Trái cây là nguồn thực phẩm quan trọng trong khẩu phần ăn hàng ngày, nó cung cấp nhiều chất dinh dưỡng và các loại vitamin cần thiết cho cơ thể con người. Đối với một số phụ nữ, trái cây là khẩu phần ăn kiêng không thể thiếu mỗi ngày thay thế nhiều loại lương thực, thực phẩm khác. Chính vì lý do đó, nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo chất lượng an toàn cho trái cây là điều hết sức quan trọng.
Nước ta là một nước nông nghiệp, hoàn toàn có đủ khả năng để phát triển diện tích đất trồng trái cây đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, làm chủ thị trường trái cây nội địa. Điều đáng nói ở đây là từ những khu chợ đầu mối, cho đến những chợ bán lẻ khắp đất nước tràn ngập trái cây ngoại nhập. Dễ dàng tìm thấy vô vàn những loại trái cây mang nhãn hiệu từ khắp các nước như táo, lê, nho lựu…của Trung Quốc, quýt, măng cụt, bòn bon, me, xoài, nhãn, vải… của Thái Lan đang được tiêu thụ mạnh. Rõ ràng tình trạng trái cây ngoại “đè” trái cây nội đang diễn ra ở thị trường trái cây nước ta. Trái cây Việt Nam đang loay hoay tìm chỗ đứng ở nước ngoài trong khi thị trường trong nước còn đang bỏ ngõ.
Mang tiếng là trái cây ngoại nhập nhưng đa phần là nhập từ Trung Quốc đội lốt nhãn hiệu của các nước khác như Mỹ, Thái Lan…trái cây nhập từ Trung Quốc có lợi thế là giá cả rẻ hơn nhiều so với các loại trái cây nhập từ các nước khác và thậm chí rẻ hơn cả trái cây trong nước. Với những chiêu quảng cáo đánh lừa, người bán dễ dàng đưa người tiêu dùng lạc vào “mê cung” trái cây ngoại nhập.
Trái cây ngoại nhập thu hút người mua ở ưu điểm hình thức bề ngoài đẹp, được bảo quản kĩ lưỡng. Đối với trái cây được nhập từ Mỹ, Úc…được đóng gói trong thùng xốp chống va đập, bảo quản ở nhiệt độ thấp nên giữ được màu sắc cũng như chất lượng bên trong. Trên mỗi thùng đều ghi rõ xuất xứ, ngày đóng gói và đầy đủ thông tin về trái cây đó.
Đối nghịch với hình ảnh trái cây ngoại nhập đẹp đẽ, tạo cảm giác là hàng cao cấp là hình ảnh trái cây Việt Nam đựng trong những sọt tre, được chống va đập bằng rơm và giấy báo nhét đầy trong sọt, được vận chuyển chủ yếu từ các tỉnh miền Tây. Chính vì lý do đó nên khi hàng trái cây đến được chợ thường bị dập nát, và héo đi vì bị ủ nóng nên không thu hút được nhiều người mua như hàng trái cây ngoại bắt mắt.
Mặc dù trái cây ngoại chưa chắc đã ngon hơn trái cây Việt vì đã qua quá trình vận chuyển xa và được bảo quản lâu ngày, nhưng vì hình thức bên ngoài đẹp nên vẫn hút khách hơn.
Để cứu lấy thị trường trái cây nội địa, Nhà nước cần có những can thiệp kịp thời, quy hoạch lại những vùng chuyên canh cây ăn trái theo hướng tập trrung, quy mô lớn. Đảm bảo quy trình trồng trọt và thu hoạch để có thể làm ra sản phẩm dồi dào, đảm bảo sản lượng cung cấp nhu cầu trong nước và tìm đầu mối xuất khẩu ra nước ngoài, đặc biệt phải quy hoạch từng vùng trồng cây ăn trái đặc sản, mỗi vùng trồng những loại cây chủ lực để tăng lợi thế cạnh tranh.
Cần lưu ý thêm các giải pháp về giống cây trồng mới để tăng năng suất, và chất lượng, đầu tư đồng bộ khâu thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch, tích cực đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xây dựng thương hiệu trái cây Việt trong thị trường nội địa cũng như quốc tế.
Nguyên Việt