Đề thi vừa sức, thí sinh hào hứng
Thí sinh Huỳnh Bích Vy, học sinh lớp 9A1, Trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1 đánh giá, đề thi môn Ngữ văn không quá khó. Trong đó, ở câu hỏi nghị luận xã hội, để đi sâu phân tích chủ đề cống hiến, thí sinh này chọn hình ảnh các bác sĩ, lực lượng tình nguyện tham gia phòng chống dịch Covid-19.
Với câu hỏi nghị luận văn học, Bích Vy cho biết, đề thi khá dễ vì đề cập đến các tác phẩm đã được học sinh ôn tập kỹ trong chương trình. Chủ đề tình yêu quê hương, đất nước nên “vừa sức” thí sinh.
Thí sinh Đặng Tuyết Ngân, học sinh lớp 9A8, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1 cho biết, năm nay, câu hỏi đọc hiểu cho sẵn văn bản ngữ liệu và không khó để tìm câu trả lời nên thí sinh dễ lấy điểm.
Với câu hỏi nghị luận văn học, nội dung cần phân tích cũng được xác định rõ trong đề, thí sinh không mất nhiều thời gian làm bài. Với câu hỏi nghị luận xã hội, thí sinh này lấy dẫn chứng từ các câu ca dao, tục ngữ và nhân vật thực tế trong đời sống nên tự tin với bài làm của mình.
Môn thi thứ 2 là Ngoại ngữ, thí sinh Vũ Nguyễn Đức Anh, học sinh lớp 9A8, Trường THCS Đống Đa, quận Bình Thạnh cho biết, đề thi môn tiếng Anh năm nay vừa sức. Thí sinh này vui mừng vì chủ đề của bài đọc (phần reading) về vấn đề bảo vệ môi trường, khá gần gũi với học sinh nên từ vựng không quá khó. Tuy nhiên, đây là phần em dành nhiều thời gian đọc kỹ đề để tránh nhầm lẫn đáp án.
Bên cạnh đó, các câu hỏi về phát âm (pronunciation), từ loại (word form) được thí sinh này đánh giá không quá khó. Nếu thí sinh bình tĩnh, sử dụng phương pháp loại suy thì có thể chọn được đáp án đúng.
Thí sinh Nguyễn Trần Vân Anh, học sinh lớp 9A12, Trường THCS Điện Biên, quận Bình Thạnh cho rằng đề thi tiếng Anh tương đối phù hợp với năng lực của đa số thí sinh. Phần khó nhất của đề thi là bài đọc do một số từ vựng ngoài chương trình học.
Đối với môn Toán, thí sinh Quách Đan Thy, học sinh lớp 9/12, Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3 cho hay, đề thi môn Toán năm nay vừa sức, cấu trúc đề thi tương tự mọi năm. Trong đó, thí sinh này không kịp làm câu hỏi cuối của phần hình học do hình vẽ khá phức tạp. Riêng ở phần đại số, thí sinh này cho biết, câu hỏi vận dụng thực tế không quá hóc búa nhưng dạng đề hơi lạ nên gây khó khăn cho thí sinh.
Tương tự, thí sinh Phạm Hải Yến, học sinh lớp 9/1, Trường THCS Phan Sào Nam, quận 3 cho rằng, các câu hỏi trong đề thi năm nay đều có dữ liệu rõ ràng nên giúp thí sinh không mất nhiều thời gian đọc đề.
Theo các thí sinh, đề thi môn Toán năm nay câu hỏi vận dụng giải quyết vấn đề thực tế chiếm khoảng 50% tổng số điểm của bài thi, phần đại số chiếm 20% và còn lại là câu hỏi hình học chiếm 30% số điểm. Hầu hết thí sinh đều cho biết dễ dàng có điểm ở phần đại số.
Tiếp tục đổi mới cách đánh giá năng lực học sinh
Thống kê của Sở GD&ĐT Tp.HCM cho biết, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay của địa phương có 6.941 thí sinh đăng ký vào lớp 10 chuyên (trong đó có 236 thí sinh các tỉnh ngoài Tp.HCM dự tuyển vào lớp 10 Trường chuyên Lê Hồng Phong), 1.147 thí sinh đăng ký vào lớp 10 tích hợp, 88.237 thí sinh chỉ đăng ký vào lớp 10.
Sở GD&ĐT Tp.HCM đã bố trí 158 điểm thi là những trường THCS, THPT có cơ sở vật chất tốt nhất thành phố để phục vụ kỳ thi vào lớp 10. Trong đó, có 147 điểm thi dành cho thí sinh thi vào lớp 10 thường và 11 điểm thi dành cho thí sinh thi vào lớp 10 chuyên và tích hợp. Mỗi phòng thi chỉ bố trí tối đa 24 thí sinh, mỗi điểm thi đều có thêm 3 phòng thi dự phòng.
Năm nay, Tp.HCM có 113.802 học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS. Tuy nhiên, chỉ có 96.325 em dự thi vào lớp 10 công lập. Như vậy, có 17.477 học sinh không đăng ký dự thi vào lớp 10 công lập.
Trao đổi với Người Đưa Tin, đại diện Phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Tp.HCM chỉ ra, số lượng học sinh không đăng ký thi vào lớp 10 năm nay là vì các em đã không chọn con đường học THPT ở trường công lập. Thay vào đó, các em chọn học nghề, học THPT ở các trường tư thục, trường quốc tế, học ở trung tâm giáo dục thường xuyên...
Trong bối cảnh các trường THPT công lập trên địa bàn Tp.HCM chỉ tuyển 70% học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 thì con số hơn 17.000 em không thi vào lớp 10 sẽ hạ nhiệt bớt sự căng thẳng của kỳ thi. Thay vì sẽ có hơn 30.000 học sinh rớt lớp 10 công lập như năm ngoái thì chỉ có gần 20.000 học sinh không trúng tuyển lớp 10 công lập năm nay.
Năm nay, đa số học sinh thi vào lớp 10 chuyên của các trường như Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa, Gia Định, Nguyễn Thượng Hiền... đều có đăng ký thi vào lớp 10 Trường phổ thông Năng khiếu (trường này tổ chức kỳ thi riêng).
Các thí sinh đăng ký vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong bên cạnh so tài với các học sinh giỏi ở Tp.HCM còn phải cạnh tranh với 236 học sinh đến từ các tỉnh thành khác. Ngoài ra, theo Sở GD&ĐT Tp.HCM, tỉ lệ chọi vào các trường THPT trong nhóm hàng năm có điểm chuẩn cao cũng tăng cao do số thí sinh đông hơn năm trước.
Về đề thi, Sở GD&ĐT Tp.HCM tiếp tục đổi mới cách ra đề tuyển sinh 10 theo hướng tiếp cận năng lực của học sinh. Các câu hỏi trong đề thi yêu cầu thí sinh phải biết vận dụng kiến thức đã học để giải quyết tình huống thực tế trong cuộc sống chứ không chỉ học - ghi nhớ rồi tái hiện kiến thức như trước.
"Việc đổi mới này Tp.HCM đã thực hiện nhiều năm nay, Sở cũng đã có hướng dẫn cụ thể: từ việc đổi mới phương pháp giảng dạy đến việc ra đề kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ... Do đó, nếu các trường THCS thực hiện đúng như chỉ đạo về chuyên môn của sở thì chắc chắn sẽ không có sự chênh lệch quá nhiều giữa điểm kiểm tra học kỳ và điểm thi tuyển sinh 10 như năm trước", đại diện Sở GD&ĐT Tp.HCM nói.