Sẽ tổ chức thi tuyển cạnh tranh
Được biết, bộ Tư pháp đang hoàn thiện "đề án thi tuyển lãnh đạo cấp phòng, vụ", theo ông, thi tuyển có khắc chế những bất cập trong quy hoạch cán bộ hiện nay?
Khi xây dựng đề án, chúng tôi đã tính đến chuyện đó. Hiện nay, đề án đã cơ bản hoàn thành và nếu không có gì thay đổi, từ năm 2013 bộ Tư pháp sẽ thí điểm thi tuyển công chức lãnh đạo tại 13 đơn vị trực thuộc gồm văn phòng bộ, vụ Tổ chức cán bộ, vụ Pháp luật quốc tế, vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Pháp luật hình sự - hành chính... Những chức danh khác nhau và các đơn vị còn lại sẽ dần dần tiến hành thi tuyển trong giai đoạn 2014 - 2015. Sau thí điểm, bộ sẽ tổ chức đánh giá và triển khai đại trà từ năm 2016.
Những ứng viên dự tuyển vào vị trí lãnh đạo cấp vụ, phòng sẽ phải trình bày và bảo vệ đề án trước hội đồng thi tuyển về kỹ năng lãnh đạo lĩnh vực quản lý Nhà nước vị trí mình thi tuyển. Sau khi bảo vệ đề án thành công, ứng viên sẽ phải trả lời chất vấn trực tiếp về những vấn đề liên quan đến điều hành công việc, xử lý tình huống mà hội đồng chất vấn đưa ra.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường.
Nhiều ý kiến cho rằng việc thi tuyển này sẽ "động chạm" đến chuyện quy hoạch cán bộ. Vì có thể nhiều cán bộ trong diện quy hoạch sẽ không trúng tuyển?
Việc thi tuyển vị trí lãnh đạo thực ra là chủ trương của Đảng, vì ban Tổ chức Trung ương Đảng đang chủ trì đề án về thi tuyển cạnh tranh lãnh đạo, như vậy sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức thi tuyển cạnh tranh nên điều này sẽ không ảnh hưởng đến quy trình quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ.
Thực tế hiện nay ở bộ Tư pháp, những người được bổ nhiệm đều theo quy hoạch. Công tác quy hoạch cán bộ thường xuyên được rà soát, nên không phải tất cả nhân sự đã được quy hoạch đều được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo. Chúng ta đều biết có rất nhiều nhân tài không làm việc trong cơ quan Nhà nước, họ không phải là công chức, viên chức nên việc thi tuyển vị trí lãnh đạo sẽ mở ra cơ hội cho những nhân tài này có cơ hội cống hiến cho sự nghiệp chung của đất nước.
Đây còn là bước đột phá, tạo thêm một kênh nữa ngoài quy hoạch để lựa chọn người phù hợp về năng lực lẫn phẩm chất vào vị trí lãnh đạo. Tôi lấy ví dụ như ngành tư pháp của chúng tôi, rất nhiều luật sư, chuyên gia pháp lý giỏi, có kiến thức và am hiểu lĩnh vực này nhưng ngành lại không tiếp cận được để đưa họ về phục vụ.
Nhiều rào cản được gỡ bỏ để chọn người tài
Ông nói đến việc thu hút những người tài ở ngoài khu vực Nhà nước vào phục vụ ngành tư pháp. Tuy nhiên một thực tế buồn là mức lương trong cơ quan Nhà nước hiện nay khó để có thể kéo được những người này?
Đúng, đây là một bài toán khó và chúng ta đang dần cải thiện bằng cách nâng lương. Nhưng có một thực tế tôi biết là nhiều người tài và trẻ hiện nay không chỉ quan tâm thu nhập mà họ quan tâm đến việc tài năng, tâm huyết của họ được thừa nhận như thế nào. Tôi tin, khi đặt họ vào những vị trí xứng đáng, họ thể hiện được tài năng và cống hiến hết mình.
Thưa ông, việc thi tuyển công chức, viên chức lãnh đạo đã được bộ Nội vụ triển khai thí điểm ở một số địa phương, ông đánh giá như thế nào về kết quả mà bộ Nội vụ đạt được?
Tôi biết từ 2005, bộ Nội vụ đã khởi động chủ trương thí điểm mô hình thi tuyển công chức, viên chức lãnh đạo. Ngay sau đó các tỉnh như: Hải Phòng, Đà Nẵng, Phú Thọ, Bình Dương, Long An... đã thí điểm thi tuyển và họ đều thành công. Như ở Đà Nẵng, tôi được biết sau hơn 2 năm tổ chức thi tuyển đã có 102 người dự thi và có 30 chức danh lãnh đạo bổ nhiệm từ thi cử được giao lãnh đạo 11 đơn vị của Đà Nẵng. Còn ở Hải Phòng tôi mới biết ở sở Tư pháp có một cô trưởng phòng được lựa chọn qua thi cử, cô này không nằm trong quy hoạch, cũng không phải là cán bộ công chức và hiện nay đang được đánh giá rất cao về năng lực. Tôi cũng biết rất nhiều địa phương đang gấp rút hoàn thiện đề án thí điểm thi tuyển vị trí lãnh đạo...
Liệu có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa những ứng viên đang là công chức, viên chức với ứng viên khu vực ngoài Nhà nước không, thưa ông?
Ứng viên là người trong quy hoạch hay ngoài quy hoạch đều phải thi tuyển công bằng, cạnh tranh lành mạnh. Dĩ nhiên điều chúng ta có thể nhận ra là người trong quy hoạch sẽ có lợi thế hơn người khu vực khác, vì họ đã từng làm việc công việc đó và có kinh nghiệm trong môi trường đó. Tuy nhiên nếu họ không chứng minh được lợi thế của mình thì họ vẫn bị loại. Cái chính là phải thành lập một hội đồng thi tuyển bảo đảm tính công bằng, công khai, minh bạch. Riêng với bộ Tư pháp, sau khi đề án được phê duyệt, chúng tôi cũng sẽ công khai thông tin để tiến hành thi tuyển. Tôi tin đây cũng là cơ hội để khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác quy hoạch cán bộ hiện nay.
Xin cảm ơn ông!
Giang - Phương (Ghi)