Phụ huynh lo lắng khi có tới 33.000 học sinh Hà Nội trượt lớp 10 công lập
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023 – 2024 trên toàn thành phố Hà Nội có gần 105.000 thí sinh dự thi. Trong đó, chỉ khoảng 72.000 học sinh được vào trường công lập, đồng nghĩa khoảng 33.000 học sinh còn lại không trúng tuyển.
Chiều 1/7, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố điểm chuẩn vào lớp 10 của 117 trường THPT công lập trên địa bàn thành phố. Bên cạnh niềm vui hân hoan, hạnh phúc của nhiều thí sinh đã đỗ được nguyện vọng mong muốn, cũng có không ít thí sinh, phụ huynh rơi vào trạng thái buồn phiền, thất vọng vì không đủ điểm vào các trường công lập.
Sau khi biết điểm thi vào lớp 10 Hà Nội, việc phải đối mặt với nhiều áp lực từ điểm số, kì vọng của cha mẹ, thầy cô,.. khiến nhiều học sinh, phụ huynh rơi vào trạng thái lo âu.
Chị Tuyết Mai (Đống Đa, Hà Nội) kể câu chuyện vừa xảy ra tại chính gia đình mình sau khi nghe tin điểm chuẩn vào lớp 10 công lập.
"Do các trường năm nay nâng điểm và tỉ lệ chọi cao nên con tôi không đủ điểm nên trượt cả 2 nguyện vọng vào lớp 10 công lập mặc dù học lực năm lớp 9 cháu cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Xem kết quả con rất buồn và thất vọng, vậy mà bố nó vẫn còn trách mắng, nói nó là "đồ ăn hại", chỉ ăn với học cũng không xong. Thay vì trách móc thì bản thân mình làm cha, làm mẹ nên động viên, tìm môi trường phù hợp với con hơn", chị Mai chia sẻ.
"Khi nghe mọi người mách phải xếp hàng xuyên đêm mới mong nộp được hồ sơ vào trường tư thục, gia đình vội xin nghỉ làm, lao vào "cuộc chiến" giành suất học cho con", chị Mai cho biết thêm.
Nhiều phụ huynh cứ ngỡ con thi xong thì tâm lý thoải mái, áp lực thi cử sẽ không còn, thế nhưng thời gian đợi điểm và điểm chuẩn còn "đau tim" hơn nhiều. Chị Thúy Hiền (Hoàng Mai, Hà Nội), một phụ huynh ở Hà Nội có con trượt vào lớp 10 trường công lập, chia sẻ: "Gia đình cũng buồn, lo và thất vọng, nhưng để tâm lí và cảm xúc cho con tốt hơn thì trước hết mình cần mạnh mẽ, lạc quan. Để con phải thấy trong cuộc đời không có gì là dễ dàng, sẽ còn có rất nhiều lần thất bại".
Chị Hiền cho rằng: "Kỳ thi vào lớp 10 chỉ là sự trải nghiệm đầu đời của trẻ. Vậy nên việc đỗ hay trượt cũng không là vấn đề quá nặng nề. Điều quan trọng để trẻ rút ra được bài học, nếu cố gắng trong cuộc sống bản thân sẽ nhận được gì, còn không nỗ lực thì kết quả sẽ ra sao".
Theo VTC News, ở góc nhìn của một phụ huynh có con thi trượt, tôi thắc mắc, thực trạng thiếu trường công kéo dài nhiều năm nay mà vẫn không được giải quyết, tại sao không xây thêm lớp trong khi khuôn viên các trường THPT công lập đều khá rộng rãi?
Giờ đây con đã trượt lớp 10 công lập, vợ chồng tôi lại băn khoăn, vào trường tư thục thì tài chính là gánh nặng, nhưng nếu học ở trường tốp cuối liệu có ảnh hưởng đến tương lai của con hay không?
Đến bao giờ thì áp lực thi cử mới đỡ căng để mùa thi bớt nhọc nhằn? Tôi thấy lòng mình nghẹn đắng khi chứng kiến những đứa trẻ vừa mới "chân ướt chân ráo" vào đời đã vấp phải cũ ngã quá đau đớn.
Thi trượt vào 10 - Bài học kinh nghiệm quan trọng hơn điểm số
Trao đổi với Tri thức và Cuộc sống, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho hay, các phụ huynh phải chấp nhận việc con thi trượt, vì chuyện đã xảy ra rồi. Trong lúc này, bố mẹ cần phải động viên con, thay vì mắng chửi, sẽ không giải quyết được vấn đề. Phụ huynh nên nói chuyện với con về thất bại lần này, về việc con có quyết tâm thay đổi hay không, bài học con rút ra là gì?
Bố mẹ cần làm cho các con hiểu, trong thi cử, việc nhận một kết quả chưa tốt như mong đợi cũng là bình thường. Có điều, con phải nhìn nhận vì sao con lại nhận điểm chưa tốt? Chẳng hạn trong giai đoạn vừa qua, con đã nỗ lực, cố gắng hết sức mình chưa?
Muốn điểm cao mà không cố gắng, học đúng phương pháp thì sao làm sao mà điểm tốt được?
“Tuổi trẻ muốn đi xa thì phải có những bài học kinh nghiệm tự mình rút ra. Tất cả những lời khuyên của người khác không bằng việc tự bản thân rút ra bài học kinh nghiệm cho chính mình. Việc rút kinh nghiệm, đánh giá lại được bản thân mình quan trọng hơn cả việc đỗ trượt, điểm cao hay thấp”, TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Cũng theo TS Nguyễn Tùng Lâm, phụ huynh có con thi trượt vào lớp 10 công lập hoặc trượt nguyện vọng 1, 2 đang đứng trước ngã ba chọn trường cho con thế nào, chọn trường công lập thật xa để học, trường dân lập phù hợp hay học nghề?
Đặc biệt muốn lựa chọn đúng, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, đầu tiên, phụ huynh phải xem mong muốn của học sinh là gì, trở thành người thế nào, làm công việc ra sao… để thổi bùng khát vọng đó lên cho các em.
Sau đó, là sự phù hợp với hoàn cảnh kinh tế gia đình. Nếu gia đình đang rất khó khăn về kinh tế thì nên chọn học trường nghề bởi học phí thấp, thậm chí có học bổng. Các em cũng sớm đi làm, rồi có thể thực hiện được ước mơ của mình.
Không có nghĩa cứ học trường nghề thì không thể thực hiện ước mơ. Mà trường học chỉ là bước khởi đầu. Nếu có đủ ý chí, quyết tâm, các em vẫn có thể tự lập, thực hiện khát vọng của mình.
Trong trường hợp gia đình có đủ điều kiện về kinh tế thì học một trường dân lập phù hợp. Phụ huynh đừng nghe, chọn theo quảng cáo, mà phải tìm hiểu điều kiện học tập, phương pháp giáo dục của Trường có phù hợp để cho học sinh tiến bộ hay không? Nếu chọn sai thì chọn lại, không nên mặc kệ đã chọn rồi thì cứ thế học mãi.
Và một điều phụ huynh và học sinh cần lưu ý, việc chọn trường quan trọng nhưng không bao giờ có thể thay thế được sự chủ động của người học. “Trường có tốt đến mấy, thầy có hay đến mấy mà học sinh không chịu học thì cũng vô nghĩa”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.
Theo Chủ tịch Hội đồng Giáo dục của ngôi trường “không tuyển chọn đầu vào”, các em phải thấy được bài học của mình trong giai đoạn chưa cố gắng, chưa tích cực, chưa định hướng đúng, chưa quyết tâm cao để biến thành hành động. Tự mỗi người phải quyết định lấy cuộc đời không ai có thể thay thế được.
Về phía gia đình, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, cũng cần rút ra kinh nghiệm về sự đồng hành, giúp con đạt được mục tiêu của mình. Là cha mẹ, ai cũng có kỳ vọng, nhưng đi cùng với đó phải là sự kỳ công. Trong lúc con đang khó khăn cần giúp đỡ, tránh những trường hợp con suy nghĩ nhiều, có những trẻ dẫn đến trầm cảm, hoặc có những hành động đáng tiếc.
Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ với Vietnamnet, cũng cho rằng sự buồn bã, lo âu và hoang mang khi học sinh trượt trường công lập là điều dễ thấy nhưng lúc này, bố mẹ cần hiểu rằng, trẻ cần nhận được sự động viên, chia sẻ kịp thời hơn là trách móc, dằn vặt.
Bởi chỉ tiêu tuyển sinh vào 10 công lập hàng năm gần như không thay đổi, với khoảng hơn 30.000 học sinh sẽ không được vào công lập. Không học sinh, gia đình nào muốn con em mình nằm trong số đó nhưng trong tình huống này, việc phụ huynh phải “dẹp thất vọng sang một bên” để bảo vệ con, chuẩn bị các phương án sẵn sàng đối mặt là điều cần thiết, giúp trẻ bớt đi gánh nặng tâm lý, tiếp tục có động lực trong học tập.
“Ở lứa tuổi của các con, tâm sinh lý đang thay đổi, dễ có những lời nói hay hành vi mang tính tiêu cực nhất thời. Thực tế, những đứa trẻ bỏ nhà ra đi hay có ý nghĩ bản thân vô giá trị, muốn tự tử… hoàn toàn do chúng đang đổ lỗi về phía mình".
Thay vì trách mắng các con trong giai đoạn “nhạy cảm” này, bố mẹ nên là chỗ dựa tinh thần để trẻ cảm thấy tự tin mà bước tiếp.
“Sự đồng hành và thấu cảm từ cha mẹ là điều quan trọng nhất, giúp trẻ hiểu rằng cuộc đời sẽ là những cuộc thi. Bài học lần này sẽ giúp con học cách trở nên mạnh mẽ, rút ra những sai lầm để trưởng thành hơn”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.
Thời gian tới, Hà Nội sẽ tuyển sinh trực tuyến, sẽ bớt phần vất vả cho học sinh, phụ huynh. Ngoài ra, Sở GD&ĐT cũng đã làm việc với Sở Quy hoạch Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường cũng như các quận, huyện bàn phương án thu hồi các dự án treo để dành quỹ đất xây dựng các trường công lập.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội
Trúc Chi (t/h)