Năm nay, theo báo chí đưa tin, các khoản thu trong trường công lập ở thành phố Hồ Chí Minh có... 26 khoản chính thức, cao nhất là 8,5 triệu một tháng (có báo đưa tin tới 30 khoản thu). Các tỉnh thành khác hình như cũng có những quy định cụ thể.
Vấn đề là, các trường càng khó khăn thì nhu cầu sắm sửa mua thêm, sửa chữa trường lớp càng nhiều, và hiển nhiên sẽ phải thu nhiều hơn các trường đã có đầy đủ mọi thứ.
Hồi con gái tôi còn đi học, tôi cũng từng tham gia một khóa làm hội trưởng phụ huynh. Và quả là, tôi thấy, có nhiều khoản, nếu phụ huynh không xắn tay vào thì nhà trường không thể xoay xở được, bởi các khoản kinh phí được cấp cho trường (ở đây chỉ nói trường công) không có mục ấy, từ cái sân trường bị lở một góc tới cái cổng bị xệ, từ cái bàn bị gãy chân tới thuê dọn vệ sinh, từ nước uống tới khen thưởng cuối năm, từ cưa cái cây bị chết tới cái bảng tên trường tróc sơn vân vân, thêm vài khoản tế nhị nữa, như quà cho giáo viên các dịp lễ tết, hiếu hỉ vân vân...
Nhưng tôi tuyên bố sẽ đứng về phía... người nghèo, nên tiền thu chung rất ít, còn lại vận dụng các mối quan hệ cá nhân để xin thêm.
Nhưng không phải ai cũng nhiệt tình thế và cũng có thể quan hệ như thế.
Bèn sinh chuyện.
Và trăm tội đổ đầu hội phụ huynh.
Ứng xử khéo thì đẹp lòng cả hai bên, không thì... khó.
Nên nhiều người nói hội phụ huynh chỉ có chức năng... thu tiền là thế.
Và quả là cũng có một số hội phụ huynh gây điều tiếng khi cái sự thu chi không rạch ròi. Một số nơi thì, về danh nghĩa, trường không liên quan tới những việc thu của hội phụ huynh, nhưng có... gợi ý.
Và quả là, nhu cầu cũng ngày càng cao. Ví dụ máy lạnh cho lớp học, ví dụ ti vi (dù nhiều người thắc mắc mắc ti vi làm gì), ví dụ internet (cũng nhiều người thắc mắc cấm học sinh mang điện thoại thì mắc internet làm gì) vân vân...
Thấy một vài diễn đàn đang thắc mắc chuyện đồng phục nữa. Giờ nghe nói đồng phục tới cả... ba lô.
Mới nhất, một phụ huynh ở một thành phố công nghiệp gửi tin nhắn cho tôi. Xin phép không nêu cụ thể tên trường, thành phố và cả tên phụ huynh, bởi trong cái nhóm phụ huynh lớp 3 ấy, cô giáo chủ nhiệm nhắn: “Thưa quý phụ huynh, như lúc sáng cô đã nói với phụ huynh dự họp có ý kiến gì thì ý kiến. Còn xong cuộc họp mình không ý kiến và bình luận quý phụ huynh nhé. Như cô đã nói, nhà trường không bắt phụ huynh quyên góp máy tính, mà là tinh thần tự nguyện. Căn cứ tình hình thực tế quý phụ huynh nhận thấy việc gì có lợi cho các con mình thì làm ạ. Lúc sáng phụ huynh họp và bàn bạc, nếu quý phụ huynh đã nhất trí thì mong quý phụ huynh không đăng tin lên mạng xã hội. Nếu phụ huynh nào đăng thông tin sai thông tin thì phụ huynh chịu trách nhiệm ạ. Cám ơn phụ huynh. Việc quyên góp ủng hộ máy tính là cho các con học. Và ủng hộ không cào bằng, tùy vào khả năng của quý phụ huynh chứ không bắt buộc. Trân trọng”.
Phụ huynh này cho biết bản thân là công nhân ở khu công nghiệp ấy, và năm nào lớp/ trường cũng thông qua hội phụ huynh để thu các khoản như tivi, mái che, và năm nay là máy vi tính. Trước hôm nhận lớp một ngày thì phụ huynh đã được mời họp. Lớp thu thừa 2 bộ máy tính và hội phụ huynh lớp đề nghị... tặng cho trường.
Thực ra bạn này cũng không kiện cáo gì, chỉ là gửi tin nhắn cho tôi vì đọc bài “Lan man đầu năm học” của tôi trên Người đưa tin tuần trước, hỏi rằng là thu như thế có đúng không?
Tôi thì nói thật, dẫu cũng nghiên cứu này nọ, nhưng thấy trường hợp này... khó quá. Ngay chuyện việc riêng của hội phụ huynh nhưng cô chủ nhiệm nhắn thế trong nhóm cũng đã thấy nó hơi... sai sai. Rồi chuyện thu như thế có đúng không, tôi bảo bạn ấy sao không hỏi lại thầy hiệu trưởng, bạn ấy bảo... sợ. Sợ con bị trù dập. Kể cả bạn ấy bảo, không muốn nhưng vẫn phải cho con đi học thêm ở nhà cô, bởi không muốn cháu bị... lẻ loi giữa cộng đồng dù rất muốn cháu được chơi, mới lớp 3 cũng chưa cần học thêm lắm. Vả học thêm phải đưa đón cháu mà cả hai vợ chồng đều phải đi làm. Thế là lại phải đủ kiểu nhờ, kể cả grab đưa đón con đi học thêm.
Lại cũng sáng nay ở Pleiku, có vụ phụ huynh mang băng rôn căng ở trường, phản đối một cô giáo dạy nhạc vì theo phụ huynh, cô này chuyên bạo hành tinh thần các cháu, dạy nhạc cho học sinh tiểu học mà bắt các cháu phải như chuyên nghiệp, rồi lại... sửa điểm nếu phụ huynh tới thăm. Vụ này UBND tỉnh phải vào cuộc giải quyết nhưng có vẻ như vẫn chưa hạ nhiệt.
Lại nhớ tin nhắn của bạn phụ huynh ở khu công nghiệp kia: Trường con cháu, các cô như vua.
Nhưng tôi cũng chơi với rất nhiều giáo viên, các thầy cô hiệu trưởng, hiệu phó..., thấy họ rất đáng khâm phục, họ vì học sinh thật sự, họ trăn trở với từng li từng tí hiện tượng xảy ra trong trường họ. Có cô giáo chủ nhiệm nói: Cháu chỉ thu hộ đúng khoản nào đúng quy định, ngoài ra cháu kiếu. Có hiệu trưởng móc cả tiền túi để làm các việc lặt vặt thay vì tiền trường hoặc của hội phụ huynh.
Ôi thiên hình vạn trạng chuyện... thu đầu năm học, những gì tôi biết chỉ là góc nhỏ.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.