Thi tuyển cán bộ, chấm dứt “nhất thân, nhì quen”?

Thi tuyển cán bộ, chấm dứt “nhất thân, nhì quen”?

Nguyễn Thành Huế

Nguyễn Thành Huế

Thứ 4, 11/10/2017 08:01

Vụ trưởng vụ Tổ chức cán bộ Ban Tổ chức Trung ương Dương Minh Đức mới đây cho biết, từ nay ban này không bổ nhiệm cán bộ bằng lấy phiếu tín nhiệm mà sẽ thông qua thi tuyển. Liệu có thể xem đây là “hình mẫu” cho việc bổ nhiệm cán bộ quản lý?

PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với nguyên Phó Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến về vấn đề này.

Xã hội - Thi tuyển cán bộ, chấm dứt “nhất thân, nhì quen”?

Ông Lê Như Tiến cho rằng lấy phiếu tín nhiệm chỉ nên là kênh tham khảo.

 

Lấy hiệu quả công việc làm thước đo đánh giá cán bộ

PV: Được biết, việc thi tuyển công khai mới đây đã giúp Ban Tổ chức TƯ chọn được 3 vụ trưởng. Ông đánh giá gì về việc thực hiện thi tuyển các chức danh lãnh đạo?

Ông Lê Như Tiến: Tôi thấy không phải bây giờ mà ngay từ thời phong kiến cũng có hình thức thi tuyển. Tức là thi cử đỗ đạt thì mới bổ nhiệm làm quan. Ai có kết quả cao thì sẽ được bổ nhiệm ở vị trí cao, vì thế mới có các tiến sĩ, thám hoa, bảng nhãn. Chúng ta nên như thế, thi tuyển là cách khách quan nhất.

Tôi không phủ nhận sạch trơn việc lấy phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, việc lấy phiếu tín nhiệm đôi khi còn để lại những điều chưa thực chính xác vì nể nang nhau hoặc bằng những thủ thuật nào. Theo tôi, lấy phiếu tín nhiệm chỉ nên là kênh tham khảo ở cơ sở mà không nên là kênh quyết định chính thức.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về những ưu điểm của việc thi tuyển so với việc lấy phiếu tín nhiệm?

Ông Lê Như Tiến: Dư luận phản ánh ở một tỉnh, huyện, sở nào đó có chuyện “cả họ làm quan”, nhưng khi kết luận vẫn thấy có câu “làm đúng quy trình”. Quy trình làm đúng vậy tại sao lại khiến nhân dân chưa phục? Là bởi vì quy trình đúng nhưng chất lượng đầu vào kém cả về phẩm chất lẫn năng lực thì chất lượng đầu ra cũng không thể tốt được.

Tôi lấy ví dụ trong vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi ta lấy một miếng thịt ôi thiu vào làm giò thì mặc dù đúng quy trình xay, giã, gói, nấu, đun trong một thời gian nhất định thì vẫn ra một miếng giò ôi thiu. Nên dân ta mới có câu chế giễu: “Đầu vào mà nát như tương/ Đầu ra chất lượng tương đương đầu vào”.

Vì thế trong khâu tuyển chọn cán bộ phải rất lưu ý, không chỉ làm đúng quy trình mà phải làm như thế nào đó, lựa chọn được người tốt. Phải có nhiều người được tham gia thi tuyển cạnh tranh để lấy một, hai người. Ngày xưa để ra làm quan, các sĩ tử đi thi đông đúc lắm nhưng để được bổ nhiệm làm quan thì chỉ có 1-2 người. Ấy vậy mà hiện nay, không ít cơ quan chỉ giới thiệu 1 người, lấy phiếu tín nhiệm 1 người và bổ nhiệm 1 người.

PV: Như vậy, phương thức lấy phiếu tín nhiệm đã bộc lộ một số bất cập. Nhưng với phương thức thi tuyển, có người lại e ngại sẽ dẫn đến việc bổ nhiệm vượt quy trình, đồng thời vẫn không loại bỏ được tình trạng chạy chọt?

Ông Lê Như Tiến: Dù là thi hay lấy phiếu tín nhiệm đều phải tuân thủ nghiêm các quy trình bổ nhiệm; chỉ có khác là thay vì lấy phiếu tín nhiệm thì thi tuyển. Khi thi tuyển thì phải làm đúng chứ không thể hình thức, không được chạy chọt trước khi thi tuyển. Hội đồng thi tuyển phải làm nghiêm túc, trung thực khách quan. Nếu thi cử mà “đi đêm” thì mọi nỗ lực trong khâu tổ chức cán bộ cũng bằng không.

PV: Liệu việc thi tuyển có chấm dứt được tình trạng bổ nhiệm “nhất thân, nhì quen”?

Ông Lê Như Tiến: Như tôi đã nói, việc bổ nhiệm cán bộ thông qua thi tuyển rất cần thiết. Tôi ấn tượng khi bộ GTVT đã tổ chức thi tuyển chức danh Tổng cục trưởng tổng cục Đường bộ.

Họ đã đưa ra những câu hỏi hoàn toàn đúng đắn như: Nếu làm Tổng cục trưởng thì ông bà sẽ giải quyết những vấn đề giao thông đường bộ còn tồn tại như thế nào.

Cá nhân đưa ra những giải pháp tốt nhất sẽ trúng tuyển. Làm được như vậy thì mới tìm được người tài và việc bổ nhiệm “5C” “6 ệ” (5C - con cháu các cụ cả; “6 ệ” - tiền tệ, hậu duệ, quan hệ, ngoại lệ, đồ đệ, trí tuệ - PV) mới chấm dứt được.

PV: Chúng ta hay bàn đến tiêu chuẩn “đầu vào” của việc bổ nhiệm cán bộ, nhưng có vẻ tiêu chuẩn “đầu ra” – tức chuẩn đánh giá hiệu quả công việc sau một thời gian được bổ nhiệm dường như chưa được đề cập đến nhiều, ông đánh giá sao?

Ông Lê Như Tiến: Lâu nay chúng ta vẫn còn kém trong khâu đánh giá cán bộ. Năm nào cũng làm bản kiểm điểm cuối năm nhưng ai cũng hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tỉ lệ không hoàn thành hầu như không có trừ trường hợp bị kỷ luật mười mươi.

Vì thế, phải lượng hóa công việc để biết cán bộ đó hoàn thành được bao nhiêu, bao nhiêu việc còn dang dở bao việc làm sai, gây thiệt hại…

Khi đánh giá được thì mới quản lý được cán bộ, biết họ đi đâu, làm gì. Không thể cán bộ đi nước ngoài, đi du lịch cũng chịu không biết. Từ việc quản lý tốt, đánh giá tốt thì mới có thể biết nên để cán bộ đó ở vị trí nào.

PV: Tình trạng “đã lên khó xuống, đã vào khó ra” có thể nói đã tồn tại khá phổ biến. Với quyết tâm nâng cao chất lượng cán bộ thì  chúng ta phải xử lý như thế nào với những cán bộ yếu kém nhưng không từ chức?

Ông Lê Như Tiến: Bất kỳ lĩnh vực nào, sau một thời gian cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ thì chúng ta phải có thay thế, bãi nhiệm, cách chức. Sau 5 năm thì phải thi tuyển lại để có thể đánh giá lại người lãnh đạo đó có giải quyết được vấn đề trong ngành của mình không.

Hiện nay chúng ta vẫn còn tình trạng “Chúng ta rất đỗi tự hào. Đã lên không xuống đã vào không ra”. Nếu công tác tổ chức cán bộ như thế sẽ trì trệ. Chúng ta phải thay máu mới nếu máu hiện tại nhiễm vi rút và trở nên độc hại. Giữ mãi dòng máu ấy thì cơ thể xã hội sẽ trì trệ sinh ra nhiều bệnh tật. 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.