Những cuộc gặp gỡ với Mục sư Martin Luther King
Nhớ lại những lần gặp gỡ với Mục sư Luther King – những cuộc gặp gỡ này có ảnh hưởng rất quan trọng đến quyết định đấu tranh cho hòa bình và chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam của nhà tranh đấu cho dân quyền nổi tiếng thế giới này, Thầy Nhất Hạnh nói rằng Tổng thống Obama đã bỏ sót một yếu tố quan trọng trong bài phát biểu của mình nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Mục sư Martin Luther King đọc bài diễn văn bất hủ có tựa đề “Tôi có một giấc mơ” (I have a dream).
"Khi Tổng thống Obama kêu gọi hãy để cho tự do được vang tiếng bay xa (let freedom ring), Tổng thống chỉ nói về tự do đến từ bên ngoài như tự do chính trị, tự do xã hội, nhưng thực tế là ngay cả khi chúng ta có rất nhiều tự do về tổ chức, về ngôn luận, về báo chí, v.v. chúng ta vẫn có thể khổ đau như thường bởi vì chúng ta không có tự do ở bên trong chúng ta, đó là sự tự do khỏi những giận hờn và sợ hãi”, Thầy chia sẻ.
> Lãnh đạo Google học 'nghệ thuật an trú trong hiện tại'
“Tìm kiếm trong tự thân” (Search Inside Yourself)
Một trong những điều tâm huyết của Mục sư Luther King là xây dựng những cộng đồng, những đoàn thể sống hạnh phúc mà ông gọi là Beloved Community (tạm dịch là Tăng thân yêu quý). Cũng với mong ước đó, Thầy Nhất Hạnh đã dành hết tâm lực của mình cho việc xây dựng hơn một ngàn tăng thân cư sĩ trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, liệu các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có thể tạo ra một sự thay đổi tích cực hơn thông qua việc xây dựng tinh thần tăng thân, xây dựng văn hóa tập thể trong doanh nghiệp của mình?
Chánh niệm và thiền tập tại công sở
Thầy Nhất Hạnh cho rằng phương pháp thực tập chánh niệm và thiền tập nếu được áp dụng vào các doanh nghiệp sẽ giúp cho họ thay đổi được cách sống, cách làm việc có tính tiêu cực, đồng thời giúp họ nhận ra được bản chất tương tức và phụ thuộc lẫn nhau giữa mọi người và mọi loài.
"Thiền tập có thể giúp cho các thành viên trong doanh nghiệp vơi bớt khổ đau", Thầy nói. "Chỉ riêng điều này thôi cũng đủ hữu ích rồi, bởi vì nếu nhân viên của một doanh nghiệp có đủ hạnh phúc thì doanh nghiệp đó sẽ làm ăn hiệu quả hơn".
"Trong trường hợp công ty của anh đang có những hoạt động gây tổn hại môi trường, và bởi vì anh đã thực tập thiền nên anh có thể có được một cái thấy, cái thấy này sẽ giúp anh tìm ra cách thức điều hành công ty của mình theo hướng làm giảm nhẹ những tổn hại đối với môi trường.
"Thiền tập có tác dụng làm lắng dịu nỗi khổ, niềm đau trong ta, đồng thời mang lại cho ta nhiều tuệ giác và một cái thấy chân thực (chánh kiến) về chính bản thân mình và về thế giới. Và nếu ta có được tuệ giác của một tập thể thì chắc chắn là ta sẽ tổ chức và điều hành hoạt động của doanh nghiệp mình theo hướng làm cho thế giới này vơi bớt khổ đau".
Theo Thầy, đem chánh niệm vào công sở, vào các doanh nghiệp còn có tác dụng giúp cho các nhân viên tránh được tình trạng bị quá tải bởi công việc, tuy nhiên để làm được điều này thì các chủ doanh nghiệp, các giám đốc công ty cần phải làm gương trước.
Sư cô Tại Nghiêm (biên dịch theo The Guardian)