Thi vào lớp 10 tại Tp.HCM: Giáo viên chia sẻ bí quyết "vàng" làm bài thi

Thi vào lớp 10 tại Tp.HCM: Giáo viên chia sẻ bí quyết "vàng" làm bài thi

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Thứ 3, 04/06/2024 11:08

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 các trường THPT công lập Tp.HCM chính thức diễn ra ngày 6 và 7/6. Thí sinh thực hiện ba bài thi gồm: Ngữ văn, Toán và ngoại ngữ.

Ngày mai, 5/6, hơn 98.000 thí sinh sẽ đến các điểm thi để làm thủ tục dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025; có 16.252 học sinh không đăng ký thi.

Năm nay Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Tp.HCM đã bố trí 158 địa điểm thi lớp 10. Các điểm thi đa số đặt tại các trường THCS và một số trường THPT, trong đó có 11 điểm thi dành cho thí sinh thi chuyên. Tp.HCM cũng huy động 13.539 giáo viên làm cán bộ coi thi và 2.370 nhân viên, bảo vệ, công an... làm nhiệm vụ tại các điểm thi.

Giáo dục - Thi vào lớp 10 tại Tp.HCM: Giáo viên chia sẻ bí quyết 'vàng' làm bài thi

Lịch thi vào lớp 10 tại Tp.HCM.

- Về môn Ngữ văn: Trước giờ kỳ thi này nhiều thầy cô giáo chia sẻ bí quyết làm bài. Trao đổi với Người Lao Động, thầy Võ Kim Bảo, giáo viên ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), lưu ý thí sinh trong quá trình làm bài thi để tránh mắc sai lầm, đó là tuyệt đối không đoán đề. Năm nay đề thi tuyển sinh lớp 10 môn ngữ văn không ra một tác phẩm cụ thể mà ra chủ đề. Dựa vào đó, học sinh tự lựa chọn tác phẩm phù hợp với chủ đề đó. Tác phẩm được chọn cũng chỉ được lấy một phần nhỏ tương ứng với chủ đề chứ không thể phân tích toàn bộ tác phẩm. Chính vì vậy, trước thời điểm thi mà học sinh còn đoán đề chứng tỏ đã hoàn toàn ôn tập sai hướng, sai phương pháp và có thể sẽ không đủ thời gian để bắt đầu ôn tập lại.

Theo thầy Bảo một sai lầm nữa cần tránh là viết đoạn văn không rõ chủ đề khiến cho bài văn bị điểm thấp. Học sinh không có kỹ năng tạo câu chủ đề cho đoạn văn. Nếu chọn cách viết đoạn song hành (đoạn không cần câu chủ đề) thì cũng cần phải thể hiện thật rõ các từ ngữ chủ đề, cách lập luận hướng vào một nội dung nhất định.

"Trong bài thi, học sinh cần thể hiện được kỹ năng viết văn của mình. Thang điểm chấm cho kỹ năng khá cao. Thay vì chỉ tập trung viết cho bài văn thật dài, còn vài phút cuối mới viết kết bài thì học sinh nên tập trung rèn luyện các kỹ năng, phương pháp làm bài", thầy Bảo lưu ý.

Về môn Toán: Thầy Lô Quốc Khải, chuyên viên môn toán, Phòng GD-ĐT quận Tân Phú chia sẻ với Tuổi Trẻ: "Đối với môn toán, nhiều thí sinh thường mắc phải những sai sót tưởng là nhỏ nhưng hậu quả rất lớn, dẫn đến mất điểm.

Thứ nhất là việc đổi đơn vị, làm tròn số không theo yêu cầu của đề thi. Thứ hai là lập luận giải hệ phương trình nhưng không có cơ sở lý luận. Thứ ba là chứng minh bài toán hình học nhưng không nêu luận cứ; không khai thác được kết quả của câu hỏi phía trên cho câu hỏi phía dưới, nhất là câu hỏi nâng cao.

Với bài toán thực tế, có em lại không lọc được dữ liệu...", thầy Lô Quốc Khải cho biết.

Thêm một lưu ý đối với thí sinh: "Thí sinh cần nhớ là về độ dài thì làm tròn đến 1 chữ số thập phân. Nếu làm tròn đến đơn vị phút thì bỏ qua phần hiển thị giây trên máy tính. Nếu bài toán chỉ có 1 câu hỏi thì chọn cách chính xác nhất là ít làm tròn.

Còn nếu bài toán có nhiều câu, trong đó câu dưới có sử dụng kết quả của câu trên thì lấy kết quả làm tròn ở câu trên để tính tiếp cho câu dưới. Trên thực tế, nhiều thí sinh không lấy kết quả làm tròn ở câu trên dẫn đến sai đáp số ở câu dưới", thầy Khải nói.

Thầy Khải cũng lưu ý các thí sinh cần phân phối thời gian làm bài một cách hợp lý. Thêm nữa, khi làm bài, các thí sinh cần có "chiến thuật". Câu nào dễ làm trước, khó làm sau nhưng đã làm được câu nào thì phải xem lại để chắc chắn là phần đó mình không có sai sót nào. Sau đó, mới tính tới những câu khó. Nhiều năm đi làm công tác ở hội đồng chấm thi tuyển sinh lớp 10, tôi thấy một số thí sinh giải được cả các câu hỏi nâng cao nhưng lại sai ngay ở những câu hỏi dễ".

Về môn Ngoại ngữ: Ở môn tiếng Anh, theo thầy Trần Nguyễn Hanh, Tổ trưởng Tổ tiếng Anh Trường THCS Lý Thánh Tông (quận 8), để làm bài tốt môn tiếng Anh, học sinh cần phân bố thời gian hợp lý: 90 phút với 40 câu hỏi, mỗi câu đều 0,25 điểm cho 7 phần trong đề thi. Ở phần trắc nghiệm, học sinh cần đọc, cố gắng hiểu đề và các đáp án để chọn đáp án đúng nhất. Ở phần từ loại, học sinh phải phân tích, đọc kỹ phần trước và sau của ô trống để xác định đúng từ loại và nghĩa của câu để điền đúng từ. Ở phần sắp xếp và biến đổi câu, các em cần xác định đúng dạng câu cần sắp xếp và biến đổi. Thời gian làm bài là 90 phút nên học sinh cần dành thời gian đọc kỹ để có thể hiểu đề và các lựa chọn. Viết các đáp án thật cẩn thận, đầy đủ, rõ ràng, chính xác; tránh bôi xóa, viết chồng lên các đáp án, từ và câu...

Bên cạnh đó cô Hồ Thị Bích Ty, tổ trưởng tổ tiếng Anh, Trường THCS Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh: "Nhiều thí sinh mất điểm ở môn tiếng Anh vì bất cẩn và viết sai chính tả. Các em sai chính tả nhiều nhất ở phần sắp xếp từ và câu, viết lại câu...

Có em viết 1 câu nhưng sai chính tả đến 2 từ. Có những từ có ngay trong đề, thí sinh nhìn trên đề và viết lại vẫn bị sai. Ngoài ra, thí sinh cũng hay bị sai hay nhầm lẫn ở phần cấu trúc câu".

Cũng theo cô Bích Ty lưu ý: "Tôi khuyên các thí sinh trước hết là phải cẩn thận. Trong đó, phần đoạn văn khiến khá nhiều thí sinh bị mất điểm. Vì vậy, tốt nhất là các em nên tìm key word (từ khóa) của đoạn, gạch chân nó để tránh bị nhầm lẫn. Cuối cùng, khi bước vào phòng thi, các em hãy hít vào thật sâu và thở ra từ từ, thật bình tĩnh để tập trung làm bài, đừng quá áp lực dẫn đến việc nghĩ một đằng nhưng lại viết ra một nẻo".

Sở GD&ĐT Tp.HCM yêu cầu thí sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10 được phép mang vào phòng thi bút viết, thước kẻ, bút chì, tẩy chì, ê-ke, thước vẽ hình và máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ.

Những vật dụng thí sinh không được mang vào phòng thi gồm: Giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn, vũ khí và chất gây nổ, gây cháy, tài liệu, thiết bị truyền tin (thu, phát sóng thông tin, ghi âm, ghi hình) hoặc chứa thông tin để gian lận trong quá trình làm bài thi.

Theo quy định, thí sinh được ra khỏi phòng thi sớm nhất sau 2/3 thời gian làm bài (đối với bài thi tự luận). Nếu thí sinh nhất thiết phải tạm thời ra khỏi phòng thi thì cán bộ coi thi phải báo cho cán bộ giám sát phòng thi để phối hợp thực hiện theo quy định.

Kỳ thi vào lớp 10 tại Tp.HCM diễn ra trong hai ngày 6 và 7/6, tại 158 điểm thi. Trong đó, có 147 điểm thi vào lớp 10 thường, 11 điểm thi vào lớp 10 chuyên. Tổng số phòng thi là 4.334.

Tổng số thí sinh tham gia dự kỳ thi vào lớp 10 là 98.681 em. Trong đó, thí sinh đăng ký xét ba nguyện vọng thường là 98.681, thí sinh đăng ký xét nguyện vọng chuyên là 7.622 (trong đó có 150 thí sinh tỉnh khác).

Trúc Chi (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.