Thiết bị công nghệ khó sửa và mối đe doạ tới môi trường

Thiết bị công nghệ khó sửa và mối đe doạ tới môi trường

Lương Đức Trọng

Lương Đức Trọng

Thứ 6, 06/10/2017 05:56

Các ông lớn công nghệ hàng đầu trên thế giới như Apple, Samsung, Asus,… đang ngày càng lợi dụng sức ảnh hưởng của mình để thi nhau cho ra đời những chiếc smartphone cũng như dòng laptop khó sửa chữa, khó tái chế và xem nhẹ những quy chuẩn bảo vệ môi trường.

Vì sao các hãng công nghệ muốn làm ra các thiết bị khó sửa chữa

Lấy ví dụ với Apple, công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất trên thế giới. Thành công của “táo khuyết” phần lớn đến từ việc kinh doanh các sản phẩm công nghệ mà chủ yếu là iPhone. Ở thời điểm thành công nhất (2015), Apple bán ra tới 231,5 triệu iPhone. Trong thời gian gần đây, dù mức tăng trưởng có chậm đi đôi chút nhưng nguồn tiền từ kinh doanh smartphone vẫn mang lại cho Apple 50% doanh thu. Lợi nhuận Quý II/2017 của hãng đạt 8,7 tỷ USD, đa số đến từ 41 triệu iPhone bán được.

Công nghệ - Thiết bị công nghệ khó sửa và mối đe doạ tới môi trường

 

 

Trong bối cảnh các tổ chức môi trường trên thế giới đang kêu gọi sản xuất các sản phẩm công nghệ “xanh”, tăng tuổi thọ pin và giảm số thiết bị mới tạo ra hàng năm thì Apple cùng nhiều tập đoàn công nghệ khác như Samsung, HTC, Asus,… lại đi ngược lại điều này. Theo TheVerge, sở dĩ các hãng công nghệ nói trên có thể bán ra nhiều thiết bị mới là do họ ngày càng rút ngắn vòng đời sản phẩm, hạ thấp chất lượng linh kiện. Điều này khiến người dùng thải bỏ các thiết bị cũ thường xuyên hơn với nhiều lý do như pin chai, hoạt động chậm chạp, lỗi phần cứng để đến với các thiết bị mới tiên tiến hơn.

Ngoài ra, các hãng công nghệ cũng cố tình làm cho sản phẩm của mình khó khăn hơn trong việc sửa chữa bằng cách sử dụng ốc vít “kì dị”, thiết kế nguyên khối và các tiêu chuẩn độc quyền. Chẳng hạn các sản phẩm của Apple nổi tiếng là khó thay pin vì công ty thường thiết kế các thành phần khác nằm phía trên và dán dính pin vào bo mạch. Hoặc Galaxy Note 8 khi muốn sửa chữa đều phải tháo tấm kính phía sau ra, một nhiệm vụ đầy thách thức và phải dùng đến nhiệt độ cao vì có rất nhiều keo giữ vị trí.

Phớt lờ các quy chuẩn bảo vệ môi trường

Báo cáo của Repair Association nêu rõ, việc các sản phẩm công nghệ ngày càng khó sửa chữa cho thấy các thiết kế ngày nay không đi kèm tiêu chí bảo vệ môi trường, hạn chế sản xuất chất thải. Các hãng công nghệ thường tự quyết định cách thức hoạt động gắn với môi trường của họ, sau đó gắn nhãn tiêu chuẩn này lên các sản phẩm để thể hiện “hình ảnh thân thiện môi trường” của mình với người dùng, trong khi lại thực tế họ đang làm ngược lại.

Kyle Wiens, CEO của công ty chuyên “phẫu thuật” và chấm điểm sửa chữa các sản phẩm công nghệ iFixit, đồng thời nằm trong ban lãnh đạo của Repair Association cho biết: “Trong nội bộ tập đoàn công nghệ lớn, dường như đội ngũ phụ trách mảng môi trường bị kìm hãm chức năng. Họ sinh ra là để đảm bảo các sản phẩm đủ tiêu chuẩn thân thiện môi trường, nhưng lại không hề có quyết định ngược lại nếu sản phẩm đó không đạt chuẩn". 

Wiens cũng cho biết các cuộc biểu quyết về tiêu chuẩn của các nhóm ủng hộ môi trường thường không có kết quả như kỳ vọng. Chẳng hạn, trong cuộc bỏ phiếu bầu cử gần đây nhất của IEEE (Institute of Electrical and Electronics Engineers - Viện kỹ nghệ Điện và Điện tử), các nhà sản xuất chiếm đa số với 41% số phiếu, đại diện ngành công nghiệp là 28%, trong khi các học viện và nhóm vận động vì cộng đồng chỉ chiếm 7% trong hội đồng quản trị. Điều này dẫn đến kết quả bỏ phiếu thường đi theo hướng có lợi cho các hãng sản xuất.

Các hãng công nghệ thường tìm cách lách các luật đề ra để bảo vệ môi trường càng nhiều càng tốt. Chẳng hạn tìm cách dán nhãn màu vàng - tiêu chuẩn cao nhất của sản phẩm thân thiện môi trường theo EPEAT - công cụ đánh giá mức độ thân thiện với môi trường của đồ điện tử. 

Công nghệ - Thiết bị công nghệ khó sửa và mối đe doạ tới môi trường (Hình 2).

 

 

Apple vừa ra mắt Macbook mới với ổ cứng SSD độc quyền, thanh RAM không thể nâng cấp, cục pin Li-Ion dính chặt vào máy, từ đó khiến khả năng thay thế linh kiện và sửa chữa, tái chế của dòng sản phẩm Macbook giảm đi đáng kể. Thế nhưng sản phẩm này vẫn “đàng hoàng” dán nhãn vàng EPEAT như các dòng Macbook trước đây. 

Lý do cho việc lách luật này đó là các tập đoàn công nghệ muốn duy trì các tiêu chuẩn có sẵn, không muốn đưa ra các tiêu chuẩn mới đối với sản phẩm vì có thể khiến họ gặp rắc rối. Ngoài ra, các tổ chức lớn hoặc chính phủ cũng “vô tình” bỏ qua việc quản lý tiêu chuẩn này, bởi các hãng công nghệ thường lại chính là đối tác lớn của họ.

Ngoài ra, quá trình sản xuất các thiết bị công nghệ là khâu có thể tạo ra nhiều tác hại nhất đến môi trường. Vì vậy, ở một số nước, điển hình như các nước thuộc Liên minh châu Âu, có những quy định rất nghiêm ngặt đối với các loại vật liệu, thành phần, hợp chất hóa học có liên quan đến quy trình sản xuất.

Những quy định này đã giảm thiểu đáng kể việc sử dụng các nguyên liệu độc hại trong quá trình sản xuất, bởi hầu như chẳng có công ty nào lại chấp nhận chia quy trình sản xuất ra nhiều phần và đặt ở nhiều nơi (để có thể né tránh các quy định của quốc gia đó).

Tuy nhiên, đối với nhiều người thì đây cũng chẳng phải là tin hoàn toàn tốt. Một chuyên gia trong lĩnh vực môi trường chia sẻ ý kiến: “Những nhà sản xuất đã ngừng sử dụng các chất bị cấm cụ thể, nhưng ai biết được họ đã dùng thứ gì để thay thế chúng. Người ta chỉ quy định những điều cấm, nhưng không có quy định thứ dùng để thay thế phải tốt hơn”.

“Một thiết bị dễ tái chế, dễ nâng cấp là điều các hãng sản xuất không muốn làm, bởi điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh số bán hàng, từ đó khiến doanh thu và lợi nhuận giảm. Và đó cũng chính là lý do vì sao hiện nay các công ty công nghệ lại có xu hướng tạo ra các sản phẩm ngày càng khó sửa chữa hơn, bất chấp những tác động xấu đến môi trường”, chuyên gia nói trên chua chát nhận định. 

Ngọc Quang

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.