đều đang hoãn lại kế hoạch mua xe để “nghe ngóng” tình hình giá xe vào đầu năm 2018 với hy vọng “rẻ hơn chút nào hay chút ấy”.
Đây cũng chính là mặt tiêu cực của việc các hãng xe đua nhau giảm giá khiến người dùng không tin vào mức giá của hiện tại đã là thấp nhất. Vì trước đó, hãng luôn giảm giá tháng sau thấp hơn tháng trước nên người mua chưa có nhu cầu cấp thiết vẫn sẽ cứ chờ. Điều này giống như lời Giám đốc bán hàng của một hãng xe thuộc Top 5 tại Việt Nam từng chia sẻ: "Cạnh tranh bằng giá là cạnh tranh kinh điển, dễ làm, dễ đạt mục đích nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro cao. Khi bạn chọn nó đồng nghĩa không có đường lùi”.
Đăng Khoa