Ghi nhận của VTC tại điểm thi trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội), từ 6h, trường đã mở cổng, các tình nguyện viên xếp thành hai hàng hướng dẫn thí sinh gửi xe, gửi cặp vào khu vực riêng trước khi lên phòng thi.
Nguyễn Ngọc Huyền, học sinh trường THCS Lê Lợi, có mặt tại điểm thi từ hơn 6h. Năm nay, tỉ lệ chọi vào lớp 10 cao nhất 3 năm qua, đồng thời số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào trường THPT Việt Đức cũng tăng cao hơn nên Huyền tỏ ra lo lắng. Mặt khác, Ngữ Văn cũng không phải là thế mạnh của Huyền, đặc biệt là phần thơ. "Em hy vọng sẽ vào phần truyện ngắn sẽ dễ phân tích hơn", nữ sinh nói.
Hoàng Ngọc Anh, học sinh trường THCS Ngô Sĩ Liên cũng có mặt từ sớm để tranh thủ ăn sáng và tránh tắc đường. Nam sinh thấy may mắn khi được thi Ngữ văn đầu tiên bởi đây là môn học em yêu thích nhất, dù là học sinh chuyên Toán.
"Để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 năm nay, em đã bắt đầu đặt mục tiêu và kế hoạch ôn tập từ năm lớp 7, trung bình tuần 4 buổi học thêm. Em ôn tập kỹ lưỡng tất cả tác phẩm trong chương trình lớp 9, lần thi thử ở trường được 8 điểm nên khá tự tin. Em hy vọng đạt 8 - 8,5 điểm ở môn đầu để tạo đà cho các buổi thi tiếp theo", Ngọc Anh tự tin chia sẻ.
Sáng nay, ngày 10/6, gần 105.000 thí sinh Hà Nội bước vào môn thi đầu tiên của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2023 là Ngữ văn.
Bài thi Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội được ra theo hình thức tự luận, thí sinh có 120 phút làm bài, bắt đầu từ 8h.
Chiều nay (10/6), thí sinh tiếp tục làm bài thi Ngoại ngữ, hình thức trắc nghiệm, thời gian 60 phút, bắt đầu từ 14h. Sang sáng mai 11/6, học sinh hoàn thành môn thi cuối cùng là Toán trong 120 phút, bắt đầu từ 8h.
Những thí sinh có nguyện vọng vào các trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Nguyễn Huệ hay lớp chuyên của THPT Chu Văn An, Sơn Tây sẽ làm thêm bài thi môn chuyên vào 12/6.
Theo VietNamNet, đề thi gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình THCS hiện hành của Bộ GD&ĐT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9.
Trong đó, đề thi môn Toán và Ngữ văn bảo đảm 4 cấp độ nhận thức gồm: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cấp độ cao. Đề thi môn Ngoại ngữ chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và có một số câu ở cấp độ vận dụng.
Năm nay, toàn thành phố Hà Nội có hơn 129.000 học sinh tốt nghiệp bậc THCS, trong đó, 104.917 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào lớp 10 công lập (tăng 1.000 thí sinh so với năm trước), tỉ lệ chọi trung bình 1/1,79. Năm ngoái tỉ lệ chọi vào lớp 10 công lập trung bình 1 chọi 1,67 và năm 2021 là 1 chọi 1,61. Như vậy, tỉ lệ chọi vào lớp 10 năm nay dự kiến cao nhất trong ba năm qua.
Trong số các trường, năm nay, Trường THPT Khương Hạ có tỉ lệ chọi cao nhất, lên đến 1/3,55. Nguyên nhân cũng bởi đây là ngôi trường công lập mới của Hà Nội (bắt đầu tuyển sinh từ năm 2021) với số chỉ tiêu còn thấp. Tiếp đó là Trường THPT Chu Văn An với tỉ lệ chọi lên đến 1/3,43...
Song bên cạnh những trường THPT có tỉ lệ chọi cao ngất ngưởng, cũng có những trường có tỉ lệ chọi rất thấp. Thậm chí, có không ít trường, số thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào trường còn thấp hơn cả chỉ tiêu. Các trường này đều ở các huyện khu vực ngoại thành Hà Nội.
Trường THPT Minh Quang có tỉ lệ chọi vào lớp 10 thấp nhất năm nay của Hà Nội (khoảng 1/0,5). Số học sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào lớp 10 của trường này là 229 trong khi chỉ tiêu của trường là 450.
Xếp ngay sau trường này là Trường THPT Bắc Lương Sơn (với tỉ lệ chọi 1/0,69) và Trường THPT Thọ Xuân (với tỉ lệ chọi 1/0,71).
10 trường THPT có tỉ lệ chọi vào lớp 10 thấp nhất của Hà Nội năm 2023 gồm: THPT Minh Quang, THPT Bắc Lương Sơn, THPT Thọ Xuân, THPT Tự Lập, THPT Bất Bạt, THPT Xuân Khanh, THPT Nguyễn Văn Trỗi, THPT Ứng Hòa B, THPT Lưu Hoàng, THPT Đại Cường.
Trong số này, ngoại trừ Trường THPT Đại Cường, các trường còn lại đều có số học sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào thấp hơn chỉ tiêu.
Tuy vậy, điểm chung của các trường này là số lượng học sinh đăng ký nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3 lại rất lớn, hầu hết trên 1.000, thậm chí có trường gần 2.000 nguyện vọng. Điều này cũng dễ hiểu, khi các trường này thường được xem là “phương án dự phòng” để có một suất vào công lập khi trượt các trường nguyện vọng 1.
Minh Hoa (t/h)