Đầu tư 200 tỉ USD xây mới toàn bộ hạ tầng cho World Cup
Dầu mỏ và khí đốt đã giúp Qatar trở thành quốc gia giàu nhất thế giới. Đó là lý do tiểu vương quốc có diện tích chỉ 11.437 km vuông sẵn sàng bỏ ra 200 tỷ USD xây mới toàn bộ cơ sở hạ tầng cho ngày hội World Cup 2022 mà không mảy may suy nghĩ.
Nhưng sự giàu có tưởng chừng như vô hạn như vậy cũng chưa chắc mang lại hạnh phúc cho người dân nơi đây.
Khi biết được thông tin Saudi Arabia, các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) cùng một số quốc gia khác cắt đứt quan hệ ngoại giao và cô lập đất nước của mình, Ali al-Mohanadi, đã ngay lập tức lái xe đến siêu thị gần nhà để chuẩn bị cho quãng thời gian khó khăn sắp tới.
"Tôi đã mua rất nhiều rau, thịt gà và sữa đông lạnh cho con tôi, những thứ tôi biết sẽ sớm biến mất khỏi kệ”, cựu trung úy quân đội của thành phố Al Khor nói với Reuters.
Người đàn ông 31 tuổi cho biết ông không cảm thấy hoảng sợ mà chỉ muốn chuẩn bị mọi thứ. Nguồn thực phẩm chủ yếu của Qatar đến từ nhập khẩu và nhiều người lo sợ việc phong tỏa đất nước có thể dẫn tới tình trạng khủng hoảng lương thực.
Sự bối rối và lo âu đang thể hiện rõ trong sinh hoạt vài ngày qua của người dân Qatar dù chính phủ liên tục trấn an vấn đề lương thực sẽ vẫn đảm bảo.
Trong khi đó hàng ngàn người đã không thể lên chuyến bay tới UAE, Saudi Arabi và Bahrain và bị cắt đứt liên lạc với người thân ở những quốc gia này. Mohammed, giáo sư đại học Qatar, cho biết: "Mẹ tôi là người gốc UAE nhưng không thể đến thăm người mẹ đang đau yếu của mình”.
Trong lúc chính phủ Qatar đang làm mọi cách để giảm bớt căng thẳng ngoại giao, người dân nơi đây mong chờ sẽ không có những bi kịch xảy ra. "Tôi nghĩ rằng ba điều chúng tôi lo sợ nhất là mối liên hệ gia đình bị cắt đứt, tấn công quân sự có thể xảy ra và sự tan rã của Hội đồng Hợp tác Vịnh", Mohammed bày tỏ.
Đọc thêm>>> Khủng hoảng vùng Vịnh: TT Erdogan sẽ 'vung gươm' bảo vệ Qatar?
Quốc Vinh