12 người bị rút tiền lúc nửa đêm, 3 người được hoàn tiền
Sự việc hàng loạt khách hàng của ngân hàng Agribank bị mất tiền dù không hề thực hiện giao dịch đang khiến dư luận xã hội xôn xao. Phản ánh với các phương tiện truyền thông, một số cán bộ Truyền hình Nhân dân (báo Nhân Dân), chủ tài khoản Agribank cho biết, họ bất ngờ nhận được tin nhắn thông báo giao dịch rút tiền vào tối 25/4 mặc dù chủ tài khoản không thực hiện giao dịch.
Nhận thấy sự việc bất thường, các chủ tài khoản đã thông báo cho Agribank, yêu cầu khoá tài khoản và được ngân hàng này chấp thuận yêu cầu, gửi tin nhắn đã xác nhận khoá tài khoản. Tuy nhiên, sau đó các tài khoản vẫn tiếp tục bị rút tiền nhiều lần.
Liên quan đến sự việc này, đại diện ngân hàng Agribank cho biết: Vào khoảng 21h40’ ngày 25/4/2018, Agribank nhận được tin thông báo một số tài khoản thẻ của khách hàng bị trừ tiền dù không thực hiện giao dịch. Ngay lập tức, Agribank đã thực hiện xác minh, nhận diện, khoanh vùng và tạm khóa thẻ ATM nghi bị ảnh hưởng. Nhận định nguyên nhân có thể do chủ thẻ bị đánh cắp thông tin dữ liệu thẻ trong quá trình sử dụng, để đảm bảo an toàn cho khách hàng, Agribank đã chủ động tạm khóa các thẻ ATM nghi bị sao chép dữ liệu.
Theo phía Agribank, đến sáng ngày 26/4, kết quả kiểm tra xác định có 12 khách hàng bị ảnh hưởng. Như vậy, thông tin 400 thẻ ATM của khách hàng bị hack là không chính xác. Đến 15h30 ngày 27/4, Agribank đã hoàn trả đầy đủ số tiền bị trừ từ tài khoản đối với 3 khách hàng có thẻ giao dịch tại ATM thuộc phạm vi quản lý của Agribank. Đối với các chủ thẻ bị lợi dụng rút tiền bằng thẻ giả tại ATM của tổ chức tín dụng khác, Agribank đang tích cực phối hợp thu thập chứng từ và sẽ phản hồi đến khách hàng ngay sau khi nhận được kết quả. Nếu kết quả xác minh xác định nguyên nhân bị mất tiền không do lỗi của khách hàng, Agribank cam kết sẽ bồi hoàn đầy đủ số tiền bị tổn thất.
Sao kê các giao dịch qua tin nhắn của khách hàng này cho thấy, 9 giao dịch đều được rút mỗi lần với số tiền 3.003.300 đồng. Theo nhiều chuyên gia ngân hàng, với cách rút này, nhiều khả năng kẻ gian đã dùng thẻ giả mạo đã ăn cắp thông tin khách hàng để rút tiền tại ATM. Một chuyên gia cho rằng, việc cùng lúc có nhiều chủ tài khoản tại một cơ quan bị tấn công, không loại trừ khả năng kẻ gian dùng chiêu skimming để ăn cắp thông tin thẻ tại máy ATM đặt ở gần đơn vị này.
Skimming là thiết bị như một bảng nhựa chứa camera lấy cắp thông tin thẻ, được kẻ gian ốp phía ngoài khe quẹt thẻ. Bằng hình thức này, kẻ gian có thể ghi lại toàn bộ hoạt động nhập mã PIN của khách hàng khi rút tiền. Khi thẻ được đưa vào sẽ đi qua thiết bị skimming trước rồi mới vào khe cắm thẻ. Nhờ vậy, tội phạm sẽ lấy được toàn bộ thông tin lưu trữ trên dải từ của thẻ.
Quan sát kỹ khi rút tiền tại ATM
Trước đó, chị Nguyễn Thúy Nga (SN 1984, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) phản ánh với báo Kinh tế đô thị chuyện chị bị kẻ gian rút tiền từ thẻ ATM của ngân hàng Vietcombank. Trước sự việc này, chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hệ thống bảo mật của ngân hàng không thể bảo mật khách hàng một cách tuyệt đối.
Trên tờ VOV, ông cho rằng, nhiều ngân hàng đầu tư vào công nghệ thông tin và có hệ thống bảo mật rất tốt nhưng các hacker bao giờ cũng đi trước về mặt công nghệ, họ luôn tìm thấy lỗ hổng trong công nghệ thông tin của một ngân hàng nào đó và lợi dụng điều này để lấy tiền của khách hàng.
Vì vậy, khi có chuyện không may xảy ra với tài khoản của mình, cả ngân hàng và khách hàng phải xem xét một cách công tâm và tìm hiểu nguyên nhân tại sao lại bị mất tiền. Bởi có một số trường hợp bị mất tiền tại các cây ATM là do khách hàng sơ hở làm lộ thông tin, mật khẩu, kẻ gian bằng cách nào đó lấy được mọi thông tin và có thể dễ dàng lấy tiền của khách. Đây là lý do chủ quan ngoài ý muốn nên ngân hàng rất khó ngăn chặn.
Ông Nguyễn Trí Hiếu phân tích, thủ đoạn của kẻ gian khi đột nhập vào cây ATM để lấy tiền rất tinh vi. Thông thường chúng lắp 1 thiết bị nhỏ tại cửa đẩy thẻ vào, thiết bị này rất mỏng có camera chụp hình và có thể lưu lại mật khẩu và những thông tin trên thẻ, chỉ với các yếu tố đó kẻ gian đã có thể rút tiền thành công.
Ông Hiếu khuyến cáo, khi khách hàng đến rút tiền tại các cây ATM, phải quan sát kỹ xem cửa đẩy thẻ vào có gắn thiết bị hay vật lạ gì không. Khi thực hiện thao tác đánh mật khẩu nên dùng một tay che lại, tránh cho người ngoài có thể nhìn thấy hoặc camera từ trên chụp xuống để lấy thông tin của thẻ. Đặc biệt, khi rút tiền xong, nên lấy sao kê của giao dịch đó mang về tiêu hủy, không nên để lại trong máy ATM hoặc bỏ lại, vì kẻ gian có thể thu thập các thông tin trên đó để lợi dụng rút tiền khi có điều kiện.
Một điều nữa mà chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu khuyên khách hàng, đó là nên sử dụng dịch vụ tin nhắn thông báo hoạt động giao dịch của tài khoản. Để khi có bất cứ giao dịch đột xuất, bất ngờ gửi đến điện thoại di động thì khách hàng có thể biết ngay và gọi đến đường dây nóng của ngân hàng để thông báo tài khoản đã bị ăn cắp và yêu cầu ngân hàng khóa tài khoản.
Giám đốc trung tâm thẻ một NH lớn tại Q.3 (TP.HCM) cũng cho hay sau vụ việc xảy ra tại Agribank, ngân hàng này đã rà soát ngay hệ thống, kiểm tra xem có chủ thẻ nào giao dịch trên máy ATM nghi ngờ bị gắn thiết bị đánh cắp thông tin hay không. “Trong dịp lễ 30/4 và 1/5 cũng là dịp nhu cầu rút tiền tăng cao, đội ATM care của NH tăng cường tuần tra vì tội phạm hay lợi dụng dịp lễ để ra tay" - vị Giám đốc trung tâm thẻ này nói. Cũng theo ông này, ngoài việc gắn trộm camera và thiết bị sát đầu đọc thẻ để lấy thông tin, tội phạm còn nhiều chiêu thức khác như dùng hộp đen, bàn phím giả...
Bắt giữ nhiều đối tượng người Trung Quốc dùng thẻ ATM giả trộm tiền
Sáng 26/3, Công an quận Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng) phối hợp phòng An ninh kinh tế (PA81) Công an TP. Đà Nẵng bắt quả tang hai người mang quốc tịch Trung Quốc đang có hành vi tháo thiết bị bên trong trụ ATM của ngân hàng BIDV (số 71 Ngũ Hành Sơn, phường Mỹ An). Qua điều tra, hai người Trung Quốc này khai báo đã lén lút tháo thiết bị để lấy cắp thông tin thẻ ATM của khách hàng. Sau khi đặt camera để quay thao tác nhập mã PIN của khách hàng, các đối tượng sẽ lấy được mật khẩu và sẽ làm thẻ giả, sau đó rút tiền.
Vào tháng 7/2017, Công an TP.Hà Nội cũng đã triệt phá ổ nhóm người Trung Quốc đột nhập vào Việt Nam trộm cắp bằng thủ đoạn dùng thẻ giả rút ruột nhiều cây ATM.
Trước đó vào 7/6/2016, hai đối tượng người Trung Quốc cũng đã bị Công an TP.Hà Nội bắt quả tang khi đang rút trộm tiền từ ATM. Công cụ , phương tiện mà các đối tượng sử dụng là camera, thiết bị lưu thông tin thẻ, máy đọc ghi thẻ và máy tính xách tay…
Bảo Ngọc-Nguyễn Hường (t/h)