Giới thiếu gia "đánh giá cao" công dụng của loại rượu ngoại ngâm hoa phù dung. Theo họ, nó không những làm tỉnh táo, minh mẫn thần kinh mà còn giúp cho "chuyện ấy" lên "đỉnh" nhanh hơn, lâu hơn. Thế là, cuộc săn lùng thứ rượu chết người ấy diễn ra như một cách thể hiện đẳng cấp của dân chơi vậy.
Hoa đẹp thế này nhưng có thể là cạm bẫy của sức khỏe.
Tôi quen anh Nguyễn Văn Trường (ở thị trấn Mị, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) đã hơn chục năm, thế mà, gần đây, Trường mới khoe: "Mốt ngâm rượu với hoa phù dung đã có ở vùng cao từ nhiều năm trước vậy mà dân chơi Hà thành bây giờ mới "sính". Họ cũng "quê" lắm nhưng có "tỉnh" hơn nhà quê là dùng rượu ngoại mà thôi". Nghe anh Trường nói, chúng tôi quá tò mò về chuyện nguyên liệu cũ mà rượu ngâm mới này (tức rượu ngoại).
Dù sao cũng là câu chuyên, tôi tò mò hỏi: "Sao anh biết?". Trường khoe: "Trung tuần tháng 6, tôi có dịp về "đu" với đám bạn ở Hà Nội. Trong một bữa tiệc sinh nhật vợ bạn, chúng tôi đã ngồi thâu đêm. Sau màn nâng ly chúc mừng, bạn tôi mang một bình ruợu cùng lời quảng cáo, rượu hảo hạng, "công dụng" tăng cường bản lĩnh đàn ông. Khi bình rượu vừa được mở nắp, mùi thơm lan tỏa cả phòng. Tất cả mọi người đồn đoán rượu này rượu kia, chỉ riêng tôi, khi vừa ngửi mùi đã "bắt vị" đó là rượu gì, vì tôi đã từng uống rượu này nhiều lần".
Khi chủ nhân bữa tiệc rỉ tai tất thảy khách khứa về thứ rượu hảo hạng kia- "rượu phù dung" (hay còn gọi hoa anh túc), ai nấy trầm trồ khen gợi. Chủ nhân bữa tiệc cao giọng: "Tôi mới được biếu đấy. Rượu tuyệt hạng, yếu sinh lý sẽ phục hồi ngay, mệt mỏi uống một ly sẽ tỉnh táo; Muốn sinh con trai, uống có liền...".
Dường như chạm vào mạch cảm xúc, Trường ca gợi hết lời về "công dụng" của rượu hảo hạng vùng cao: "Bao đời nay, người Mông vẫn coi phù dung là biệt dược quý trong nhà. Thiếu nó là thiếu... sức sống. Người ta chế ra thứ rượu này và thường cung cấp về vùng xuôi. Uống rượu này vào thì cứ yên tâm là "chiến đấu" cả đêm không biết mệt và ông uống bà khen. Hiệu quả tức thì khi thứ rượu này chạy qua huyết quản là cảm giác lâng lâng, thăng hoa khó tả".
Trường bảo với tôi: "Tôi cũng từng thử uống thứ rượu này. Tuyệt lắm! Nhiều đại gia vẫn lên Trạm Tấu, Mù Cang Chải (Yên Bái) mua "hàng". Họ còn bảo, hoa anh túc, các sản phẩm của cây thuốc phiện ngậm rượu ngoại ngon hơn, chất hơn!?". Trường - dù không phải là tay dắt mối cho các chủ hàng ở Yên Bái nhưng lại có vẻ tỏ tường về loại rượu này. Anh quả quyết: "Ngoài "công dụng" giúp tăng sinh lực đàn ông, rược ngâm phù dung giúp chữa trị nhiều bệnh tật khác. Vì các chất tiết ra từ cây anh túc vốn có tác dụng giảm đau nên ắt hẳn khi ngâm rượu cũng sẽ có được "công dụng" như vậy".
Trường nói với tôi về "thánh địa" của phù dung là huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và... Trường bảo: "Loại rượu ngâm phù dung được bán lén lút tại một số huyện ở Yên Bái nhưng nếu biết mối, có dân bản địa dẫn đường, có thể mua dễ dàng một bình rượu ngâm sẵn 5 lít. Ở đây, người ta thường gọi là "rượu 138".
Sở dĩ nó có tên như vậy là vì tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, các huyện Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải thực hiện kế hoạch 138 về kiểm tra, rà soát, xử phạt người trồng cây thuốc phiện. Loại rượu này phần lớn do dân bản của Trạm Tấu và Mù Cang Chải cung cấp và vùng giáp ranh huyện Phù Yên, Bắc Yên của tỉnh Sơn La". Trường bảo rằng, đáng giá nhất là loại rượu ngâm quả thuốc phiện, cao gấp đôi so với rượu ngâm thân cây, bình 2 lít khoảng 3 triệu đồng. "Thần dược" được tiêu thụ chủ yếu ở miền xuôi, bán cho các đại gia có nhu cầu tăng cường sức mạnh.
Không nên tin vào "ảo giác" GS.TS. Trương Việt Bình, Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, cho biết: Đã có không ít trường hợp bị ngộ độc do uống rượu ngâm hoa phù dung. Giới trẻ rộ lên mốt ngâm rượu ngoại với sản phẩm của hoa phù dung rồi uống là rất nguy hiểm cho sức khỏe. Trong một số bài thuốc Đông y, chỉ có nhựa chích từ quả cây phù dung được chiết xuất thành thuốc phiện sẽ được dùng với số lượng rất nhỏ nhằm để phối hợp điều trị một số chứng bệnh. Nhựa cô đặc từ quả phù dung hay còn gọi là thuốc phiện vốn vẫn được dùng như một biệt dược để khống chế những cơn đau, tăng hưng phấn, kích thích chức năng tiêu hóa. Nếu dùng quá liều lượng sẽ gây nghiện, có hại cho hệ thần kinh. Còn đối với việc dùng thân, rễ, lá cây phù dung để ngâm rượu thì không có tác dụng gì đặc biệt cả. |
N.Giang - L.Anh
Kỳ sau: 50 triệu đổi lấy một bình rượu hảo hạng