Một ngày cuối tháng Mười, quanh âu thuyền Thọ Quang, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng, chúng tôi dễ dàng bắt gặp cảnh tàu bè nằm bờ. Con tàu vỏ gỗ số hiệu ĐNa 90670TS của ngư dân Nguyễn Văn Đường, trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà nằm im lìm đến nay cũng ròng rã hơn 3 tháng trời. Trong đó, chỉ độ non nửa tháng vì mưa bão, quãng thời gian đằng đẵng còn lại do không có bạn đi biển để ra khơi.
Ngư dân Đường ngao ngán nói, so với nhiều con tàu khác ở Đà Nẵng, tàu của anh thuộc hàng nhỏ, chỉ cần hơn 10 người. Nhưng mấy tháng nay anh chẳng gom đủ người. “Hiện tại tôi chỉ có được 5 người bạn biển. Con số này quá ít, không thể ra khơi”, anh Đường lắc đầu cho biết.
Cùng chung cảnh ngộ, anh Huỳnh Văn Hùng, chủ tàu cá ĐNa 90354TS khẳng định, anh có đủ vốn liếng, đã sẵn mọi trang bị để ra khơi. Nhưng cũng như hàng chục chủ tàu khác, mấy tháng nay anh chẳng tìm nổi người lao động để cùng vươn khơi.
Là địa phương được đánh giá cao về kinh tế biển nên thực trạng nhiều chủ tàu tại Đà Nẵng không tìm ra lao động khiến nhiều người sửng sốt. Lý giải với chúng tôi về tình trạng khan hiếm lao động nghề biển, các chủ tàu đều nhất mực cho biết, người lao động địa phương không còn mấy mặn mà với nghề này. Một phần nguyên nhân đến từ việc nghề biển nhiều rủi ro, nguy hiểm, một chuyến đi dăm bữa nửa tháng phải xa gia đình. Phần nữa đến từ việc, hiện Đà Nẵng nở rộ nhiều loại hình dịch vụ nghề nghiệp du lịch, thời vụ nên hút lao động hơn.
Ông Trần Quang, một lão ngư tại âu thuyền Thọ Quang nhận định, nghề biển không có hợp đồng lao động, không có sự ràng buộc giữa chủ tàu và các bạn biển nên xảy ra tình trạng người lao động “nhảy cóc”. Tàu nào đánh bắt trúng hơn, may mắn hơn thì ngư dân lại về tàu đó làm việc.
Số liệu mà chúng tôi có được từ bộ phận phụ trách thủy sản phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà thì việc thiếu lao động nghề biển hiện đã đến mức báo động. Trong danh sách gần 70 con tàu đăng ký hoạt động trên địa bàn phường thì có 30 - 40 tàu chẳng thể ra khơi vì thiếu lao động. Thậm chí, nhiều chủ tàu quá sốt ruột đã nhờ chính quyền hỗ trợ.
Theo các ngành chức năng, việc một số địa phương thiếu lao động là vì nghề biển tiềm ẩn rủi ro. Đa số các bậc lão ngư đều không muốn con em mình nối nghề dẫn đến việc thiếu hụt nguồn lao động là điều khó tránh khỏi. Thực tế, những năm qua, các cấp ngành chức năng luôn đưa ra những cơ chế chính sách, ưu đãi hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế. Nhưng thực trạng thiếu hụt lao động ngày một trở nên trầm trọng hơn. Ngoài nguyên nhân từ nội tại của chính ngành nghề này, chúng tôi còn ghi nhận được những cảnh báo đáng lo ngại từ chuyên gia.
Ông Trần Triết Tâm, Trưởng phòng Dân số - Văn xã, cục Thống kê TP.Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng là một trong những địa phương có tỉ lệ thất nghiệp đứng đầu cả nước. Lao động phổ thông thực ra không khan hiếm. Vấn đề chính, nhức nhối hiện tại là người lao động không có sự chịu khó, cần cù, không mặn mà với công việc.
Cũng theo vị này, mấy chục năm trong nghề giúp ông nhận ra những nguyên nhân sâu xa hơn. Thực tế, những năm gần đây, Đà Nẵng triển khai hàng loạt dự án, quy hoạch giải tỏa trên diện rộng. Tất cả đều hướng thay đổi diện mạo các vùng biển, vùng nông thôn. Đô thị hóa khiến người dân nơi đây mất đất canh tác nhưng bù lại họ trở thành những tỷ phú, triệu phú nhờ các khoản tiền đền bù đất đai. Có núi tiền, người dân xây dựng nhà cửa rồi để dành ăn tiêu. Tuy nhiên, từ đây có một bộ phận lớn vốn dĩ là lao động chân tay lại sinh ra lười nhác, thói ỷ lại vào khoản tiền này.
Theo ông Tâm, thời điểm hiện tại mới ở dạng tiềm ẩn, chỉ những người nghiên cứu mới nhận ra nhưng chắc chắn, nếu không thay đổi, không cảnh báo thì nay mai hiện tượng trên sẽ thành hệ lụy và chắc chắn xuất hiện. “Nói một cách dễ hiểu, khi núi tiền ăn hết, các lao động này sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội”, ông Tâm cảnh báo.