Thiết bị dùng hết công suất nên hao mòn: Lẽ ra phải khen bệnh viện!?

Thiết bị dùng hết công suất nên hao mòn: Lẽ ra phải khen bệnh viện!?

Nguyễn Thị Hương Lan

Nguyễn Thị Hương Lan

Thứ 7, 03/06/2017 19:03

TS. Nguyễn Văn Kính - Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương khẳng định: “Dịch chồng dịch, máy hoạt động hết công suất nên hao mòn, đáng lẽ phải khen chúng tôi".

Theo kết quả Kiểm toán Nhà nước (KTNN), bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là một trong những đơn vị có thiết bị chưa hết thời gian tính hao mòn nhưng đã bị hỏng, không sử dụng được (hệ thống tagMan PCR-Roche, hệ thống máy chụp XQ cao tần, hệ thống XQ kỹ thuật số Konica)… 

PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Văn Kính - Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương xung quanh vấn đề này. 

PV: Theo KTNN, phía bệnh viện có một số thiết bị chưa hết thời gian hao mòn đã bị hỏng, không sử dụng được. Ông lý giải sao về việc này?

TS. Nguyễn Văn Kính: KTNN về kiểm tra bệnh viện thời gian từ 28/7- 24/9/2016. Trong thời gian làm việc với KTNN, bệnh viện đã giải trình về một số trang thiết bị do sử dụng nhiều với tần suất cao bị hỏng, cần được thay thế bổ sung mới để phục vụ công tác khám và điều trị chuyên môn tại bện viện, trong báo cáo kết luận của đơn vị KTNN cũng chấp thuận với nội dung bệnh viện giải trình là phù hợp.

Tôi đơn cử, hệ thống PCR (Copass taqman), hãng sản xuất Roche. Bệnh viện chúng tôi tách khỏi bệnh viện Bạch Mai từ tháng 6/2006. Hệ thống PCR được cục Y tế dự phòng cấp cho bệnh viện Bạch Mai trước năm 2006 và bệnh viện chúng tôi tiếp quản từ năm 2006, đưa vào sử dụng dùng để đo tải lượng virus HIV, virus siêu viêm gan B, viêm gan C trong cơ thể bệnh nhân. Thiết bị hoạt động liên tục với tần suất cao, đến cuối năm 2015, máy hoạt động không ổn định và do đã sử dụng nhiều năm. Hãng Roche đã hỗ trợ cho bệnh viện mượn máy mới để sử dụng nên không sửa chữa máy cũ, đến nay máy đã khâu hao, hết hạn sử dụng.

Xã hội - Thiết bị dùng hết công suất nên hao mòn: Lẽ ra phải khen bệnh viện!?

 KTNN cho rằng, nhiều bệnh viện thiết bị chưa hết thời gian tính hao mòn nhưng đã bị hỏng.(Ảnh minh họa)

PV: Nhưng thưa ông, KTNN chỉ ra 3 hệ thống thiết bị tại bệnh viện chưa hết thời gian hao mòn đã bị hỏng, không sử dụng được. Phải chăng, cả ba loại thiết bị đều hoạt động hết công suất?

TS. Nguyễn Văn Kính: Máy XQ cao tần (do hãng Quantum, Mỹ sản xuất) được mua bằng nguồn ngân sách Nhà nước năm 2006 và đưa vào sử dụng từ thời điểm đó. Từ 2006 đến năm 2014, bệnh viện chỉ có duy nhất 1 máy XQ, máy phải hoạt động liên tục 24/24 với tần suất rất cao, đặc biệt vào thời điểm thời gian xảy ra dịch bệnh (như sốt xuất huyết, tiêu chảy, cúm…), số lượng bệnh nhân khám từ 500-700 lượt và bệnh nhân điều trị lên đến 500- 600. Máy chụp liên tục không đáp ứng được công suất khám điều trị bệnh nhân. Chúng tôi phải gửi bệnh nhân sang bệnh viện Bạch Mai để chụp XQ và làm kỹ thuật khác.

Cuối năm 2015, máy hoạt động không ổn định, báo lỗi, sự cố liên tục và phải sửa chữa nhiều lần. Sau đó, bệnh viện được ngân hàng Vietinbank tài trợ 1 hệ thống XQ kỹ thuật số mới để thay thế cho máy cũ hỏng.

Hay hệ thống XQ kỹ thuật số CR cũng vậy. Chúng tôi mua năm 2008 và sử dụng từ thời điểm đó đến 2015 thì hoạt động không ổn định, sự cố liên tục. Cả bệnh viện chỉ có 1 máy hoạt động 24/24 và sau đó hãng Fujiphim đã hỗ trợ bệnh viện mượn máy thay thế cho máy cũ hỏng và miễn phí hoàn toàn phí bảo trì, sửa chữa cho đến nay.

Tôi so sánh như thế này, những thiệt bị trên cũng giống như chiếc bóng đèn. Giả sử hạn sử dụng 12 tiếng, mỗi ngày sử dụng 1 tiếng thì hạn sử dụng kéo dài nhưng nếu 1 ngày dùng 12 tiếng thì nó phải hỏng. Chưa  kể các thiết bị đó được nhập từ nước ngoài về nên không được nhiệt đới hóa, độ ẩm cao dễ gây hỏng. Trong khi đó, chúng tôi đã hoạt động vượt công suất, duy trì 9-10 năm và chỉ còn vài tháng nữa là hết khấu hao. So với các lĩnh vực khác, điểm mặt những công trình nghìn tỷ, dự án lãng phí, thất thoát khác, chúng tôi đã sử dụng quá tốt thiết bị, đáng lẽ phải khen chúng tôi.

PV: Nói như vậy, KTNN “kết luận” chưa thỏa đáng và bệnh viện không được tiếp cận báo cáo trước khi công bố, thưa ông?

TS. Nguyễn Văn Kính: Phía KTNN không đưa các thiết bị trên vào nội dung kiểm toán. Tại thời điểm đó, chúng tôi cũng đã lý giải chiếc máy này đã hỏng, lý do là năm nào cũng chống dịch, cả bệnh viện Trung ương chỉ có 1 chiếc máy đó nên hoạt động quá công suất. Chúng tôi dùng hết công suất, thậm chí quá tải công suất được giới hạn. Một ngày lẽ ra chỉ chụp được 50 người nhưng chúng tôi chụp đến 500- 600 người. Máy hoạt động vượt công suất thì phải hao mòn, giống như con người làm quá sức sẽ mệt mỏi. Chuyện đó là hoàn toàn bình thường. Chúng tôi không phải mang tội lãng phí, mua về “đắp chiếu” mà chúng tôi đã nỗ lực hoàn thành công việc, phục vụ tối đa nhu cầu của bệnh nhân.

Bệnh viện Trung ương mà chỉ có một máy thì thử hỏi vận hành như thế nào? Nếu chúng tôi không sử dụng, mang đắp chiếu thì chúng tôi sẵn sàng nhận trách nhiệm. Thực tế không phải chúng tôi vừa chi tiền ra mua máy mà đã sử dụng hàng chục năm, dịch dã liên miên, có năm dịch chồng lên dịch, nếu không dùng máy đó thì bệnh nhân biết làm sao? Chúng tôi làm gì có nhiều máy thay thể để đảm bảo hạn sử dụng?

PV: Nhưng thưa ông, bên hành lang Quốc Hội, đại diện KTNN khẳng định với báo chí, trước khi trình QH đã cung cấp báo cáo kiểm toán cho các bệnh viện xem và phản hồi?

TS. Nguyễn Văn Kính: Trong biên bản kiểm toán của chúng tôi không có các thiệt bị này. Kiểm toán là cần thiết nhưng phải minh bạch và đúng sự thật. Nhưng, phía Kiểm toán không hiểu về chuyên môn, so sánh một cách khập khiễng, không đúng. Chúng tôi cũng đã có công văn gửi lên bộ Y tế và Bộ giải trình với Thanh tra Chính phủ.

Tôi lấy ví dụ, chuyện không xảy ra ở viện chúng tôi, KTNN đưa ra so sánh cùng một dây truyền huyết thanh mà mức chênh lệch cao đến 5-6 lần. Nhưng, dây truyền huyết thanh dùng cho người ghép tạng thì phải được vô trùng tuyệt đối, chống đông vón… thì giá thành phải đắt, không thể so sánh với dây truyền thông thường. Một năm ghép tạng hết mấy chục bộ mà so sánh với loại có thể nhập mấy trăm nghìn bộ. So sánh như vậy là khập khiễng, không có chuyên môn. Kiểm toán đưa ra con số như vậy dễ khiến dư luận hiểu lầm, nếu như các bệnh viện không lên tiếng thì hàm oan.

 PV: Vậy ông có kiến nghị gì với KTNN và bộ Y tế?

TS. Nguyễn Văn Kính: Theo tôi, Kiểm toán phải trung thực và cần xem xét trong hoàn cảnh cụ thể. Rõ ràng thực tế, kiểm toán tại nhiều nhiều bệnh viện và những trang thiết bị được mua sắm trong nhiều năm chứ không thể nói là thất thoát. Phản ánh như vậy là không đúng sự thật. Kiểm toán phải chịu trách nhiệm về thông tin mà mình công bố, công bố sai thì phải xin lỗi. 

Ở các nước quy định mức giá trần, đấu thầu ở đâu cũng được mua giá như nhau nhưng hiện nay chúng ta đấu thầu tập trung những vẫn phải mua giá “lủng củng”, vì thế nên thiếu sự đồng bộ.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Lan Thơm

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.