Gã khổng lồ công nghiệp quốc phòng và hàng không vũ trụ đa quốc gia Leonardo vừa giới thiệu hệ thống tác chiến điện tử (EW) mới nhất của mình, gọi là BriteStorm, cho phép quân ta thọc sâu vào lãnh thổ của quân địch, ngay cả khi lãnh thổ đó được bảo vệ bởi các Hệ thống Phòng không Tích hợp (IADS) hiện đại.
Ra mắt vào ngày 14/10, BriteStorm được Leonardo mô tả là một nền tảng có khả năng thực hiện gây nhiễu cận chiến: Khả năng tác chiến điện tử trên không, được triển khai như lực lượng "tiền trạm" trước lực lượng chính, để cung cấp khả năng can thiệp mạnh mẽ chống lại nhiều mối đe dọa.
BriteStorm nhằm mục đích làm suy yếu hệ thống phòng không của đối phương, ngăn chặn khả năng phát hiện và khóa mục tiêu vào các nền tảng của quân mình, bảo vệ lực lượng đồng minh và hỗ trợ họ thực thi nhiệm vụ. Ảnh: Leonardo
Sử dụng Máy phát kỹ thuật thu nhỏ (MTG) của Leonardo, kết hợp với nhiều ăng-ten và module thu phát (TRM), BriteStorm có thể được tích hợp vào nhiều nền tảng khác nhau, bao gồm cả các hệ thống không người lái (UAV/drone) và có người lái như các loại chiến đấu cơ. Điều này mang lại sự linh hoạt và giảm nhu cầu về các hệ thống lớn hơn, mạnh hơn thường được sử dụng cho các hoạt động gây nhiễu từ xa.
Công nghệ bộ nhớ tần số vô tuyến kỹ thuật số (DRFM) của BriteStorm cho phép nó sử dụng nhiều kỹ thuật tác chiến điện tử khác nhau, chẳng hạn như tạo ra các ảo ảnh của chiến đấu cơ hoặc gây nhiễu các hệ thống của đối phương bằng nhiễu điện tử.
Có thể hình dung, BriteStorm giống như thiết bị có thể giúp bất kỳ chiến đấu cơ nào thi triển "thuật phân thân": Một vật thể thật được yểm trợ bởi hàng loạt ảnh ảo giống bản thật y như đúc.
Tất cả nhằm mục đích làm suy yếu IADS của đối phương, ngăn chặn khả năng phát hiện và khóa mục tiêu vào các nền tảng của quân mình, bảo vệ lực lượng đồng minh và hỗ trợ họ thực thi nhiệm vụ.
"Các nền tảng được lắp đặt BriteStorm có thể được triển khai lên tuyến đầu để gây nhầm lẫn, do đó IADS của đối phương không thể phát hiện, theo dõi và giao tranh với các tài sản quân sự của quân ta", ông Mark Randall, giám đốc phụ trách mảng tác chiến điện tử của Leonardo, cho hay.
Được phát triển tại cơ sở tác chiến điện tử của Leonardo ở Luton, Vương quốc Anh, BriteStorm đã trải qua các thử nghiệm thực chiến như một phần trong quá trình phát triển. Việc thiết bị này có khả năng tích hợp vào nhiều nền tảng khác nhau dự kiến sẽ mang lại sự linh hoạt cho các lực lượng vũ trang, cung cấp các tùy chọn cho cả nhiệm vụ hiện tại và tương lai.
Đáng chú ý, thiết kế của BriteStorm cho phép nó được triển khai trên các nền tảng không người lái có chi phí thấp hơn, giảm thiểu rủi ro liên quan đến việc sử dụng các tài sản chiến lược lớn hơn như các tiêm kích đắt tiền.
Ngoài Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh, Leonardo coi Bộ Quốc phòng Mỹ là khách hàng tiềm năng chính của BriteStorm, với việc thiết bị có thể mang lại lợi thế về khả năng cho các nhà khai thác trong môi trường tác chiến điện tử mạnh mẽ, đồng thời có thể lập trình lại nhanh chóng để phù hợp với tốc độ của mối đe dọa.
BriteStorm được thiết kế để dễ dàng xuất khẩu, với các đơn vị trình diễn đã có mặt tại Mỹ. Leonardo hy vọng sẽ thấy sự quan tâm hơn nữa đối với BriteStorm từ khách hàng ở châu Âu, Trung Đông và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Minh Đức (Theo UK Defence Journal, Leonardo)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Công Nghệ xem các tin, bài liên quan