Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội sẽ được tổ chức vào các ngày 18 đến 20/6, trong đó ngày 18/6 thi môn Ngữ văn và Ngoại ngữ; sáng 19/6 thi môn Toán; ngày 20/6 thi các môn chuyên.
Thời gian này, các trường THCS đã cho học sinh tự ôn tập, nghỉ ngơi trước kỳ thi. Tuy nhiên, nhiều học sinh vẫn kín lịch ôn luyện tại các trung tâm, lò luyện thi.
“Mấy hôm nay, con vẫn thức đến 1-2h sáng để ôn bài. Con không tự tin về môn Ngữ văn nên nhiều hôm cả mẹ và con cùng học với nhau để hi vọng lấy được điểm 7. Con rất áp lực vì gia đình không có điều kiện để cho học trường ngoài công lập”, anh Nguyễn Văn Tuấn, có con học lớp 9, Trường THCS Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội), tâm sự.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, cô Lê Thị Hương, giáo viên dạy Toán, Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội), cho rằng, học sinh cần vừa học tập, ôn luyện một cách khoa học, bố trí thời gian học và nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý. Mỗi ngày đặt ra kế hoạch sẽ ôn tập một phần nội dung, trước khi đi ngủ tự xem mình đã hoàn thành kế hoạch hay không.
Bên cạnh đó, khi làm bài thi, học sinh lưu ý những lỗi thường gặp và mất điểm một cách rất đáng tiếc đối với môn Toán, như lỗi vẽ sai hình ở bài hình. Trong đề thi, bài hình chiếm tới 3 điểm, nếu học sinh vẽ sai hình sẽ mất điểm hoàn toàn, rất đáng tiếc.
“Ngoài ra, cần đọc kỹ đề, làm cẩn thận từng câu ra giấy nháp sau đó mới làm vào bài thi và quan trọng hơn hết là các em phải dành khoảng 10 phút cuối để rà soát, tính lại các đáp án trước khi nộp bài”, cô Hương nói với Tiền Phong.
Đồng quan điểm, TS Đỗ Viết Tuân, giáo viên Toán tại Trung tâm Edufly cho rằng, trong giai đoạn nước rút, học sinh nên giảm bớt thời gian học thêm, tránh học thêm tràn lan, thay vào đó, các em nên dành thời gian luyện các dạng bài thi vào lớp 10 để hệ thống lại toàn bộ kiến thức đã học, hiểu rõ những điểm mạnh và điểm yếu của bản thân.
Theo thầy Tuân, khi kỳ thi đang đến gần, việc hệ thống lại kiến thức là rất quan trọng, muốn vậy, thí sinh cần luyện đề hàng ngày. Với cùng một nội dung nhưng các em nên làm các dạng bài với những cách hỏi khác nhau. Việc luyện đề sẽ giúp thí sinh rút ra kinh nghiệm, nhận biết được những điểm mạnh và điểm yếu của bản thân.
"Với nhiều bài toán đơn giản, nhưng nhiều em lại bị mất điểm vì xác định thiếu điều kiện, việc làm đề sẽ giúp các em tiếp cận được với đề thi thực tế tốt nhất, rèn luyện cả về kiến thức và kỹ năng trình bày”, TS Đỗ Viết Tuân lưu ý.
Đưa ra lời khuyên trong quá trình làm bài thi môn Toán, TS Tuân cho rằng, để đạt kết quả cao nhất, thí sinh nên chú trọng vào các câu hỏi cơ bản, cố gắng “ăn trọn” điểm ở những câu này. Một số câu hỏi mang tính chất “bẫy” thường là câu 1C, 2B. Trong quá trình làm bài, thí sinh cần đặc biệt lưu ý về điều kiện, đối chiếu điều kiện, đảm bảo làm đủ bước.
“Qua quan sát đề thi Toán vào 10 các năm có thể thấy, thông thường đề có khoảng 60% kiến thức cơ bản, thí sinh thường mất khoảng 45-60 phút để đạt được 6 điểm này. Thời gian còn lại để dành được 3-4 điểm cho học sinh khá, giỏi và xuất sắc. Tuy nhiên, khi làm bài các em không nên đặt mục tiêu quá cao đầu tư nhiều thời gian vào các câu chặn điểm quá sức, thay vào đó nên làm cẩn thận, rà soát kỹ các bước để đạt điểm cao nhất có thể”, TS Đỗ Viết Tuân nói.
Đối với môn Ngoại ngữ, cô Lưu Tú Oanh, Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm, đưa ra lời khuyên, thời điểm này các em nên hệ thống lại một lần nữa để ghi nhớ, tránh những lỗi thường gặp.
Đầu tiên phải kể đến là lỗi liên quan trọng âm, cần lưu ý một số trường hợp danh từ, tính từ, động từ đặc biệt có cách phát âm khác với quy luật thông thường; một số cặp nguyên âm có cách viết giống nhau nhưng cách phát âm khác nhau; chú trọng phát âm có âm “s” ở đuôi; một số phụ âm có cách viết giống nhau, cách phát âm khác nhau…
Theo cô Oanh, những năm gần đây, học sinh được đầu tư và có năng lực tiếng Anh vượt trội trong khi đề thi cơ bản, không quá khó. Do đó, có tình trạng học sinh chủ quan hoàn thành đề thi trong vòng ít phút và… nằm ngủ đến hết thời gian thi. Tuy nhiên, sau đó mới phát hiện mình đã mắc sai lầm, không đọc kỹ đề, không sử dụng phương án loại trừ các đáp án, vội vàng tích vào ô mình nghĩ là đúng trong khi đó, vẫn có đáp án gây nhiễu. Đối với bài đọc, học sinh cần đọc một lượt từ đầu đến cuối để hiểu nội dung chính, gạch chân từ khóa trong câu hỏi rồi mới trả lời.
“Học sinh nên sử dụng bút chì 2B để tô đáp án trong đúng, không ấn mạnh dẫn đến bóng kết quả, tận dụng hết thời gian để làm bài thi”, cô Oanh nói thêm.
Cùng tư vấn về kỹ năng làm bài môn Ngoại ngữ, theo Ths Đỗ Hồng Liên, trước các kỳ thi, thí sinh cần tìm hiểu kỹ cấu trúc, thời lượng cũng như định lượng câu hỏi để tránh bỡ ngỡ và chủ động hơn khi làm bài. Ngoài ra trong giai đoạn nước rút, thí sinh nên luyện đề theo thời gian tiêu chuẩn để làm quen với áp lực phòng thi.
“Khi làm bài, không nhất thiết các em phải làm theo thứ tự từ đầu đến cuối, mà có thể ưu tiên làm những câu dễ trước, câu khó sau, như vậy có thể hoàn thành được tối đa số câu trong thời gian quy định. Ngoài ra, các em cũng nên chuẩn bị một tâm lý tự tin, vững vàng, dành thời gian nghỉ ngơi phù hợp. Đặc biệt, các em nên tìm hiểu kỹ quy chế thi để đến đúng giờ, mang theo các vật dụng cần thiết, như vậy các em sẽ có một tâm lý thật thoải mái khi bước vào kỳ thi sắp tới”, cô Liên chia sẻ với VOV.
Trong khi đó với môn Ngữ Văn, theo cô Nguyễn Hằng Nga, Tổ trưởng môn Ngữ văn, Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội), học sinh cần ôn thật kỹ về phương thức biểu đạt của văn bản, các biện pháp tu từ và tác dụng của các biện pháp tu từ, phương tiện liên kết câu trong văn bản để trả lời chính xác các câu hỏi trong phần đọc hiểu.
Ở phần nghị luận văn học, sĩ tử không để mất điểm ở những nội dung cơ bản liên quan tác giả, tác phẩm. “Nắm chắc chủ đề nội dung tư tưởng của tác phẩm, khi làm văn phải đọc thật kỹ yêu cầu đề bài để viết đoạn văn, chú ý tránh các lỗi về lạc đề hay viết quá dài dòng. Ngoài ra, cách diễn đạt bài văn cần rõ ràng, mạch lạc, có sáng tạo để đạt được điểm cao”, cô Nga nói.
Còn theo Ths Hoàng Thu Trang, giáo viên môn Ngữ văn tại Trung tâm Edufly, để đạt được kết quả cao trong kỳ thi sắp tới, học sinh cần phải đảm bảo được thời gian làm bài.
Ngoài ra, về mặt hình thức, thí sinh lưu ý, bài làm phải có tính thẩm mĩ, yêu cầu trình bày sạch sẽ, rõ ràng, cẩn thận, không được viết tắt, không sử dụng hai màu mực, đảm bảo đúng nguyên tắc khi viết đoạn văn, bài văn, có sự logic trong diễn đạt mạch văn, đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Về mặt nội dung, các em cần nắm vững cấu trúc đề thi, có kế hoạch cụ thể cho việc ôn tập các phần. Thông thường, đề thi Ngữ văn vào 10 gồm 3 phần: Đọc hiểu, Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học.
Phần đọc hiểu có 3 loại câu hỏi gồm câu hỏi nhận biết yêu cầu học sinh xác định phương thức biểu đạt, thể loại, xác định chi tiết, hình ảnh,… Câu hỏi thông hiểu yêu cầu học sinh nêu nội dung văn bản, ý nghĩa của các hình ảnh, chi tiết… Câu hỏi vận dụng yêu cầu học sinh bày tỏ quan điểm của mình về thông điệp mà tác giả gửi gắm, tìm ra hướng giải quyết hay một biểu hiện mà học sinh tâm đắc và lý giải. Trong phần này, học sinh cần lưu ý là phải trả lời đủ ý, tránh lan man hay thiếu sót yêu cầu của đề.
Phần nghị luận xã hội cần đảm bảo về hình thức, xác định đúng kiểu bài nghị luận xã hội, đưa ra những luận điểm, luận cứ và dẫn chứng thuyết phục để làm rõ vấn đề, các em nên chăm chỉ đọc báo, cập nhật tin tức để có nguồn thông tin phong phú cho bài nghị luận được thuyết phục.
Phần nghị luận văn học cần đảm bảo cấu trúc 3 phần của một bài văn: mở bài, thân bài, kết bài. Trong phần này, học sinh cần phân tích kĩ yêu cầu đề, xác định đúng vấn đề và phạm vi nghị luận. Cảm nhận được vẻ đẹp của nhân vật được thể hiện qua hành động, lời nói, suy nghĩ, bày tỏ được cảm xúc bản thân dành cho nhân vật. Đồng thời, cảm nhận được vẻ đẹp nghệ thuật của hình ảnh, chi tiết, các biện pháp tu từ được sử dụng nhằm làm nổi bật nội dung, ý nghĩa, tình cảm và thông điệp tác phẩm.
Bên cạnh đó, cô Hoàng Thu Trang cũng đặc biệt lưu ý, thí sinh cần tránh tình trạng học tủ, học vẹt với môn Ngữ văn. Một tác phẩm có thể được ra ở phần nghị luận văn học trong đề thi năm ngoái, nhưng cũng có thể trở thành ngữ liệu ở phần đọc hiểu trong đề thi năm nay. Vì vậy, học sinh cần có lộ trình học tập thực sự nghiêm túc để nắm toàn bộ kiến thức, có hành trang vững vàng để bước vào kỳ thi.
Minh Hoa (t/h)