Góa phụ là phù thủy
Sonali Kulkarni, một góa phụ sống tại thị trấn Vrindavan (Ấn Độ), cách New Delhi khoảng 150km về phía Đông, nơi có hàng ngàn phận đời cô độc, đang sống mòn trong những thể xác tàn phai vì không có hạnh phúc. Sonali kể lại cuộc đời đau khổ của mình như một bộ phim dài khiến nhiều người phải rơi lệ. Sonali từng có một gia đình hạnh phúc với một người chồng yêu thương cô hết mực.
Niềm hạnh phúc của cô còn được nhân lên khi cô bắt đầu mang thai đứa con đầu tiên. Sonali tin rằng mình là người phụ nữ hạnh phúc nhất trên thế gian và không gì có thể phá vỡ được niềm vui nhỏ bé đó của cô. Nhưng rồi, cuộc sống những tưởng viên mãn ấy bỗng chốc tan thành mây khói trong một ngày trời quang đãng. Buổi chiều, lúc Sonali đang nướng bánh trong nhà bếp, đợi chồng về thì chuông điện thoại reo lên.
Linh cảm chẳng lành chợt ập đến khiến cô hơi choáng váng. Quả đúng như linh cảm, tin dữ vang lên bên kia đầu dây điện thoại, người chồng mới cưới của cô đã chết trong một vụ tai nạn xe hơi trên đường về nhà.
Những góa phụ ở Vrindavan tham gia lễ hội Holi.
Mọi thứ như sụp đổ ngay trước mắt Sonali. Nỗi đau mất chồng cộng thêm cái khắc nghiệt của truyền thống nơi cô ở khiến cuộc sống của cô như đã chết. Cái hủ tục và cách suy nghĩ lạc hậu ở nơi cô sống đã đẩy cô vào đường cùng. Sonali cũng như những góa phụ khác bị xem như là người mang điềm gở, làm chồng cô bị chết và người làng cho rằng, cô sẽ tiếp tục làm các thành viên trong gia đình gặp xui rủi nếu vẫn sống trong nhà đó.
Người ta gọi cô là phù thủy và đánh đuổi cô ra khỏi nhà. Gia đình chồng hắt hủi cô như một "con bệnh", cộng đồng xa lánh cô như một "phù thủy" ác độc. Vết thương trong lòng cô ngày một lớn hơn khiến Sonali bất hạnh không giữ nổi đứa con trong bụng. Niềm hạnh phúc nhỏ còn lại duy nhất đã mất đi, cô không còn lý do gì để sống trên cõi đời cay nghiệt.
Quá uất ức và tủi nhục, nhiều lần cô đã nghĩ đến cái chết, thậm chí cô còn tự cắt mạch máu tay mình để giải thoát số mệnh trái ngang này. Nhưng đường sống của cô còn dài, những lần đó Sonali đều tự tử không thành, cô cũng không thể trốn chạy sự sống trước mắt. Nhưng số phận còn dài, Sonali không thể trốn chạy sự sống.
Không còn nơi nào để đi, cô chợt nhớ đến một nơi có rất nhiều phụ nữ đồng cảnh ngộ đang trú ngụ, đó chính là thị trấn Vrindavan. Đây được xem là vùng đất sinh ra thần Krishna - vị thần cứu giúp tất cả những người cùng khổ thoát khỏi cảnh cùng quẫn. Sonali đã tìm đến thị trấn này, nỗi đau trong cô cũng được xoa dịu bớt như những nỗi đau khác nơi đây. Cô và hàng ngàn góa phụ khác đang nỗ lực thay đổi số phận hẩm hiu của mình.
Có vô vàn mảnh đời bất hạnh khác hiện đang sống tại Vrindavan, già có, trẻ có, thậm chí có cả những em gái chưa đến tuổi trăng tròn. Nhiều nơi ở Ấn Độ vẫn còn giữ hủ tục, ép những bé gái mới 5 - 6 tuổi lấy chồng để trả nợ hoặc theo giao ước của hai gia đình. Các em buộc phải làm theo những cuộc hôn nhân sắp đặt, người chồng của các em có thể là người đàn ông trưởng thành, đôi khi lại là một ông già sắp lìa đời.
Vài năm sau khi kết hôn, người chồng già qua đời do bệnh tật, những bé gái này vẫn bị gọi là phù thủy, là điềm gở của gia đình. Các bé còn quá nhỏ để hiểu chuyện gì đang xảy đến với mình, các em chỉ biết mình bị cấm tham gia vào các buổi lễ lớn của làng và bị đuổi ra khỏi ngôi nhà mình đang sống.
Một góa phụ gia ở Vrindavan
Ánh sáng le lói
Khi đến sống ở Vrindavan, những góa phụ này chỉ thoát khỏi cảnh bị đánh đập và xua đuổi, song họ lại đối mặt với những nguy cơ khác. Cuộc sống của họ không hề dễ dàng khi bị đuổi đi mà trong tay không có một chút tài sản nào. Nhiều người vẫn mặc quần áo tang của Ấn Độ đi ăn xin khắp nơi để kiếm sống qua ngày.
Nhiều góa phụ trẻ tuổi đôi mươi bị hãm hiếp nhưng họ vẫn phải cắn răng chịu đựng trong một thời gian dài bởi "có kêu thì trời cũng không thấu". Theo ước tính, Vrindavan có khoảng 15.000 góa phụ đang sinh sống. Nhiều tổ chức phi chính phủ đang tìm cách giúp những phụ nữ này thoát khỏi hủ tục và có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Cũng như Sonali, góa phụ Radha Radhi Mishre (53 tuổi) tìm đến Vrindavan đã gần một năm sau khi chồng qua đời. Bà cũng bị coi là một "phù thủy", hại chết chồng mình dù rằng chồng bà qua đời vì mắc bệnh hiểm nghèo đã lâu. Radha đặc biệt hơn những người phụ nữ khác bởi dường như Radha là một phụ nữ trí thức trước khi trở thành góa phụ.
Bà có thể nói tiếng Anh lưu loát nhưng bà rất ngại giao tiếp và chỉ lắc đầu khi được hỏi về quãng đời đã qua của mình. Radha chỉ muốn quên đi tất cả và thường cầu nguyện hàng ngày, hi vọng vào một cuộc sống bình dị cho đến khi thực sự về với thần Krishna. Dù rằng có học thức nhưng giờ đây, bà lại có đức tin vào thần Krishna.
Bà cũng như bao góa phụ khác tin rằng, sau khi chồng qua đời, mình sẽ trở thành vợ của thần Krishna, bổn phận của họ là thờ phụng thần Krishna và cầu nguyện mỗi ngày.
Có lẽ họ sẽ mãi sống trong bóng tối như vậy nếu không có ai dám phá vỡ tục lệ để hòa nhập vào xã hội. Ánh sáng đã bắt đầu le lói trong tâm hồn họ khi mới đây, hàng trăm bà góa đã được các nhà hoạt động xã hội hướng dẫn ra khỏi các nơi tạm trú để tham gia lễ hội ở Holi. Holi là một lễ hội độc đáo ở Ấn Độ, mọi người đổ ra đường phố ném bột màu và nước vào nhau. Lễ hội tuy ồn ào, hỗn độn nhưng người ta sẽ thấy gần nhau hơn, lạ cũng thành quen.
Trước đó, những người phụ nữ này cũng mừng lễ Holi nhưng chỉ ở trong thị trấn Vrindavan. Nhà cải cách xã hội ở Uttar Pradesh tên là Shravan Kumar Singh đã tham gia cùng các bà góa trong lễ hội năm nay. Theo ông Singh, sự hòa nhập đó đã phá vỡ đi các rào cản giữa những người phụ nữ này với xã hội bên ngoài.
Ông Singh cho biết, nhiều người đã khóc nấc lên khi tham gia vào sinh hoạt vui chơi bởi đã rất lâu rồi họ mới thấy hạnh phúc đến thế. Nhiều người trong thị trấn cũng tán thành các nỗ lực hòa nhập của họ vào xã hội.
Lễ hội Holi năm nay được tổ chức bởi nhóm Sulabh International - nhóm từng phát động một chương trình phục hồi cho các goá phụ tại 5 nhà tạm trú do chính phủ điều hành. Chương trình này bao gồm việc cung cấp cho họ giáo dục, kỹ năng nghề nghiệp, các cơ sở y tế và trợ cấp 40USD/tháng để bảo đảm họ có đủ lương thực.
Ông Bindeshwar Pathak, người sáng lập Sulabh International, đã từng đến Vrindavan hồi năm ngoái. Ông Pathak kể, những người phụ nữ mà ông gặp đều chỉ muốn chết để quên đi mọi chuyện, để chấm dứt kiếp làm người đau khổ này.
Tuy nhiên, năm nay, sau khi được tham gia lễ hội Holi, những người này gặp ông Pathak đã reo lên: " Không, không, chúng tôi muốn sống". Và họ muốn quên đi tất cả để gây dựng một cuộc sống mới.
Hồng Nhung (Theo BBC/ Hindustan Times)