Mới đây, các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê, Phú Thọ, đã phẫu thuật nội soi cấp cứu tháo xoắn vòi trứng, bảo tồn buồng trứng trái cho bệnh nhi N.T.M.,14 tuổi.
Bệnh nhi bị đau âm ỉ vùng bụng dưới 2 tuần gần đây. Ngày 18/4, tình trạng đau bụng tăng, nên gia đình đưa bệnh nhi đến cơ sở y tế trên khám, siêu âm. Bác sĩ phát hiện khối hỗn âm cạnh tử cung bên trái, nghi ngờ u nang buồng trứng xoắn, bệnh nhi được chụp cộng hưởng từ có tiêm thuốc.
Kết quả cho thấy hình ảnh lốc xoáy ở vòi trứng trái, buồng trứng trái không ngấm thuốc. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi M. bị u nang buồng trứng xoắn bên trái.
Xác định đây là trường hợp cấp cứu cần phải phẫu thuật ngay để bảo tồn buồng trứng, các bác sĩ đã hội chẩn và mổ cấp cứu cho trẻ. Khi camera vào ổ bụng, hình ảnh quan sát thấy vòi trứng trái xoắn 4 vòng như "rắn cuộn", buồng trứng tím nhẹ. Trẻ được tiến hành tháo xoắn vòi trứng. Sau 5 phút tháo xoắn, buồng trứng hồng trở lại.
Bệnh nhi tiếp tục được mở nang buồng trứng hút dịch, đặt dẫn lưu ổ bụng. Sau một giờ, ca phẫu thuật được thực hiện thành công, bảo tồn được chức năng sinh sản của người bệnh.
Bác sĩ cho biết u nang buồng trứng xoắn thường xảy ra với các khối u có cuống dài. Nếu u nang buồng trứng có cuống ngắn chỉ bị bị xoắn nhẹ, sau đó sẽ trở về vị trí cũ. Nếu xoắn mạnh hơn, u nang sẽ không thể trở về vị trí ban đầu.
Bệnh nhân không được phẫu thuật kịp thời, u nang có thể bị hoại tử, vỡ do máu không tới nuôi dưỡng, gây viêm màng bụng (viêm phúc mạc). Nghiêm trọng hơn, nếu vòi trứng bị xoắn sẽ dẫn đến hoại tử buồng trứng, bệnh nhân bị ảnh hưởng chức năng sinh sản.
Trong giai đoạn đầu, u nang buồng trứng diễn biến âm thầm, không có triệu chứng, biểu hiện có thể chỉ thường xuyên đau bụng lâm râm dưới vùng rốn, dễ bị bỏ qua. Khi khối u nang phát triển to hơn, trẻ có thể sờ thấy được, do thành bụng ở độ tuổi này khá mỏng.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo chị em, kể cả trẻ nhỏ, nên đi khám phụ khoa tổng quát, siêu âm ổ bụng định kỳ để phát hiện sớm các bất thường.
Minh Hoa (t/h theo Zing, Giáo dục & Thời đại)