Ngày 19/8, nguồn tin của PV báo điện tử Người Đưa Tin cho biết, cơ quan ANĐT của bộ Công an đã có thông báo về việc bắt ông Tô Công Lý, Phó Tổng Giám đốc công ty Công Lý để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo Điều 179 Bộ luật Hình sự.
Theo đó, thông báo do thượng tá Hoàng Văn Hà, Phó Thủ trưởng cơ quan ANĐT (bộ Công an) ký được gửi đến UBND phường 8, TP.Cà Mau và người thân ông Lý ở trên đường Nguyễn Tất Thành, phường 8, TP.Cà Mau.
"Hiện, ông Lý đang bị tạm giam tại trại tạm giam B34 thuộc bộ Công an, có địa chỉ ở huyện Củ Chi, TP.HCM", thông báo nêu rõ.
Lực lượng làm nhiệm vụ cũng tiến hành khám xét nhà cũng là trụ sở của công ty Công Lý trên đường Nguyễn Tất Thành, TP.Cà Mau đến hơn 3h sáng 18/8 mới rời đi.
Thua kiện nữ công nhân phân loại rác
Vị "thiếu gia" này từng ký quyết định buộc thôi việc một nữ công nhân phân loại rác, sau khi chị này nhặt được vàng trong quá trình làm việc.
Sự việc bắt đầu vào khoảng 14h55 ngày 4/8/2014, trong lúc làm việc, chị Phạm Tuyết Mai, 39 tuổi, công nhân phân loại rác của Nhà máy xử lý rác TP.Cà Mau (trực thuộc công ty Công Lý) có nhặt một bóp da bên trong có chứa nhiều kim loại vàng.
Ngay sau đó, giám đốc nhà máy yêu cầu chị giao nộp toàn bộ số vàng trên nên chị không đồng ý. Từ đó, chị Mai với giám đốc nhà máy thống nhất giao nộp cho công an xử lý.
Đến ngày 5/9/2014, công ty Công Lý có giao Quyết định 211/QĐ-CL ngày 1/9/2014 do ông Tô Công Lý ký về việc chấm dứt hợp đồng đối với chị.
Nội dung quyết định chỉ ghi: “Chấm dứt hợp đồng lao động đối với chị Mai kể từ ngày 13/8/2014 theo đề nghị của Giám đốc điều hành Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau”, nhưng không nêu rõ cụ thể nữ công nhân vi phạm lỗi gì?.
Trong khi đó, đại diện công ty Công Lý lý giải việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với chị Mai là do “trong quá trình làm việc tại nhà máy, chị Mai có nhặt được một số kim loại vàng nhưng không giao nộp cho nhà máy theo yêu cầu của ban Giám đốc nhà máy; không chấp hành ý kiến của ban Giám đốc nhà máy; quy phạm nội quy quy định của nhà máy về kiểm soát ra vào cổng và chống trộm cắp”.
Cho rằng mình bị chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, chị Mai khởi kiện đến TAND TP.Cà Mau. TAND TP.Cà Mau mở phiên xét xử và cho rằng: “Việc công ty Công Lý chỉ căn cứ vào biên bản được nhà máy lập ngày 4/8/2014, ngày 13/8/2014 và căn cứ vào quy định của công ty về kiểm soát ra vào cổng và chống trộm cắp.
Trong khi quy định này chưa được đăng ký tại cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp tỉnh để kết luận chị Mai có lỗi, chấm dứt hợp đồng lao động đối với chị Mai là chưa đủ căn cứ, vi phạm khoản 1, Điều 120 Bộ luật Lao động”.
Do đó, HĐXX tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Phạm Tuyết Mai. Tuyên bố Quyết định số 211 của công ty Công Lý là trái pháp luật, đồng thời hủy quyết định này.
Buộc công ty Công Lý phải trả tiền lương và bồi thường 2 tháng tiền lương cho chị Mai tổng cộng là 83,3 triệu đồng.
Buộc công ty Công Lý truy nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho chị Mai từ tháng 9/2014 đến ngày tuyên án sơ thẩm 28/6/2016 theo quy định của luật Bảo hiểm xã hội, luật Bảo hiểm y tế, luật Việc làm và các văn bản có liên quan.
Công ty Công Lý "tiếng tăm" thế nào?
Theo tìm hiểu của PV báo điện tử Người Đưa Tin, công ty Công Lý là một doanh nghiệp có danh tiếng ở tỉnh Cà Mau.
Ngành nghề kinh doanh của công ty là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng và chuyên dụng khác; đầu tư khu du lịch sinh thái; đầu tư kinh doanh điện gió; xử lý rác thải; chế biến và kinh doanh phân vi sinh, các sản phẩm nhựa tái chế;…
Đáng chú ý, đơn vị này cũng là chủ đầu tư Nhà máy Xử lý rác TP.Cà Mau – nơi từng đưa ra con số khủng khiếp về việc phát hiện hơn 300 xác thai nhi lẫn vào rác đưa vào nhà máy. Tuy nhiên, theo xác minh của cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau thì thông tin trên là “không có cơ sở”.
Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu công ty Công Lý nghiêm túc rút kinh nghiệm và chấn chỉnh, không để xảy ra trường hợp cung cấp thông tin không chính xác trong thời gian tới.