Tôi lấy chồng xa nên rất mong tết vì đó là dịp để tôi được về với mẹ dài ngày. Từ rằm tháng Chạp, tôi tranh thủ dọn dẹp nhà cửa và giặt giũ phơi phóng đâu vào đó, tới ngày 23 đưa ông Táo về trời xong thì đi chợ mua sắm thực phẩm, rồi đếm lịch đợi tới 28 là ngày công ty nghỉ làm.
Quê tôi bây giờ đã có siêu thị nên thành phố có món gì thì ở quê cũng có món đó, thậm chí thức ăn quê còn tươi ngon phong phú hơn vì có vịt gà và củ quả vườn nhà. Nhưng mẹ mong quà tôi đem về, tôi biết, dù mẹ luôn nói: “Nhà mình mua sắm đầy đủ rồi mà, đường sá xa xôi tay xách nách mang làm chi cho nặng vậy con”. Mẹ kêu lên thật to và hàng xóm bên này lẫn bên kia cùng hướng mắt qua hàng rào nhìn cu Tý ngồi ịch trên va-li và những túi những giỏ chồng tôi vừa đặt xuống thềm nhà. Hai bên hàng xóm trầm trồ: “Mâm cúng ông bà năm nay chắc là đặc biệt lắm hả?”. “Con rể đưa cháu về quê ăn tết với ngoại kìa. Nhìn thằng nhỏ dễ thương quá ha”…
Em trai tôi đang năm thứ ba Đại học Y khoa. Trường lớp được nghỉ sớm hơn nên em đã về trước tôi và nhận phần dọn dẹp nhà cửa vườn tược từ sớm, chỉ chừa lại một việc là thay cái bóng đèn trước thềm. Chị em tôi rất hiểu mẹ thích được hàng xóm chứng kiến cảnh con-cái-học-hành-thành-đạt-từ-thành-phố-về-xúm-xít-quanh-mẹ cho nên đợi khi vợ chồng tôi về đến nơi thì em trai khiêng cái thang từ ngoài vườn đi tới thềm và trước con mắt của mấy bà hàng xóm nhìn ngó vợ chồng tôi tiến vào sân, em sẽ leo lên thay bóng điện ở mái hiên và đóng thêm cây đinh cho cái máng xối chắc chắn hơn. Hàng xóm bên này xuýt xoa: “Bác sĩ tương lai mà cũng biết sửa điện nước kìa”.
“Tụi nó cứ muốn động tay động chân” - mẹ trả lời bằng giọng ra vẻ càu nhàu vì chúng tôi bày thêm chuyện ra mà mắt mẹ lấp lánh, khuôn mặt mẹ bừng sáng khiến những nếp nhăn lặn mờ đi. Mẹ bưng ra nồi chè nấu từ sáng sớm: “Ăn đi, ăn nhiều vô mấy đứa, đi đường xa mệt ăn chè hạt sen - củ năng này vừa bổ dưỡng vừa giải nhiệt tốt lắm đó”. Rồi mẹ bảo: “Yên tâm đi, mẹ có biết mà, nghe ti vi nói không nên ăn nhiều đường nên mẹ nấu vừa ngọt thôi. Củ sen, củ năng này mẹ mua ở ao nhà xóm trên chứ không phải ở chợ đâu mà sợ ăn trúng đồ ngâm thuốc độc hại”.
Nghe ti vi nói... Nghe ti vi nói...
Cả ngày bán hàng ngoài chợ, chiều tối về tới nhà mẹ vừa nấu nướng dọn dẹp vừa nghe ti vi. Đúng là “nghe” vì mẹ không rảnh mà ngồi trước màn hình. Hồi chị em tôi còn ở nhà, nhiều lần chứng kiến ba mẹ buồn vui vì cái ti vi. Thấy mẹ mải loay hoay công việc, ba bèn chuyển kênh bóng đá. Mẹ cự nự: “Chương trình khoa học phổ thông đang hay vậy mà sao không để nghe cho biết?”. Khi đang vui, ba mỉm cười độ lượng và bấm trả lại kênh cho mẹ, nhưng gặp lúc có chuyện bực mình thì ba gắt: “Bà nghe như vịt nghe sấm chứ biết được cái gì”.
Mỗi khi ba nói câu này, mẹ bất động một hồi lâu mà khi lớn thêm một chút tôi mới hiểu ra là lúc đó mẹ cố gắng để không òa khóc. Đợi tới khi ba ra khỏi nhà, mẹ thủ thỉ với chị em tôi: “Ông bà ngoại hồi đó cứ sợ con gái mà biết chữ thì viết thư cho trai, hư thân mất nết nên đời mẹ không được học hành. Ngu dốt chẳng biết gì bị người ta coi thường...”. Mẹ mếu miệng chua xót nhấn mạnh hai tiếng “người ta”, rồi đợi qua cơn nghẹn ngào, mẹ cứng cỏi quả quyết: “Phải cố gắng học nghe chưa?”.
Tưởng mẹ chỉ đòi hỏi chị em tôi cố gắng thôi, nào ngờ...
Mua bán cả ngày ngoài chợ tiền này tiền nọ tiền kia mẹ nhớ trong đầu rồi đợi tới lúc về nhà thì nhờ tôi ghi ra giấy. Bẵng đi một dạo không thấy mẹ nhờ nữa, tôi tưởng đã có em trai ghi thay mình. Cho tới một ngày kia, tôi khoe với mẹ điểm mười thì mẹ cũng khoe ra cuốn sổ: “Dạo này mẹ tự viết được rồi nè con”.
Bún khô mẹ viết thành “búng kô”, con ghẹ thành “con gẹ”, năm chục ngàn mẹ viết số 5 và số 10 và chữ “ngàng”...
Tôi cầm cuốn sổ có những con chữ nhỏ to lộn xộn và đầy lỗi chính tả, thấy thương và phục mẹ vô cùng. Nhớ lại những khi mẹ cầm cuốn sách luyện thi đại học của tôi rồi chỉ tay vô từng chữ cái ở trang bìa mà hỏi han chữ hoa chữ thường, tôi đã tưởng đó chỉ là cách mẹ biểu lộ sự quan tâm tới việc học của tôi mà thôi.
Em trai tôi khi đó ham chơi game lắm, mấy lần bị ba đánh đòn vẫn không chừa. Vậy mà nhìn thấy cuốn sổ của mẹ, em khóc, từ đó thôi game.
Khi tôi về thành phố học đại học, không phải tháng nào cũng có sẵn tiền để gửi một lần mà gửi lắt nhắt thì cước bưu điện tốn kém, ba nói mở tài khoản ngân hàng chuyển tiền qua thẻ cho tiện. Mẹ rất ngạc nhiên khi nghe nói một sinh viên mới từ quê lên tỉnh mà được có thẻ ngân hàng, vậy thì mẹ cũng muốn có một cái cho biết.
Em trai gọi điện thoại kể tôi nghe, từ ngân hàng về mắt mẹ đỏ hoe, gặng hỏi bao lần mẹ mới kể ra là trước đông người, cô nhân viên ngân hàng chê bai mẹ không biết thì nhờ người khác viết cho chứ chữ mẹ như cua bò không ai đọc được, không rành mặt chữ mà đòi mở tài khoản rủi lỡ đụng kẻ xấu thì mẹ mất tiền mà ngân hàng cũng bị vạ lây.
Mẹ vừa thút thít vừa cầm tay con trai, ừ, ngón tay còn trẻ nên mềm mại, tay mẹ già rồi nên cứng lắm, muốn cầm bút mà khó quá đi.
Tưởng mẹ nói vậy thôi, nào ngờ mùng Một tết năm đó...
Mẹ chìa ra hai phong bì, ngỡ là mẹ lì xì tiền cho hai đứa như thường lệ. Nhưng bên trong là tấm thiệp và lời chúc “Mừng năm mới chúc con vui vẻ”.
Mẹ nở nụ cười bẽn lẽn chờ phản ứng của hai đứa con, còn tôi thì lặng người mân mê tấm thiệp màu trắng in hình hai đứa bé vịn cành mai vàng rực rỡ, dòng chữ viết bằng bút bi màu mực xanh, từng chữ cái nắn nót. Cả hai chị em tôi đều đã đi học ở thành phố, nhà chỉ còn ba và mẹ. Tôi hình dung những buổi tối đợi ba ngủ say, mẹ rón rén ngồi dậy cắm cúi tập viết một mình. Tôi ứa nước mắt nhớ lại khi ba gắt gỏng: “Bà nghe như vịt nghe sấm chứ biết được cái gì”. Mẹ hẳn cô đơn lắm với khát khao mong được hiểu biết vượt qua sự mù dốt...
Mà mẹ đã làm được.
Tôi đã nhận được sáu tấm thiệp mẹ tự tay viết lời chúc, năm nay là tấm thiệp thứ bảy. Không còn bất ngờ như lần đầu tiên nhưng tôi vẫn nguyên niềm xúc động khi được cầm tấm thiệp của mẹ trên tay.
Theo Phunuonline