Thúc đẩy tăng trưởng bền vững
Sáng 4/12, Bộ Công Thương phối hợp với các dự án do Chính phủ Thụy Sĩ tổ chức Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu với chủ đề trọng tâm “Xúc tiến xuất khẩu xanh”.
Đây là một trong những hoạt động chiến lược, góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, giảm phát thải carbon và nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chia sẻ phát triển bền vững đã trở thành một xu thế của thời đại, định hướng chiến lược phát triển của mỗi quốc gia.
Trong đó, phát triển bền vững về kinh tế được là coi là trụ cột nền tảng, là tiền đề để thực hiện phát triển về xã hội và bảo vệ môi trường. Tăng trưởng xanh và bền vững không chỉ là một xu hướng tất yếu mà đã trở thành điều kiện tiên quyết để duy trì năng lực cạnh tranh và bảo đảm sự phát triển lâu dài của các nền kinh tế.
Những chính sách quan trọng như Thỏa thuận xanh châu Âu (European Green Deal), Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn (Circular Economy Action Plan) hay Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030 đang có ảnh hưởng lớn đến phương thức tăng trưởng, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trên thế giới.
“Các chính sách này không chỉ tập trung vào mục tiêu giảm phát thải mà còn đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe hơn về trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường, yêu cầu các nước xuất khẩu phải thay đổi phương thức sản xuất và cách tiếp cận để đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao” Thứ trưởng cho biết.
Việt Nam, với tiềm năng và lợi thế sẵn có, đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa xanh và bền vững, đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo, sản xuất sạch hơn, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.
“Việc chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu của Việt Nam thích ứng hiệu quả với những tiêu chuẩn bền vững là sống còn đối với nền kinh tế Việt Nam”, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng, việc nắm bắt cơ hội này không chỉ giúp Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế mà còn góp phần nâng cao vị thế quốc gia, hiện thực hóa cam kết đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.
“Sự chuyển đổi này đòi hỏi một chiến lược đồng bộ, bao gồm từ định hướng của Chính phủ thông qua các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, sự chủ động của doanh nghiệp trong đầu tư thực hiện các giải pháp chuyển đổi xanh và tinh thần hợp tác đồng hành của các bên liên quan”, ông Tân cho biết.
Đánh giá cao những sáng kiến và thành tựu đã đạt được của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh, Phó Trưởng ban Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam Andri Meier cho biết Thụy Sĩ ưu tiên tính bền vững trong các chính sách thương mại và kinh tế của mình cũng như các chương trình hợp tác quốc tế.
“Thụy Sĩ cam kết hỗ trợ Việt Nam trong hành trình hướng tới một nền kinh tế có thu nhập cao, phục hồi và đạt được các mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và Net-Zero vào năm 2050”, ông Andri Meier nhấn mạnh.
Trong đó, Chiến lược hợp tác phát triển quốc gia sắp tới giữa Thụy Sĩ và Việt Nam trong giai đoạn 2025-2028 sẽ tập trung vào việc thúc đẩy thương mại và đổi mới bền vững, thúc đẩy tài chính công và tư nhân bền vững, đồng thời tăng cường phát triển công nghiệp và đô thị thông minh về khí hậu.
Câu chuyện "dài hơi" của doanh nghiệp
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết theo Thỏa thuận Paris 2015, các nước phát triển cam kết hỗ trợ 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển đến năm 2020.
Tuy nhiên, đến năm 2022 mới lần đầu tiên đạt được cam kết này. Gần đây, các nước phát triển đã đồng ý hỗ trợ 300 tỷ USD cho các nước đang phát triển, mặc dù số tiền này chỉ tương đương 1/4 nhu cầu thực tế.
Đồng thời, Liên minh Châu Âu đã ban hành nhiều quy định mới về báo cáo phát triển bền vững, bao gồm: Yêu cầu các công ty niêm yết phải báo cáo về tính bền vững; Yêu cầu thẩm định chuỗi giá trị về tính bền vững; Quy định về chống phá rừng; Quy định về biên giới carbon.
Các quy định này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Châu Âu.
Nói về vị thế của Việt Nam trong chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, Việt Nam đang ở top 50% toàn cầu về vị trí nền kinh tế xanh. Về cơ sở hạ tầng xanh, Việt Nam đang ở vị trí thứ 94 trên 161 quốc gia. Về tốc độ cải thiện nền kinh tế xanh, Việt Nam đang ở top 25% toàn cầu.
Tuy nhiên, tỷ trọng nền kinh tế xanh của Việt Nam vẫn chỉ khoảng 2%, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế xanh đạt 12-13%.
“Điều này đặt ra thách thức lớn cho Việt Nam trong duy trì thương mại và đầu tư quốc tế, đặc biệt trong mục tiêu đạt 1.000 tỷ USD kim ngạch thương mại”, ông Thọ nhấn mạnh.
Cũng trong Diễn đàn, ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam đã có những thông tin về các quy định và tiêu chuẩn mới của EU đối với hàng hóa xuất khẩu.
Ví dụ, Chỉ thị Báo cáo Phát triển bền vững (CSRD) yêu cầu các doanh nghiệp phải báo cáo về tác động của hoạt động kinh doanh đối với môi trường và xã hội. Hay Quy định chống mất rừng (EUDR) yêu cầu các sản phẩm nhập khẩu vào EU phải có nguồn gốc rõ ràng, không liên quan đến phá rừng. Theo đó, doanh nghiệp phải cung cấp thông tin chi tiết về nguồn gốc sản phẩm.
Đặc biệt, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) áp dụng phí đối với các sản phẩm nhập khẩu vào EU dựa trên mức độ phát thải carbon trong quá trình sản xuất. Mục đích là tạo động lực cho các doanh nghiệp giảm phát thải.
Ông Minh cũng chia sẻ về những cấu phần để tính toán phí CBAM gồm 3 thành phần cơ bản: Khí thải từ nguyên vật liệu; Khí thải từ khâu sản xuất và khí thải phát ra từ việc sử dụng năng lượng.
“Phát triển bền vững là một câu chuyện dài hơi. Trong những khảo sát chúng tôi làm, ý thức doanh nghiệp cao nhưng từ ý thức chuyển sang động lực, chiến lược và thực thi như nào thì cần chuẩn bị, đầu tư dài hạn”, ông Minh nhấn mạnh.
Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ phải tuân thủ các quy định mới, bao gồm báo cáo phát triển bền vững, chứng minh nguồn gốc sản phẩm không liên quan đến phá rừng, và chuẩn bị cho việc áp dụng cơ chế điều chỉnh carbon.
Cần nâng cao nhận thức và có kế hoạch cụ thể để đáp ứng các yêu cầu mới, như đánh giá tác động, xây dựng giải pháp giảm thiểu, và lập báo cáo. Đồng thời chú ý đến các tiêu chuẩn tự nguyện của các đối tác châu Âu về môi trường, xã hội và quản trị (ESG).