Ngay cả 2 bộ phim đang gây bão hiện nay là Sống chung với mẹ chồng và Người phán xử đều là sản phẩm làm lại của nước ngoài. Để có lời giải, PV báo Người Đưa Tin đã tìm hiểu nguyên do và phần nào giải mã được thực trạng đáng lo ngại hiện tại…
Bài toán khó giải
Sau khoảng thời gian dài “hụt hơi”, phim truyền hình Việt sôi nổi trở lại nhờ Sống chung với mẹ chồng và Người phán xử. Trên các trang mạng xã hội, thông tin về diễn viên, tình tiết, mâu thuẫn... của hai bộ phim này luôn được bàn tán rôm rả. Thậm chí, rất nhiều lời thoại, hình ảnh trong phim được “chế” và được chia sẻ chóng mặt. Rating (tỷ suất người xem – PV) cũng tăng theo từng tập. Không ít người cảm thấy vui, tin tưởng vào sự “sống dậy” của phim Việt.
Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi, đi sâu vào hai bộ phim này, không ít người cảm thấy tiếc nuối. Bởi, trong một khoảng thời gian dài phim Việt lặn ngụp, thậm chí “giãy chết” thì nay được “sống lại” nhờ hai bộ phim Việt hóa từ nguyên tác nước ngoài. Người phán xử có phiên bản gốc từ Isarel, Sống chung với mẹ chồng được chuyển thể từ Phù thủy dưới đáy biển của Trung Quốc. Thậm chí, bộ phim truyền hình gây được chú ý trong thời gian dài - Tuổi thanh xuân cũng là một sản phẩm được chuyển thể từ kịch bản Hàn Quốc.
Đồng quan điểm, nhà sản xuất Xuân Dung cho rằng, khâu yếu nhất của phim Việt là kịch bản. Hiện, lực lượng viết kịch bản rất nhiều nhưng thiếu kịch bản hay, thu hút, hấp dẫn khán giả. Ngoài một vài nhà biên kịch nổi tiếng, được người trong giới đánh giá cao như Châu Thổ, Nguyễn Nhật Tuấn, Nguyễn Thị Thu Huệ thì hầu hết biên kịch đều “vô danh”. Biên kịch là người cần có vốn sống, kiến thức lẫn sức trẻ để thổi hồn cho bộ phim. Tuy nhiên, thực tế ở nước ta, các bạn trẻ viết kịch bản thường thiếu vốn sống, va chạm, còn các biên kịch lớn tuổi lại thiếu sức trẻ, không thổi được “hồn” của cuộc sống vào tác phẩm. Bên cạnh đó, kịch bản phim Việt có tình trạng vay mượn, ăn xổi... Do đó, vừa qua, có tình trạng, một bộ phim được nhiều người đánh giá cao về đề tài đồng tính, giả gái ngay sau đó hàng loạt bộ phim mượn ý tưởng này ra đời. Dự đoán, sắp tới, phim hình sự, khai thác sâu về xã hội đen và cuộc sống mẹ chồng nàng dâu cũng sẽ tới tấp xuất hiện sau thành công của Sống chung với mẹ chồng và Người phán xử.
Chuyên gia hóa trang Phan Hiếu kể: “Tôi từng nghe các đạo diễn than vãn tình trạng vừa thừa vừa thiếu kịch bản. Số lượng kịch bản gửi tới rất nhiều nhưng hiếm kịch bản hay. Do đó, hiện nay, nhiều hãng phim đưa ra đề cương và thuê người viết kịch bản. Các nhà biên kịch nổi tiếng nhận về, do không có thời gian nên thuê lại các bạn trẻ viết với giá rẻ mạt. Tuy nhiên, từ đề cương để trở thành một kịch bản là một hành trình rất dài và không nhiều người làm được... Ngoài ra, hiện nay, có tình trạng viết kịch bản theo nhóm; tức mỗi người viết mỗi tập cho một bộ phim, nên kịch bản hoàn thành thiếu sự thống nhất”.
Trong quá trình tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi phát hiện, rất nhiều bạn trẻ thất nghiệp chuyển sang viết kịch bản thuê cho các nhà biên kịch có chút tên tuổi. Khi kịch bản hoàn thành, chính người thuê cũng không dám để tên thật của mình. Vì vậy, ở nước ta, hiện có tình trạng biên kịch nặc danh. Một người xin giấu tên chia sẻ, các biên kịch nhận từ hãng phim truyền hình mỗi tập có giá từ 8 đến 10 triệu đồng. Nếu họ viết mỗi năm chừng hai đến ba phim có thể sống thoải mái. Tuy nhiên, muốn có thu nhập nhiều hơn, họ nhận đề cương kịch bản về viết, sau đó thuê lại bằng 1/3 hoặc nửa giá để hưởng chênh lệch. Hay, một số nhà văn trong quá trình thai nghén các thể loại “sang trọng” như truyện ngắn, tiểu thuyết thì xem viết kịch bản là hình thức “lấy ngắn nuôi dài”. Kịch bản, giao cho nhà sản xuất, họ chọn cách không để tên thật vì không muốn nhiều người biết nhà văn phải “hạ mình” với một thể loại mà họ không coi trọng. Đây là thực trạng khiến tình trạng kịch bản ở nước ta thừa số lượng nhưng lại thiếu chất lượng.
Theo thống kê tại Hàn Quốc, công thức thành công của một bộ phim truyền hình dài tập là câu chuyện 50%, diễn viên 30% và các thành phần khác 20%. Vì điều này, ở Hàn Quốc có những “biên kịch vàng” chuyên tạo ra các bộ phim ăn khách. Trong đó, bộ đôi Kim Eun Sook và Kim Won Seok nổi bật nhất với hàng loạt phim gây bão như Hậu duệ mặt trời, Người thừa kế, Khu vườn bí mật… Tên tuổi của họ có thể đảm bảo rating, khiến khán giả mong đợi bộ phim. Họ cũng có quyền lựa chọn diễn viên trong bộ phim của mình. |
Xem thêm >>> Bị 'tố' chê phụ nữ Việt lấy chồng Hàn vì tiền, Hari Won phản pháo
Huy Cường