Trẻ “nghiện” trò chơi bạo lực
Đang giữa trưa, PV giật mình bởi tiếng quát con của chị chủ nhà. Số là chị mới đi họp phụ huynh cho cậu con trai đang học lớp 1 về. Trong cuộc họp, chị thấy nhiều phụ huynh kiến nghị với giáo viên chủ nhiệm giúp họ răn đe học sinh nghiện game hành động. Trước đó, họ chính là người “khuyến khích” con trẻ chơi các trò chơi công nghệ để… phát triển trí thông minh. Nhưng thông minh thì chưa thấy đâu họ đã phải đau đầu với biết bao tai họa mà con trẻ gặp phải.
Chị Thanh (Mễ Trì Thượng, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Mấy tháng trước nghe các phụ huynh cùng lớp con mách nhau nên cho con chơi những trò chơi công nghệ sẽ giúp trẻ rất tốt trong việc phát triển trí thông minh. Nghe vậy, tôi không ngần ngại hướng dẫn cho con chơi các trò chơi trong điện thoại iPhone 4 của mình, thậm chí tìm các trò chơi trên máy tính về cho con chơi”. Những trò chơi như đua xe, xếp hình, trồng cây… trên điện thoại được bé Tính (con chị Thanh) rất ham. Chỉ mẹ hướng dẫn mở điện thoại để tìm trò chơi một lần là sau đó cu Tính đã tự mở và tìm được rất nhiều trò chơi khác. Thậm chí, bé còn tự biết tải thêm trò chơi trên mạng về chơi. Chỉ chưa đầy một tháng sau, chị Thanh thực sự sốc về sự “sành điệu” của con mình.
Hôm họp phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm đã gọi những phụ huynh cho con chơi điện tử đến để thông báo kết quả học tập. Hầu hết các em đều rơi vào tình trạng giảm sút học lực, không chịu nghe lời giáo viên, có bé còn đánh nhau với bạn. Khi hỏi “tại sao lại đánh bạn?”, cậu bé thản nhiên trả lời: “Trong máy tính chỉ thế mà, không đánh bạn thì đến lúc bạn cũng đánh con”…
Cần ngăn ngừa “hội chứng nghiện game”
Lý giải về hiện tượng trên, Ths. tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung (Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Mới) cho biết: “Cho trẻ chơi các trò chơi trên điện thoại di động, máy tính hay iPad đều... có tính hai mặt. Nếu trẻ hiểu được những tính năng của nó, giúp hình thành niềm khao khát khám phá, chinh phục và chế tạo ra nó thì là điều tốt. Tuy nhiên, nếu nghiện thiết bị công nghệ theo hướng nghiện những ứng dụng giải trí, mạng xã hội trên các thiết bị ấy lại là điều cần lo lắng và cần có sự can thiệp sớm để ngăn ngừa hội chứng nghiện game - một dạng nghiện đã để lại quá nhiều hậu quả đáng tiếc, cũng như những hội chứng sống ảo khác”.
Giật mình với câu trả lời của con, chị Thanh liền liên lạc với những phụ huynh còn lại hỏi về tình trạng của con họ thì cũng nhận được phản hồi tương tự. Người thì kêu con mình trở nên khó bảo hay cãi lại bố mẹ, mà những câu cãi đó, họ không thể ngờ là con mình vận dụng từ game mà ra. Ví như: “Mẹ phải cho xe chạy vượt xe của mẹ bạn ấy để tiến lên trước nếu không xe của mẹ con mình sẽ bị nhiều xe đi đường chèn chết và chảy rất nhiều máu”. Không hiểu con mình nói gì, phụ huynh liền mở lại trò chơi của con để kiểm tra. Hóa ra đó là cách thức của trò chơi đua xe, cứ xe nào vượt được lên trước là đã loại được một đối thủ bằng cách chèn xe đối phương đến khi nát xe và người lái xác phải tan tành, máu đỏ phun khắp đường.
Lo lắng, chị Thanh bèn hỏi chị Hồng (người bạn chị mách “phương pháp” rèn trí thông minh bằng cách chơi trò chơi điện tử) thì mới hay con chị Hồng còn “nghiện” game nặng hơn. Từ khi, chỉ cho con chơi các trò chơi công nghệ trên điện thoại, con chị Hồng bị suy sụp hoàn toàn về sức khỏe do quá nghiện các trò chơi trên điện thoại của mẹ. Chỉ gần 1 tháng mà con chị giảm 1,5kg, tự dưng biếng ăn và kết quả học hành kém hẳn. Ban đầu, chị thấy con mình có vẻ ham chơi nhưng cho đó là chuyện bình thường vì nghĩ bé đang ở tuổi ăn, tuổi chơi nên cứ để cho con tự khám phá.
Có những lần đến cơ quan, chị ngỡ ngàng vì tài khoản điện thoại còn 0 đồng. Kiểm tra, mới biết con mình đã biết tải trò chơi từ mạng về máy dùng. Khi đó, thay vì bực mình, chị lại nghĩ thầm: “Không ngờ con mình lại thông minh đến vậy”. Nghĩ thế nên càng ngày chị lại càng khuyến khích con chơi nhiều hơn. Nhiều khi, con vừa ăn cơm xong đã đòi mượn mẹ điện thoại để chơi, chị cũng chiều và quên hẳn việc kiểm tra bài vở cho con. Kết quả, con chị đã bỏ cả ăn để chơi trò chơi. Chỉ đến khi con chị thường xuyên hay cãi láo với bà giúp việc, chị Hồng mới nghi ngại hỏi giáo viên chủ nhiệm và giật mình vì biết con mình hay đánh nhau với bạn. Khi nghe chị Thanh hỏi, chị Hồng mới hay hành động bạo lực của con mình là do trò chơi “rèn trí thông minh” gây ra!
Hiểm họa khó lường
Cần ngăn ngừa “hội chứng nghiện game” Lý giải về hiện tượng trên, Ths. tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung (Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Mới) cho biết: “Cho trẻ chơi các trò chơi trên điện thoại di động, máy tính hay iPad đều... có tính hai mặt. Nếu trẻ hiểu được những tính năng của nó, giúp hình thành niềm khao khát khám phá, chinh phục và chế tạo ra nó thì là điều tốt. Tuy nhiên, nếu nghiện thiết bị công nghệ theo hướng nghiện những ứng dụng giải trí, mạng xã hội trên các thiết bị ấy lại là điều cần lo lắng và cần có sự can thiệp sớm để ngăn ngừa hội chứng nghiện game - một dạng nghiện đã để lại quá nhiều hậu quả đáng tiếc, cũng như những hội chứng sống ảo khác”. |
Trước tình trạng mê game hơn mê học của con chị Thanh, PV đã cùng chị kiểm tra các trò chơi của cu Tính. Mở mục game (trò chơi) trong điện thoại ra, chị Thanh choáng ngợp với một danh sách khủng các trò chơi mà bé Tính tự tải về. Thôi thì đủ các loại từ đua xe, phi máy bay, đấu sỹ, đấu kiếm, xếp hình người quái thú theo phim hoạt hình… Danh sách game của cậu bé lên tới 15 trò chơi.
Lần lượt tìm hiểu các trò chơi có những cái tên hấp dẫn như trò chơi xếp hình người quái thú theo phim hoạt hình; trò chơi cho nhiều miếng ghép khác nhau về hình quái vật, hình người ma, người chết mất đầu, những đầu nâu nhiều răng thú…, PV không khỏi hoảng hốt. Khi hình ảnh được xếp trọn vẹn thì những hình thù quái dị hiện ra đều chung một giọng cười kinh dị khiến người xem sởn da gà.
Thế mà chưa khi nào chị Thanh thấy cu Tính sợ hãi, khóc lóc khi chơi trò chơi, thậm chí cậu bé còn cười rất khoái chí. Đáng nói hơn là một lần chị đón con đi học về gặp một vụ tai nạn giao thông gây chết người, máu me đầy đường, cu Tính không những không sợ hãi mà còn gọi mẹ với vẻ hứng thú: “Mẹ ơi, đến kia xem có chết người kìa. Máu chảy y như trong điện thoại của mẹ ấy. Thích quá!”. Hoảng sợ trước thái độ của con, về nhà chị Thanh kiểm tra lại thì đúng là trò chơi ghép hình có nhiều hình ảnh kinh dị khiến cu Tính cứ nghĩ cảnh ngoài đời cũng chỉ là trò chơi!
Với trò chơi phi máy bay, người chơi được bố trí ở một trận địa để đấu với hai trận địa của địch. Khi chơi, người chơi phải biết điều hòa các “chiến sỹ” trên máy bay và bom để bắn liên hồi vào hai trận địa còn lại đến khi nào địch không còn mống nào thì coi như chiến thắng. Biểu tượng chiến thắng là… hai vũng máu đỏ(!).
Được biết phần lớn các trò chơi mà cu Tính chọn đều là trò chơi bạo lực. Theo đó, những ngôn ngữ bé giao tiếp gần như bị nhiễm hoàn toàn từ các trò chơi. Trêu đùa với ông bà nội, khi không vừa ý, bé Tính liền giơ tay đánh lại, kèm theo những động từ: “Bùm!, chiu!” của game hành động.
Bình Minh