Thi tuyển lớp 10 tại TP.HCM: Đếm ngược 3 tuần, chờ phương án mùa dịch

Thi tuyển lớp 10 tại TP.HCM: Đếm ngược 3 tuần, chờ phương án mùa dịch

Nguyễn Thành Nhân

Nguyễn Thành Nhân

Chủ nhật, 25/07/2021 20:19

Do ảnh hưởng bới dịch bệnh Covid-19, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM đã trễ hạn hơn 2 tháng nhưng vẫn chưa có phương án chính thức.

Thi tuyển toàn bộ hay một phần

Trong buổi họp báo về công tác phòng chống Covid-19 của TP.HCM vào sáng ngày 25/7, PV Người Đưa Tin Pháp luật đã đặt câu hỏi về tiến độ tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10.

Từ ngày 21/7, sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM đã có công văn 2099/TTr-SGDĐT gửi UBND TP.HCM về phướng án tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 cho năm học 2021 – 2022.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết đã nhận được đề xuất của sở GD&ĐT TP. nhưng thành phố “vẫn đang cân nhắc, chưa có quyết định cuối cùng”.

Theo Phó Chủ tịch Dương Anh Đức, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở địa phương đang phức tạp. Vì thế, “việc tổ chức tuyển sinh với quy mô lớn có thể tạo ra những nguy cơ tiềm tàng về lây nhiễm rất cao”.

“Thành phố cân nhắc các biện pháp, cố gắng có quy định về tuyển sinh công bằng nhất có thể nhưng không để ảnh hưởng đến việc chống dịch. Trong bối cảnh hiện nay, an toàn chống dịch được đặt lên cao nhất”, ông Đức nói.

Cũng theo lãnh đạo phụ trách lĩnh vực Văn hóa – Xã hội của UBND TP.HCM, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 có nhiều đối tượng, liên quan khối chuyên và không chuyên, nên cần phải thảo luận, lắng nghe ý kiến chuyên gia để có quyết định công bằng, khả thi.

Giáo dục - Thi tuyển lớp 10 tại TP.HCM: Đếm ngược 3 tuần, chờ phương án mùa dịch

Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất 2 phương án tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 cho năm học 2021 - 2022 trong bối cảnh địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 tăng cường để phòng chống dịch Covid-19.

Hai phương án do sở GD&ĐT TP. trình UBND TP.HCM đều đặt mốc thời gian là ngày 16/8. Phương án 1, tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 chuyên và lớp 10 THPT như phương án cũ với thời gian thi vào ngày 16 – 17/8 nếu thành phố đảm bảo mức độ an toàn trong phòng chống dịch Covid-19.

Phương án này đảm bảo công bằng chung khi tổ chức thi. Thí sinh cũng đã tập trung ôn luyện các bộ môn thi và môn chuyên trong năm học và trước khi thi. Công tác tuyển sinh sau khi thi được thực hiện thuận lợi do cách xét tuyển không thay đổi và có kinh nghiệm từ các năm trước.

Tuy nhiên, phương án này có một số khó khăn như diễn biến dịch tiềm ẩn nhiều phức tạp và do xuất hiện các chủng dễ lây lan nên việc tập trung tổ chức tại 130 điểm thi lớp 10 THPT và 10 điểm thi chuyên sẽ tác động rất lớn đến tâm lý khi đi thi của phụ huynh học sinh, của thầy cô coi thi và cả việc chấm thi.

Còn phương án 2 là chỉ tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 chuyên và xét tuyển lớp 10 THPT.

Về thuận lợi của phương án 2, việc tổ chức 10 điểm thi chuyên sẽ thuận lợi hơn cho công tác tổ chức đảm bảo an toàn (do số lượng thí sinh, nhân sự coi thi, chấm thi không nhiều) và tận dụng được sự chuẩn bị sẵn sàng của các điểm thi.

Khó khăn của phương án này là sẽ có trường hợp các học sinh không đăng ký thi tuyển lớp 10 THPT nhưng lại muốn đăng ký bổ sung xét lớp 10 công lập.

Ngoài ra, sẽ có tâm lý so sánh giữa các học sinh vì có học sinh được thi chuyên mà các học sinh còn lại thì chỉ được xét tuyển lớp 10 THPT.

Phụ huynh, học sinh bị áp lực

Theo lịch trình các năm trước, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của TP.HCM đều được tổ chức vào đầu tháng Sáu, trước kỳ thi Tốt nghiệp THPT hoặc THPT Quốc gia.

Năm 2020, giữa lúc dịch bệnh bùng phát đợt đầu tiên, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của TP.HCM bị dời đến ngày 15 - 17/7 với nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Nhưng năm nay, từ lúc Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thông báo hoãn kỳ thi là ngày 30/5, đến nay đã gần 3 tháng nên không chỉ phụ huynh, học sinh mà cả các giáo viên, lãnh đạo trường học cũng như ngồi trên đống lửa.

Nhiều phụ huynh và học sinh lớp 9 tại TP.HCM mong muốn thành phố sớm quyết phương án tuyển sinh lớp 10 để được giải tỏa áp lực về tinh thần.

Em Trần Ngọc Minh Anh, học sinh lớp 9, trường THCS Nguyễn Tri Phương cho biết, bản thân và bạn bè như em đều hồi hộp theo dõi kỳ thi từ cuối tháng Năm, đến nay đã gần hết tháng Bảy.

“Mong muốn lớn nhất của học sinh là sớm có một phương án tuyển sinh chính thức để đỡ phải phỏng đoán và áp lực”, em Minh Anh nói.

Đó cũng là tâm trạng chung của nhiều học sinh, phụ huynh ngay sau khi sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất các phương án tuyển sinh lớp 10, lớp 10 chuyên trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp tại thành phố.

Chị Phạm Tuyết Hường, 36 tuổi, ngụ quận 5 mong rằng TP.HCM sớm quyết định việc xét tuyển lớp 10. “Năm nay, con trai tôi đặt nguyện vọng vào trường THPT Lê Quý Đôn là top đầu, điểm chuẩn cao nên gia đình đã đầu tư cho cháu học thêm trực tuyến. Hồi tháng 5, tôi vẫn muốn thi vì nếu xét tuyển sẽ thiệt thòi cho công sức học tập của con”, chị Hường nói.

Nhưng đến bây giờ gần hết tháng 7, khi tình hình dịch bệnh vẫn chưa hạ nhiệt thì chị Hường và con hạ mục tiêu “học trường nào cũng được”.

Giáo dục - Thi tuyển lớp 10 tại TP.HCM: Đếm ngược 3 tuần, chờ phương án mùa dịch (Hình 2).

Tại TP.HCM, chỉ tiêu của các trường THPT công lập qua các năm luôn thấp hơn số học sinh lớp 9 tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10.

Cùng tâm trạng, chị Thái Thị Thanh, 38 tuổi, ngụ quận 3 cho rằng, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 nên chuyển qua hình thức xét tuyển.

“Nếu xét tuyển bằng điểm trung bình học kỳ hoặc trung bình các môn Văn, Toán, Ngoại ngữ thì con tôi khó lòng cạnh tranh để vào trường top đầu. Nhưng bây giờ dịch bệnh thế này, tôi chỉ mong vào được trường công là tốt rồi", chị Thanh thở dài.

Nhưng mục tiêu vào trường công lập cũng chính là nút thắt của kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Vì theo số liệu thống kê, TP.HCM có 83.300 thí sinh đăng ký dự thi lớp 10 năm học 2021 – 2022 với tổng chỉ tiêu là 67.000.

Như vậy, do hệ thống trường công lập có giới hạn nên chắc chắn hơn 16.000 học sinh lớp 9 sẽ chuyển qua hệ ngoài công lập hoặc được phân luồng khác. Điều này càng chênh lệch hơn với từng địa phương. Những khu vực có dân cư đông như quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp sẽ có tỷ lệ chọi cao hơn các khu vực khác như quận 12, quận 7.

Tỷ lệ chọi theo điểm kết quả hay điểm quá trình

Nhìn lại bảng điểm tuyển sinh năm 2020, các trường có danh tiếng tại TP.HCM như THPT Nguyễn Thượng Hiền, Trung học Thực hành Sài Gòn, THPT Phú Nhuận, THPT Bùi Thị Xuân, THPT Nguyễn Hữu Huân, Trung học Thực hành – ĐHSP, THPT Trần Phú, THPT Nguyễn Thị Minh Khai… vẫn có điểm chuẩn khá cao, trên 35 điểm.

Trong khi tình trạng điểm chuẩn thấp vẫn diễn ra tại huyện Cần Giờ. Cả 4 trường THPT đều lấy mức 16 điểm với 3 môn thi (điểm Ngữ Văn và Toán nhân đôi, cộng điểm Ngoại ngữ).

Phó Giám đốc sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu trăn trở, địa phương phải huy động 85% học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT theo kế hoạch phổ cập. Trong khi các huyện ngoại thành chỉ có thể học trường công hoặc giáo dục thường xuyên do điều kiện khó khăn.

“Vì vậy, điểm chuẩn lớp 10 tại các nơi này luôn thấp hơn nội thành. So với các năm trước là 13 điểm, năm 2020 các trường ở Cần Giờ đã lấy 16 điểm cũng là điều phấn khởi”, ông Hiếu giải bày.

Nhưng huyện Hóc Môn lại có nhiều khác biệt. Các trường như THPT Nguyễn Hữu Cầu, THPT Lý Thường Kiệt được chia sẻ nguồn thí sinh từ quận 12, quận Bình Tân xung quanh nên điểm chuẩn ngang ngửa nội thành, tỷ lệ chọi rất cao.

Một ngoại lệ khác là trường THPT Nguyễn Văn Linh tại quận 8. Mặc dù ở nội thành nhưng do vị trí xa xôi, không thuận lợi giao thông nên ít học sinh đăng ký, mà hầu hết là nguyện vọng 3 nên chất lượng đầu vào thiệt thòi rất lớn.

Giáo dục - Thi tuyển lớp 10 tại TP.HCM: Đếm ngược 3 tuần, chờ phương án mùa dịch (Hình 3).

Phó Giám đốc sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu.

Trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, nhiều giáo viên, lãnh đạo trường THPT đã đóng góp ý kiến. Ông Trần Ngọc Tuấn, giáo viên trường THPT Tây Thạnh đề xuất: “Nếu dịch diễn biến xấu, không thể tổ chức đồng bộ kỳ thi, chúng ta chỉ nên thi môn chuyên, còn lại xét tuyển vào lớp 10 thường. Việc xét tuyển vào lớp 10 thường chỉ cần lấy điểm trung bình 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ của tất cả các lớp 6, 7, 8 và 9 (không cần lấy điểm trung bình các năm”.

Lý giải thêm, ông Tuấn cho rằng việc lấy điểm số của cả bậc học THCS những môn căn bản sẽ có độ tin cậy nhiều hơn và đánh giá được cả quá trình học tập của học sinh. Như vậy, nếu thí sinh chỉ thi 1 môn chuyên (hệ số 2) thì lấy thêm điểm trung bình Toán, Văn, Ngoại ngữ của lớp 6, 7, 8, 9 để xét tuyển.

Tương tự, ông Phạm Phương Bình, Phó Hiệu Trưởng trường THPT Nguyễn Hữu Huân nhận thấy, chỉ nên tổ chức thi môn chuyên chứ không tổ chức thi 3 môn bắt buộc và 1 môn chuyên.

Nếu không trúng tuyển, học sinh phải quay về xét học bạ vào lớp thường sẽ lãng phí. Phương án này khó hoàn hảo khi tuyển học sinh chuyên nhưng nên chấp nhận một năm vì dịch bệnh.

Còn với cách xét tuyển lớp 10 thường, phương thức sử dụng tổng điểm trung bình cả năm lớp 9 của 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ tương ứng 3 môn thi làm điểm xét vào các nguyện vọng học sinh đã đăng ký là gần giống nhất với tổ chức thi nên có ưu điểm hơn.

Ông Nguyễn Đăng Khoa, Hiệu Trưởng trường THPT Marie Curie cho biết, các phương án được đưa ra “đều rất cân nhắc, tính toán chi tiết trên cơ sở bối cảnh dịch bệnh tại TP.HCM”.

Phương án nào cũng sẽ có một nhóm đối tượng học sinh gặp thuận lợi và ngược lại. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh, mọi phương án không nên đòi hỏi tính công bằng tuyệt đối. Các trường THPT cũng luôn chấp nhận kết quả tuyển sinh dù thành phố lựa chọn phương án nào.

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.