Ngày 26/12/2011 vừa qua, ngày lễ này vẫn vô cùng sôi động bất chấp những biến động kinh tế châu Âu.
Ngày lễ truyền thống Boxing Day
Có nhiều câu chuyện giải thích về nguồn gốc của thuật ngữ Boxing Day. Nó được sử dụng để chỉ một phong tục từ rất lâu đời khi các chủ doanh nghiệp, cơ quan tặng cho nhân viên của họ những món quà là tiền hoặc thực phẩm trong hộp quà nhỏ vào ngày này. Trong thời phong kiến, chúa đất của một vùng sẽ quy tụ tất cả những nhân công trên mảnh đất của mình lại vào ngày này và đưa cho họ những hộp chứa hàng hóa, chẳng hạn như thực phẩm, các công cụ lao động hoặc vải vóc. Hình thức này chính là cách trả công cho người làm sau một năm làm việc trôi qua.
Hiện nay, Boxing Day là ngày tổ chức các sự kiện thể thao quan trọng và cũng là ngày bắt đầu dịp bán hàng giảm giá sau Giáng sinh. Boxing Day là khoảng thời gian xả hơi sau những ngày Giáng sinh bận rộn, là cơ hội để ở bên gia đình, bạn bè và hàng xóm. Một số gia đình lựa chọn ngày này để về một vùng quê nghỉ ngơi, hay số khác lại chịu khó đứng xếp hàng để chờ đợi những đợt giảm giá khổng lồ đầu tiên sau Giáng sinh vào ngày Boxing Day.
Nhiều cửa hàng bắt đầu mở cửa bán hàng sau Giáng sinh vào đúng ngày Boxing Day. Điều này khiến cho ngày 26/12 là một ngày đặc biệt quan trọng đối với nhiều cửa hàng bán lẻ. Các phương tiện giao thông công cộng phải làm việc theo một lịch trình đặc biệt. Nhiều người đi du lịch hoặc đến thăm người thân hay bạn bè trong thời gian này, do đó, xe buýt, máy bay và tàu trở nên rất bận rộn.
"Săn" hàng giảm giá
Năm 2011, bất chấp bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn châu âu, ngày lễ Boxing Day tại Anh vẫn nhộn nhịp mua sắm như mọi năm. Hàng ngàn người dân xếp hàng chờ đợi đến thời khắc mở cửa để mua được những món hàng tốt nhất với mức giá rẻ. Tuy nhiên, cuộc chạy đua mua sắm hàng khuyến mãi năm 2011 cũng có không ít những cảnh dở khóc dở cười.
Trung tâm mua sắm West End tại Luân Đôn, nơi có tới 600 cửa hàng cho biết họ đã thu được 15 triệu bảng chỉ trong 3 giờ bán hàng đầu tiên. Tại cửa hàng Selfridges, nhân viên bán hàng cho biết ngày lễ này là thời điểm có chương trình siêu giảm giá tốt nhất: Một chiếc vòng cổ đính kim cương đã bán với giá 8.469 Bảng, giảm còn một nửa so với giá 18.820 Bảng trước đó.
Tại trung tâm mua sắm Bullring Centre thuộc Birmingham, 2.500 người đứng xếp hàng vào quầy hàng Next và hơn 1000 người đứng ngoài quầy hàng Selfridges. Tại thành phố Leeds, người đầu tiên đến xếp hàng chờ từ 1h sáng để mong mua được những món hàng giá rẻ.
Vào hơn 8h sáng, Salman Mir và Umer Mohammad sau khi tham gia vào cuộc mua sắm khổng lồ đã trở nên kiệt sức, ngồi thụp xuống ghế sofa trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê với thành quả là hàng đống những túi đồ.
Ngày lễ này cũng gây ra nhiều vụ xô xát và thậm chí thiệt mạng vì mua sắm. Trên phố Oxford, một nạn nhân 18 tuổi đã chết bên ngoài cửa hiệu bán đồ thể thao Foot Locker. 11 người tình nghi đã bị bắt và một phần của phố Oxford đã bị đóng cửa. Cảnh sát cho biết đã xảy ra một vụ đâm nhau thứ 2 trên phố Oxford vào buổi tối, một thanh niên 21 tuổi bị thương ở đùi, nhưng họ nói còn quá sớm để xác nhận 2 vụ việc có liên quan tới nhau hay không.
Renata Polc, một khách du lịch Ba Lan tới Anh vào đúng dịp lễ, đứng ở cuối hàng người chờ đợi, cho biết: "Nếu phải chờ quá lâu để vào trong, tôi có thể bỏ về. Nhưng tôi đến từ Ba Lan, và chúng tôi không có ngày lễ giảm giá nào như vậy nên đây cũng được coi là một trải nghiệm văn hóa" .
Hồng Nhung (theo Daily Mail)