Được xác định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng ngành du lịch Việt Nam lại có đặc thù dựa nhiều vào môi trường tự nhiên. Vì thế, để du lịch phát triển bền vững thì không thể “ăn xổi” mà tất yếu phải đi theo hướng du lịch xanh.
Sở hữu nhiều di sản thiên nhiên, ngay từ sớm tỉnh Ninh Bình đã xác định du lịch hài hoà với môi trường, gắn phát triển kinh tế với phát triển bền vững. Tuy nhiên để trở về trạng thái Net Zero theo ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình là điều không hề dễ dàng.
Coi người dân là trung tâm của phát triển xanh
Người Đưa Tin (NĐT): Phát triển du lịch xanh gắn khai thác với bảo tồn tính đa dạng của hệ sinh thái tự nhiên đã đem lại cho du lịch Ninh Bình những kết quả như thế nào, thưa ông?
Ông Bùi Văn Mạnh: Với những định hướng đúng đắn về khai thác tài nguyên hướng đến phát triển bền vững. Du lịch phát triển có những đóng góp không nhỏ trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh, bước đầu tạo được sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tăng tỉ trọng khối dịch vụ, thúc đẩy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác phát triển.
Năm 2023, Ninh Bình đón và phục vụ gần 6,6 triệu lượt khách, vượt kế hoạch và gấp hơn 1,7 lần so với năm 2022. Doanh thu du lịch cũng đạt mức cao với tổng giá trị trên 6.500 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với năm 2022 và đạt 156,5% so với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Giải quyết việc làm cho khoảng 21.000 lao động, trong đó có khoảng 6.500 lao động trực tiếp.
Ninh Bình đã thực sự trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới, thuộc 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước. Đặc biệt, Ninh Bình là một trong 3 tỉnh, thành phố Vùng đồng bằng sông Hồng và một trong 8 tỉnh, thành phố trong cả nước có di sản thế giới và Ninh Bình là nơi duy nhất trong cả nước và khu vực Đông Nam Á sở hữu Di sản kép, được tổ chức UNESCO ghi danh, đó là Tràng An là Di sản Văn hoá và Thiên nhiên thế giới công nhận vào năm 2014 và năm 2022.
NĐT: Thưa ông, trong quá trình phát triển du lịch xanh, làm thế nào để người dân hiểu rõ tầm quan trọng và thực hiện làm du lịch theo hướng xanh?
Ông Bùi Văn Mạnh: Để phát huy được tiềm năng, thế mạnh hiện có, tỉnh đã thiết lập mô hình hợp tác hiệu quả, chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, đặc biệt coi trọng sự đồng thuận và tham gia tích cực, trách nhiệm của người dân địa phương, vì họ vừa là di sản sống, vừa trực tiếp bảo vệ, giữ gìn di sản và tài nguyên du lịch.
Tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh việc giữ gìn, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp đều do người dân thực hiện. Người dân được coi là trung tâm để phát triển du lịch xanh, phát triển bền vững.
Cùng với tuyên truyền vận động người dân, tỉnh cũng tăng cường công tác quản lý, bảo đảm phát triển du lịch không mâu thuẫn với công tác bảo tồn tự nhiên.
Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong việc giữ gìn bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững. Thường xuyên tổ chức các chương trình bồi dưỡng, tập huấn về bảo vệ di sản, thực hiện nếp sống văn minh, du lịch có trách nhiệm cho cộng đồng địa phương tham gia hoạt động du lịch.
Thiếu đồng bộ - đặt ra thách thức cho du lịch bền vững
NĐT: Đối với các địa phương, việc xây dựng, phát triển du lịch bền vững gặp những khó khăn như thế nào? Riêng Ninh Bình đã có những giải pháp gì trước những vướng mắc này?
Ông Bùi Văn Mạnh: Có thể thấy, hoạt động du lịch, một mặt, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng, mặt khác, cũng là yếu tố làm thay đổi bản sắc văn hóa và lối sống truyền thống của cộng đồng, đồng thời có ảnh hưởng tới môi trường sinh thái.
Tuy nhiên, du lịch cũng đối mặt với khó khăn trong khai thác tài nguyên thiên nhiên, quản lý môi trường ở các khu đông khách vào mùa cao điểm.
Chất lượng nguồn nhân lực du lịch vẫn còn hạn chế và chưa đồng đều. Mặc dù, ở nhiều điểm du lịch đã phát triển, cộng đồng địa phương được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn do cơ quan quản lý du lịch địa phương hoặc do các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tổ chức hướng dẫn.
Song do năng lực nhận thức còn hạn chế, thói quen, lối sống truyền thống... nên việc tiếp nhận cũng như thực hành các kỹ năng đón tiếp và phục vụ khách du lịch, khả năng ngoại ngữ... ở nhiều địa phương còn chưa đạt yêu cầu, chưa chuyên nghiệp, làm giảm chất lượng dịch vụ của điểm đến.
Mặt khác, kết cấu hạ tầng, giao thông đến các điểm có tiềm năng phát triển du lịch có nơi chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch cộng đồng, nông thôn, sinh thái. Tất cả đang là thách thức lớn đối với sự phát triển du lịch bền vững.
NĐT: Thời gian tới cần có những chính sách, kế hoạch như thế nào để du lịch xanh hình thành xu hướng, mang lại lợi ích cho môi trường và sức khỏe con người?
Ông Bùi Văn Mạnh: Ngành du lịch tỉnh quyết tâm thực hiện các giải pháp đồng bộ, khoa học và có hiệu quả nhằm tiếp tục duy trì những kết quả đã đạt được, phát triển du lịch Ninh Bình theo hướng xanh và bền vững để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội theo định hướng xuyên suốt của tỉnh.
Cần đảm bảo sự cân bằng trong phát triển du lịch với bảo vệ môi trường và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Thiết lập các nguyên tắc đảm bảo cân bằng phù hợp giữa các khía cạnh môi trường, kinh tế và văn hóa xã hội.
Cụ thể như giảm thiểu mức sử dụng những nguồn tài nguyên quý hiếm và không thể tái tạo được trong việc phát triển và triển khai các cơ sở, phương tiện và dịch vụ du lịch; đồng thời chú trọng đến một môi trường trong lành. Đẩy mạnh bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm không khí, nước, đất và rác thải từ du khách và các hãng du lịch.
Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương và các doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh du lịch. Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về du lịch đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành; chấn chỉnh, khắc phục hạn chế trong các hoạt động du lịch và hướng dẫn, hỗ trợ cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đúng quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch nhằm xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện…
NĐT: Cảm ơn sự chia sẻ của ông!
Cần cơ chế cho doanh nghiệp du lịch chọn hướng phát triển xanh
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Hoàng Tuấn Anh - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Hải Phòng cho biết, Hải Phòng có không gian phát triển rộng, tài nguyên du lịch phong phú, có Khu dự trữ sinh quyển thế giới Quần đảo Cát Bà, hệ sinh thái rừng mặn rộng lớn ở Cát Bà, Đồ Sơn, Tiên Lãng; các di tích lịch sử, văn hóa đang được bảo tồn, vùng ngoại thành bao quanh đô thị với nhiều điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn; các khu đô thị, công nghiệp cũng được quy hoạch theo hướng sinh thái là tiềm năng lớn để phát triển du lịch xanh.
Hiện nay tại Hải Phòng đã có nhiều mô hình du lịch hướng tới phát triển xanh căn cứ theo khái niệm “du lịch xanh” là “dựa trên nền tảng khai thác hợp lý, có hiệu quả tài nguyên và các nguồn lực; thúc đẩy phát triển sản phẩm và dịch vụ du lịch xanh gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị tài nguyên tự nhiên và di sản văn hóa dân tộc; bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Ông Tuấn Anh cho biết, vấn đề lớn cản trở quá trình phát triển du lịch xanh tại Hải Phòng hiện nay là rác thải nhựa, khí thải, chất thải trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ở các khu du lịch Cát Bà, Đồ Sơn.
“Vẫn còn tình trạng rác thải trôi nổi trên vịnh Lan Hạ, các bãi biển Đồ Sơn, trên các con sông trong nội thành. Túi nilon, chai lọ và vật dụng làm bằng nhựa xả khắp các điểm du lịch không được kiểm soát triệt để gây suy giảm sức hấp dẫn điểm đến và ảnh hưởng xấu tới hình ảnh du lịch Hải Phòng”, ông Tuấn Anh cho hay.
Theo ông Tuấn Anh, thời gian qua, các ngành, cấp, địa phương, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, doanh nghiệp cũng như cộng đồng địa phương cũng đã có nhiều cố gắng trong việc chung tay góp phần xây dựng mô hình phát triển xanh. Tuy nhiên, những nội dung hành động đó vẫn mang tính thời điểm hoặc giới hạn trong phạm vi hẹp.
“Để nhân rộng mô hình du lịch xanh ở Hải Phòng cũng như các địa phương khác, các hoạt động cải thiện môi trường cần phải được nâng tầm thành các văn bản chỉ đạo, điều hành, chương trình hành động của địa phương và có lộ trình cụ thể, thu hút sự tham gia đông đảo của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, khách du lịch”, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Hải Phòng chia sẻ.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích, ưu đãi phù hợp đối với các điểm du lịch cũng như doanh nghiệp du lịch chọn và kiên trì theo hướng phát triển xanh. Đồng thời, hỗ trợ, giúp đỡ và hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch, điểm du lịch, cộng đồng dân cư và du khách thực hiện các biện pháp bảo đảm phát triển xanh, bền vững đáp ứng các tiêu chí trong nước và quốc tế.
Hoa Trà - Thái Phan