Tại Hội thảo “Ngành IoT/smarthome Việt Nam” diễn ra ngày 27/4, Công ty cổ phần Lumi Việt Nam đã công bố Báo cáo Vietnam Smarthome Report 2022.
Giai đoạn "nóng" của thị trường
Số lượng nhà thông minh trên toàn thế giới 2021 là 258,54 triệu nhà và tỷ lệ sử dụng nhà thông minh là 12,2%. Có thể thấy ứng dụng IoT trong nhà thông minh đang là ứng dụng phổ biến nhất và mang về doanh thủ khổng lồ cho các công ty mỗi năm.
Trình bày về Báo cáo, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Lumi Vietnam cho biết: "Đây được coi là báo cáo thị trường smarthome (nhà thông minh) chuyên sâu đầu tiên được thực hiện bởi một công ty tại Việt Nam với quy mô hơn 10.000 đáp viên khắp cả nước".
Báo cáo cho thấy số liệu đáng chú ý, ở mức độ nhận biết cơ bản, 80,5% số người tham gia khảo sát đã từng nghe tới khái niệm smarthome, tuy nhiên chỉ có 10,9% đã từng sử dụng trực tiếp.
Hiện tại, thị trường smarthome hiện đang rộng mở với rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ do nhu cầu của khách hàng ngày càng tăng cao. Đối với Việt Nam, dự báo thị trường smarthome sẽ đạt 453,8 triệu USD vào năm 2026, với tốc độ tăng trưởng 30% mỗi năm.
Sở dĩ có con số khả quan này bởi, khi được hỏi về lựa chọn giữa thương hiệu smarthome đến từ Việt Nam và nước ngoài với cùng mức giá, báo cáo cho thấy người dùng ưu tiên các sản phẩm Việt. Cụ thể, có tới 64,75% (trong hơn 10.000 đáp viên khắp cả nước) lựa chọn thương hiệu Việt và chỉ 35,25% lựa chọn thương hiệu nước ngoài.
Do đó, môi trường kinh doanh ngành smarthome tại Việt Nam cũng đang trong giai đoạn "nóng". Tuy nhiên, cạnh tranh không chỉ giữa các doanh nghiệp trong nước, mà còn cạnh tranh với rất nhiều thương hiệu ngoại, chủ yếu đến từ Châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, ông Tuấn Anh chia sẻ.
Đau đáu vì sản phẩm "Make in Vietnam"
Bày tỏ quan điểm trước tiềm năng của xu hướng IoT/Smarthome, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, tương lai của việc hàng tỷ thiết bị IoT, khi được kết nối với nhau thực sự là một tương lai gần như không còn giới hạn cho sự phát triển, của nhà thông minh, văn phòng thông minh, thành phố thông minh, các thiết bị giao thông thông minh…
Với nền kinh tế thích ứng nhanh, dân số năng động và am hiểu công nghệ, có thể nói mức sống và nhu cầu tận hưởng sự tiện nghi của người Việt đang ngày càng tăng cao. Công nghệ IoT cùng những sản phẩm lõi của nó chính là một trong những nền tảng không thể thiếu đối với quá trình “hiện đại hóa” trải nghiệm sống của người dùng Việt.
Các sản phẩm Make in Vietnam cũng là hành trình mà Lumi theo đuổi trong suốt 10 năm nay. Với mong muốn đó, những dự án nghiên cứu và sản xuất thiết bị lĩnh vực smarthome đã được doanh nghiệp này kết hợp cùng các tên tuổi khác trong nước như Việt Tiệp, Rạng Đông… và cho ra đời ở khoá thông minh đầu tiên của Việt Nam mang tên LUVIT.
“Thật may tất cả đều được người dùng đón nhận và tin tưởng cho tới tận bây giờ", ông Tuấn Anh chia sẻ.
Ông Tuấn Anh giải thích thêm, Internet vạn vật (IoT) được biết đến là mạng kết nối các đồ vật và thiết bị thông qua cảm biến, mạng không dây, phần mềm và các công nghệ khác, cho phép các đồ vật và thiết bị thu thập, trao đổi dữ liệu với nhau.
Có thể thấy, nhà thông minh (smart home) là một trong những ứng dụng tiêu biểu và phổ biến của công nghệ IoT (internet of things - vạn vật kết nối). Trong những năm gần đây, nhà thông minh bắt đầu nhận được sự đón nhận nhiệt tình và nghiêm túc của cả giới khoa học, giới đầu tư và người tiêu dùng.
Cùng với đó là sự nở rộ phong trào nghiên cứu, phát triển công nghệ trong lĩnh vực này. Nhiều đơn vị lựa chọn ODM, OEM hoặc thương mại thiết bị nước ngoài, nhưng trong đó cũng không ít đơn vị mong muốn làm chủ công nghệ. Đây được đánh giá là một tín hiệu đáng mừng của nền công nghệ Việt Nam.