Đến nay, đàn chó của bà đã lên tới 60 con cùng 20 con mèo nhưng bà vẫn tiếp tục nhận về những con vật bị bỏ rơi. Bà là Trần Thị Bích Vân…
Bà Vân bên những con chó
Nghiệp!
Ngôi nhà bà mướn nằm sâu trong một con hẻm nhỏ trên đường Phạm Hùng (quận 8, TP.HCM). Phía sau chiếc xe máy cà tàng của bà là hai con chó, một con bị bị mù mắt, ghẻ lở, con còn lại bị cụt một chân. Bà bảo mới nhận chúng tại một trạm thú y tại quận 3 do chủ đem đến khám rồi bỏ rơi.
Thật tình, nếu không có bà thì tôi không đủ can đảm bước vào nhà vì vừa bước qua cánh cửa một đàn chó vài chục con đủ loại, lớn có, nhỏ có ào tới quanh tôi. Con thì sủa vang, con ngửi ngửi hít hít, con chồm lên người… làm tôi phát hoảng. Bà nhẹ nhàng ẵm con chó nhỏ nhất bị mù vào lòng vừa la đàn chó ngưng sủa. Bà ghé tai tôi nói nhỏ mà như hét: "Thôi cô với cháu ra ngoài nói chuyện, ở đây "tụi nó" sủa ồn ào không nghe được gì đâu".
Mỗi ngày, bà cho đàn chó, mèo của bà ăn ngày hai bữa khoảng hết mười kí gạo. Lạ thay là bà cho tất cả chúng ăn chay để chúng bớt đi tính hung hăng dã thú, không cắn xé, đánh giết đồng loại và con vật khác. Bà tâm niệm: "ăn chay không chỉ có thể kiềm chế dục tính, giúp con người hòa nhã yêu thương nhau hơn, sống tốt hơn mà còn có thể cải biến tính hoang dã của loài vật".
Khi đã cho đàn chó, mèo ăn xong, bà tâm sự: "Mỗi người sống trên đời đều có cái nghiệp. Việc nuôi nấng những con chó, con mèo cô coi như đó là nghiệp của mình rồi, không dứt ra được. Cô thương chúng vì chúng là con vật trung thành với con người nhất, khi chúng mạnh khỏe, đẹp đẽ thì nhiều người thương yêu, ôm ấp, vuốt ve nhưng khi chúng bệnh tật thì bị chủ bỏ rơi không thương tiếc". Bà nói, đôi mắt cứ nhìn xa xăm như đang chiêm nghiệm thế thái nhân tình.
Bà kể, trước đây bà cũng có nhà cửa, có nghề nghiệp và có một gia đình hạnh phúc nhưng chỉ vì thương đàn chó mà bà bị đuổi đi vì người thân không chấp nhận nuôi không một đàn chó đông đúc mà chẳng có lợi lộc gì.
Không thể dứt bỏ đàn chó, bà chấp nhận ra đi với một chiếc xe ba gác cũ mèm cùng tài sản quý nhất của bà là đàn chó gần 20 con. Cả người và đàn chó cùng rong ruổi trên mọi ngả đường, mọi hang cùng ngõ hẻm trên chiếc xe ba gác để kiếm sống qua ngày. Ban ngày, bà đi lượm ve chai hay ai thuê mướn gì thì làm nấy kiếm hai bữa cơm cho mình cùng đàn chó. Có hôm kiếm được quá ít tiền, bà nhịn bớt phần ăn của mình chứ chẳng bao giờ để đàn chó phải chịu đói. Đêm đến, bà đi xin nước, xin không có thì mua để tắm cho đàn chó, nhất quyết không để chúng ở bẩn mà sinh bệnh.
Cả người và chó quây quần ngủ trên xe ba gác như những người bạn, người thân trong gia đình. Những đêm mưa tầm tã, sợ đàn chó ướt lạnh, bà phải thức che chắn cho chúng khỏi dột ướt như gà mẹ ấp ủ đàn con của mình. Lạ thay, những con chó bệnh tật ban đầu được bà đem về chăm sóc, nuôi nấng đều trở lại khỏe mạnh dù phải ăn uống kham khổ, thiếu thốn.
Ban đầu chỉ có vài con bà đem về, dần dần, ai thấy chó, mèo bị tật nguyền, bị bỏ rơi đều gọi cho bà. Thương chúng, bà đem về hết, chăm lo cho tất cả. Có người đợi khi bà đi vắng thì đem chó đến chiếc xe ba gác bỏ lại rồi đi luôn không nói một lời. Có người thương tình cho bà và đàn chó tá túc buổi đêm dưới mái hiên, nhưng khi đàn chó quá đông thì người ta không cho bà ở nữa vì ồn áo và sợ chó làm bẩn trước cửa nhà họ.
Thương đàn chó, mèo như con
Khi đàn chó của bà quá đông, gần 60 con chó và 20 chục con mèo thì chiếc xe ba gác bé tẹo không đủ chỗ cho tất cả chúng mà người ta thì không cho bà sống nhờ dưới mái hiến nữa, phải đi nơi khác. Phần nữa, mỗi đêm bà đều lo sợ, canh chừng những tên "cẩu tặc" cứ đợi bà sơ sẩy là bắt mất chó nên bà gom góp tất cả số tiền tích cóp được, bán luôn chiếc xe ba gác lấy tiền mướn một căn nhà nhỏ giữa một cánh đồng hoang bên quận 7 cho đàn chó tá túc, không phải rong ruổi với bà suốt ngày ngoài đường chịu nắng, chịu mưa nữa.
Nhớ lại những đêm giáp mặt với đám "cẩu tặc", bà kể: "Đêm nào chúng cũng rình rập đợi tôi ngủ thì xông vào bắt chó nên tôi chẳng dám ngủ, canh chừng cho đến khi trời sáng chúng mới chịu bỏ đi". Rình rập không được thì chúng hăm dọa sẽ "thịt" bà cùng đàn chó luôn nếu bà cứ phản kháng. Có khi chúng làm liều thì bà chạy ra hô hoán đến khi mọi người đổ xô thì chúng mới bỏ đi. Từ đó, mỗi đêm bà luôn đẩy xe đến nơi nào gần chốt dân phòng mới dám ngủ để có bất trắc thì còn có người giúp đỡ.
Hết đám "cẩu tặc" thì lại gặp những người đi mua chó làm phiền. Những người này "dụ" bà cứ nhận chó về thật nhiều, bao nhiêu họ mua hết, kiếm tiền sống chứ nuôi chúng không chẳng có lợi ích gì. Bà vẫn cự tuyệt tất cả.
Sống cực khổ, nhưng mỗi khi chó, mèo bị bệnh bà đều đưa chúng đến các trạm, bệnh viện thú y khám chữa bệnh. Con nào bệnh bỏ ăn, bà chạy đôn chạy đáo vay mượn tiền mua sữa, mua thực phẩm dành cho chó trong siêu thị về bồi bổ cho chúng như một người mẹ hiền từ chăm sóc đứa con bệnh. Khi có con nào chết, bà buồn rầu bồng chúng đi hỏa thiêu rồi chôn cất tử tế.
Khổ vậy chưa hết, năm ngoái, chủ nhà lấy lý do đàn chó quá ồn ào nên không cho bà mướn nữa. Phải trả nhà, người đàn bà gầy gò cùng đàn chó, mèo đông đúc ấy chẳng biết phải đi đâu vì mướn được nhà rất khó và đắt. May thay, một số người thấy việc làm nhân nghĩa của bà đã trợ giúp bà ít tiền, tìm thuê giúp bà một ngôi nhà trong hẻm trên đường Phạm Hùng cho bà và đàn chó mèo ấy sinh sống cho đến nay.
Nỗi lo cuối đời…
Bà chỉ lo là sức bà không còn mạnh khỏe như trước để có thể lo cho tất cả đàn chó, mèo. Bà tâm sự: "Cô bây giờ 60 tuổi rồi, không biết khi nào thì ra đi, chỉ sợ để lại đàn chó, mèo không ai nuôi nấng chăm sóc. Khi đó chúng lại lần nữa bị bỏ rơi như trước kia đã bị chủ hắt hủi không thương tiếc thì tội nghiệp chúng lắm. Cầu trời cho cô sống lâu một chút để tiếp tục làm công việc của đời mình và trả nghĩa với những người đã giúp đỡ cô làm việc này".
Hiện nay, người phụ nữ gầy gò, dáng vẻ khắc khổ ấy vẫn hàng ngày đi bán ve chai, làm mướn lo cho đàn chó, mèo được ngày hai bữa no đủ. Những lúc bà về, dù chưa bước vào cửa thì đàn chó, mèo ấy đã nghe mùi bà nhao nhao ùa ra đón như những đứa con ở nhà chờ mẹ đi chợ về mua cho quà bánh. Chúng quanh quẩn bên bà, chồm lên đòi bà ẵm bồng, ôm ấp. Những con chó bị tật không chen lấn được với những con chó lành lặn khác thì kêu lên ăng ẳng như cũng muốn được bà vuốt ve, được cưng chiều giống đứa con nhỏ giành mẹ về phía mình. Với bà đó là một niềm vui bất tận.
Lê Nguyên Trường Giang